Bão đổ bộ vào đất liền trong ngày mai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khẩn

Khánh Nguyên Thứ bảy, ngày 01/08/2020 11:35 AM (GMT+7)
Sáng nay, 1/8, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Xuân Cường đã chủ trì cuộc họp trực tuyến với 21 điểm cầu bàn và triển khai giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng mạnh lên thành bão
Bình luận 0

1.642 tàu hoạt động trong vùng nguy hiểm 

Nhận định về diễn biến của áp thấp nhiệt đới, ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết, trong 24 giờ qua, áp thấp nhiệt đới (ATNĐ) di chuyển khá ổn định theo hướng Tây Tây Bắc. Cơn ATNĐ này có bán kính hoàn lưu khá rộng. 

Dự báo ngày 01/08/2020, áp thấp nhiệt đới sẽ mạnh lên thành bão (cấp 8, giật cấp 10); đi vào khu vực ven biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Nghệ An (chiều ngày 02/08/2020).

"Cơn bão này có khả năng đi vào giữa đồng bằng và khu vực Thanh Hóa, từ Nghệ An đến Ninh Bình, Nam Định. Thời gian ảnh hưởng trực tiếp từ sáng sớm ngày mai" - ông Khiêm nhận định.

Ngoài ra thời gian qua do nắng nóng kết hợp hoàn lưu bão có thể gây giông lốc, gió giật mạnh trong đất liền. Vùng hoàn lưu gây gió rất mạnh.

Theo dự báo, khu vực từ Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ có mưa vừa đến mưa to, lượng mưa đến 250mm. Thanh Hóa-Quảng Trị lên đến 400mm/đợt. Trọng tâm mưa kéo dài từ nay đến ngày 2-8. Khu vực Bắc Bộ có lượng mưa từ 200-250mm, tập trung ở đồng bằng.

Trong khi đó, ông Trần Quang Hoài, Tổng Cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, cho biết trong những ngày qua đã có mưa vừa, mưa to tại Hà Giang, Nghệ An, Gia Lai, Bình Phước, Đắk Lắk với lượng mưa trên 100-200mm.

Tại Đắk Lắk đã có mưa rất to, lượng mưa tại Ea Kiết lên tới 271mm/8 giờ sáng sớm ngày 31/7 gây ngập lụt cục bộ tại một số khu vực, nhất là tại huyện Ea Súp.

Bão đổ bộ vào đất liền trong ngày mai, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo khẩn - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến bàn và triển khai giải pháp ứng phó áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông có xu hướng mạnh lên thành bão sáng 1/8.

Đại tá Phạm Xuân Diệu, Phó Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết, các tỉnh đã chủ động bắn pháo hiệu cảnh báo về áp thấp nhiệt đới. Đến 6h sáng nay đã thông báo cho 55.800 phương tiện biết hướng đi của ATNĐ. 

Hiện vẫn còn 1.642 tàu/8986 lao động hoạt động trong khu vực nguy hiểm, tuy nhiên các tàu này hoạt động tương đối gần bờ và đã duy trì thông tin liên lạc. 

Trong vùng chịu ảnh hưởng trực tiếp của áp thấp nhiệt đới có 8.737 lồng bè, 10.667 lao động tập trung từ Quảng Ninh đến Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa. 

Ông Nguyễn Đức Quyền, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho biết, khi biết dự kiến bão sẽ vào Thanh Hóa, tỉnh đã rà soát lại phương án di dân ở những nơi có nguy cơ. 

Ứng phó bão gắn với phòng chống Covid-19

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đề nghị các thành viên của Ban Chỉ đạo, thành viên Ủy ban Tìm kiếm cứu bạn và ứng phó sự cố, các bộ ngành, địa phương tập trung triển khai các biện pháp ứng phó với phương châm "4 tại chỗ" gắn với phòng chống dịch Covid-19.

Theo đó, Phó Thủ tướng yêu cầu phải đảm bảo an toàn trên biển, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động ở vùng nguy hiểm vào nơi an toàn. Yêu cầu bảo vệ các lồng bè các khu vực nuôi biển. Tuyệt đối không để người dân ở lại trên lồng bè khi có bão đổ bộ.

Tại vùng đồng bằng, ven biển nơi có bão đổ bộ, Phó thủ tướng yêu cầu sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, khu vực nhà ở không an toàn, đặc biệt là Thanh Hóa, Nghệ An, Nam Định, Ninh Bịnh.

Do đang mùa du lịch, khách còn nhiều, Phó Thủ tướng yêu cầu địa phương chủ động các biện pháp bảo vệ an toàn cho khách du lịch.

Đồng thời, các địa phương có biện pháp bảo vệ sản xuất an toàn, bảo vệ cho các công trình nhà ở của người dân, các công trình công sở như nhà trẻ, trường học, bệnh viện, trụ sở cơ quan, các khu công nghiệp, khu kinh tế... từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng...

Đối với khu vực miền núi, trung du thì hoàn lưu bão sẽ gây mưa rất lớn, lượng mưa có thể lên đến 500mm nên cần chủ động sơ tán dân cư ra khỏi khu vực không an toàn. "Đây là tính mạng của người dân nên chúng ta cần phải hết sức trách nhiệm, tuyệt đối không được chủ quan" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đặc biệt chú ý đến an toàn hồ đập thủy lợi, thủy điện. Xử lý nghiêm những chủ hồ không tuân theo đúng quy trình xử lý an toàn hồ đập. Theo dõi diễn biến động đất liên quan đến an toàn hồ đập.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem