Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Rạng sáng một ngày đầu tháng 4/2021, tôi được toà soạn phân công nhiệm vụ khẩn trương có mặt tại khu vực nơi xảy ra vụ cháy lớn ở số 311 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội, nghi có nhiều người mắc kẹt. Trong đêm, tôi vội vàng xách đồ nghề rồi lập tức lên đường.
Hôm đó, tôi và nhiều đồng nghiệp đã vô cùng đau lòng khi cả gia đình 4 người, trong đó có một phụ nữ đang mang thai đã không thể ra ngoài tử vong thương tâm. Dù xác định rõ nhiệm vụ của mình là cung cấp thông tin nhanh nhất, chính xác nhất đến độc giả nhưng khi ấy tôi cũng như nhiều anh chị em đồng nghiệp cùng chung cảm giác bất lực vì không thể cứu được các nạn nhân. Một ngày làm việc từ rạng sáng đến tối muộn mới trở về nhà với bao nặng trĩu cả mệt mỏi lẫn nỗi buồn.
Sự việc đau lòng thương tâm ấy cũng chính một trong những đề tài nóng liên quan đến việc cảnh báo về tình trạng xây kín, không có chỗ thoát hiểm đã được chúng tôi thực hiện liên tục suốt nhiều năm qua. Dù không mong muốn có nhiều trường hợp thương tâm từ hệ lụy này nhưng những người làm báo ở Dân Việt luôn tự hào là một trong những báo điện tử hàng đầu phản ánh các vụ việc một cách nhanh nhất, chính xác nhất, cùng với việc trao đổi với các chuyên gia để cảnh báo, tránh xảy ra những vụ việc đau lòng tương tự…
Và cùng với nhiều mảng đề tài khác, tôi luôn cảm thấy mình may mắn và hạnh phúc khi được đóng góp tới hơn 1.000 bài viết mỗi năm, được cùng hòa chung với sự cống hiến của các đồng nghiệp đang công tác tại Báo điện tử Dân Việt/Nông thôn Ngày nay trên chặng đường phụng sự bạn đọc.
Còn nhớ cuối tháng 4/2021, dịch bệnh Covid-19 bắt đầu bùng phát mạnh tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trong cả nước. Những lo ngại thậm chí xen lẫn sự hoang mang lo lắng "vần vũ" trong đầu nhiều người dân đặc biệt khi số lượng người nhiễm Covid-19 tử vong tại TP.HCM không hề nhỏ. Tôi được phân công cập nhật tình hình diễn biến dịch Covid-19 tại Hà Nội. Và dường như tất cả những điểm "nóng nhất" của dịch bệnh Covid-19 hầu như những phóng viên như chúng tôi không bỏ sót.
Từ những ổ dịch Covid-19 như Văn Chương, Văn Miếu (quận Đống Đa)… đến những điểm phong toả trên địa bàn thành phố Hà Nội, Bệnh viện điều trị Covid-19, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương… chỉ cần ở đó có thông tin, chúng tôi khẩn trương có mặt. Trách nhiệm của người làm báo khiến chúng tôi mạnh mẽ hơn nỗi sợ, và điều đó càng khiến chúng tôi cảm phục những lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Những bộ đồ bảo hộ luôn được chúng tôi mang theo bên mình, nếu cần có thể sẵn sàng lao vào điểm nóng luôn. Bởi có vào những nơi đó, mình mới thấu hiểu hết những khó khăn vất vả của nhân viên y tế - những người ngày đêm miệt mài căng mình chống dịch. Có những người vì nắng nóng, làm việc quá sức trong những bộ đồ bảo hộ kín mít đã kiệt sức.
Hàng chục bài báo về Covid-19 được chúng tôi cập nhật liên tục mỗi ngày. Không ít ngày, công việc của tôi bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc lúc đêm khuya. Không chỉ riêng tôi mà rất nhiều đồng nghiệp cũng đã trải qua quãng thời gian khó quên đó. Bởi khi đó, thông tin nhanh, chính xác chính là liều thuốc quan trọng để cộng đồng không hoang mang, lo lắng và cùng chung tay với Chính phủ chống dịch.
