10% phụ nữ tại Việt Nam từng bị chồng tấn công tình dục.
Đây là số liệu được cung cấp tại buổi Tọa đàm Tiếp cận Công lý cho Phụ nữ bị bạo lực tình dục ở Việt Nam do Cơ quan Liên Hợp Quốc về Bình đẳng Giới và trao quyền cho Phụ nữ (UN Women), Cơ quan phòng chống Ma tuý và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC), Trung tâm nghiên cứu khoa học giới, gia đình, phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) phối hợp tổ chức ngày 8.12.
Ảnh minh họa từ internet
Bạo lực tình dục có thể xảy ra tại gia đình hay nơi được cho là “an toàn” và “bình yên”. Một nghiên cứu gần đây về 462 vụ việc cưỡng hiếp và tấn công tình dục đã chỉ ra một thực tế hoàn toàn khác. Trong 86% những vụ việc này, kẻ tình nghi lại có mối quan hệ quen biết với nạn nhân và phần lớn các vụ việc xảy ra tại nơi riêng tư mà không hề có sự tổn thương về thể xác.
Bà Shoko Ishikawa, Trưởng đại diện UN Women khẳng định: “Khi một người phụ nữ nói rằng cô ấy bị cưỡng hiếp, ngay lập tức rất nhiều người sẽ đặt ra câu hỏi là cô ấy đã làm gì để khêu gợi hành vi tình dục nhằm vào bản thân mình, có thể vì cô ấy đã tới nhầm một nơi nào đó vào nhầm thời điểm, hoặc do cô ấy ăn mặc không đúng đắn – vì nhu cầu tình dục của nam giới được mặc nhiên coi là bản năng tự nhiên của con người, còn “người con gái ngoan” sẽ không chủ động về tình dục. Đó là một lý do quan trọng khiến bạo lực tình dục thường xuyên bị xã hội che giấu, các nạn nhân sợ hãi không dám tố cáo”.
TS Đào Lệ Thu (Trường Đại học Luật Hà Nội) chỉ ra rằng, hiếp dâm và cưỡng dâm được định nghĩa khá hạn hẹp trong Luật hình sự. Hành vi ngăn cấm chỉ nói tới “giao cấu” giữa hai bộ phận sinh dục. Nhưng trên thực tế, có nhiều hành vi hiếp dâm qua đường hậu môn hoặc xâm nhập vào các bộ phận khác của cơ thể hoặc dùng các vật thể khác.
“Thực tế các hành vi xâm hại cơ thể khác cũng gây tổn hại về sức khỏe và tinh thần không kém gì “giao cấu”. Ngoài ra, định nghĩa truyền thống về hiếp dâm đòi hỏi yếu tố sử dụng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực mà bỏ qua trường hợp nạn nhân ở hoàn cảnh quẫn bách, không có khả năng phản kháng hoặc có trường hợp bên nữ chấp nhận giao cấu do sợ hãi bị tổn hại hơn.
Như vậy, nếu nạn nhân khi bị hiếp dâm không la hét, không chống cự, không có bằng chứng bị tổn thương cơ thể cũng dễ bị hiểu sang “đồng thuận quan hệ tình dục”… Những khoảng trống đó trong luật pháp khiến cho các vụ bạo lực tình dục khó được đưa ra ánh sáng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.