Trong đợt dịch Covid-19 ở Hà Nội, căng thẳng nhất là giai đoạn đầu năm 2022. Đâu đâu cũng có người mắc Covid-19, cả nhà tôi cũng không ngoại lệ, chẳng trừ một ai.
Khi tôi liên hệ để ghi nhận tình hình, chị Nguyễn Trà My, Phó Trưởng Trạm y tế phường Trung Văn (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) nói: "Anh không nên vào vì mọi người đang F0, nhỡ lây lan dịch nguy hiểm".
Tôi nghĩ mình làm công việc này nếu không vào những điểm như vậy sao có thông tin được. Và thế rồi tôi thuyết phục họ và được sự đồng ý. Tại điểm ghi nhận đó, tôi được chứng kiến những nhân viên y tế dù đang là F0 nhưng họ vẫn miệt mài làm việc, cập nhật từng ca bệnh. Những cuộc gọi tư vấn cứ thế diễn ra liên tục từ sáng cho tới tận đêm khuya, thậm chí đến sáng.
Có nữ nhân viên bảo với tôi "Có mệt mỏi nhưng công việc vẫn quan trọng nhất, có rất nhiều F0 đang chờ mình". Cũng may rằng nhờ việc tìm kiếm nhanh được nguồn vaccine phòng Covid-19 của Chính phủ, ngành y tế nên tỷ lệ tiêm phủ của Việt Nam rất cao, từ đó tỷ lệ tử vong do Covid-19 giảm nhanh. Và đến nay, dịch bệnh Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, mọi thứ dần trở về bình thường mới.
Trong hành trình làm báo của mình, tôi cũng không thể quên đêm tác nghiệp khi nhận được hung tin bé gái 3 tuổi ở huyện Thạch Thất, Hà Nội nghi bị người tình của mẹ găm đinh vào đầu tử vong tại Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn hồi tháng 3 vừa qua. Trước đó, rất nhiều bạn đọc đã thầm hy vọng, cầu nguyện cho cháu bé được cứu nhưng số phận đã không mỉm cười với bé.
Giữa đêm tại bệnh viện, chúng tôi cố gắng kìm nén cảm xúc để làm tốt trách nhiệm của người làm báo là cập nhật nhanh, chính xác và đa chiều tới độc giả, không chỉ từ người nhà cháu bé, mà còn từ ý kiến bệnh viện, cơ quan công an, luật sư… trên các nền tảng Báo điện tử Dân Việt, Youtube Dân Việt, Truyền hình Dân Việt…
Trong đêm đó, chúng tôi nán lại ở bệnh viện cho tới 2h sáng. Sau khi hoàn tất thủ tục pháp y, lực lượng chức năng đã bàn giao thi thể cháu bé cho người nhà lo hậu sư. Tôi cũng về quê nhà cháu bé ngay trong đêm thực hiện nhiệm vụ đưa tin.
Trở về từ mỗi chuyến tác nghiệp xuyên đêm cũng là lúc chân tay mỏi rã rời nhưng là lúc những cống hiến, nỗ lực của chúng tôi được ghi nhận qua những tác phẩm báo chí có chất lượng đã được gửi đến độc giả. Đây chính là niềm hành phúc, là món quà tinh thần vô giá và là động lực giúp chúng tôi ngày càng có trách nhiệm hơn với nghề.
Nhân dịp sinh nhật Báo điện tử Dân Việt (ngày 8/6) tròn 12 tuổi, với sự nỗ lực của cả tập thể từ Ban lãnh đạo tới các cán bộ nhân viên của báo, chúng tôi luôn mong nhận được sự tin yêu của độc giả. Hy vọng Báo điện tử Dân Việt sẽ ngày một phát triển, là món ăn tinh thần không thể thiếu của mỗi người dân Việt và bạn đọc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.