Báo động: Thêm trẻ đuối nước tử vong do cấp cứu ban đầu sai cách

Diệu Linh Thứ bảy, ngày 08/07/2023 06:08 AM (GMT+7)
Dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng sơ cấp cứu đuối nước ban đầu sai cách bằng dốc ngược nạn nhân chạy vẫn xảy ra khiến nhiều trẻ tử vong.
Bình luận 0

Trẻ đuối nước tử vong hoặc nguy kịch vì bị cấp cứu sai cách

Tin từ Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, trong tuần đầu tháng 7, bệnh viện đã tiếp nhận 3 ca đuối nước nguy kịch, trong đó có 2 trẻ tử vong.

Đáng nói, dù đã được các cơ quan chuyên môn và truyền thông cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng sơ cấp cứu ban đầu sai cách bằng dốc ngược nạn nhân đuối nước chạy vẫn xảy ra khiến trẻ mất đi cơ hội được cấp cứu đúng, lại càng trì hoãn thời gian đến viện. 

Cụ thể, một trẻ nam (8 tuổi, Bắc Giang) đi chơi với 2 trẻ (9 tuổi và 12 tuổi) và bị ngã xuống ao thả cá. Một lúc sau trẻ mới được vớt lên, người cấp cứu không rõ trẻ có ngừng thở ngừng tim không chỉ biết trẻ tím tái, anh và mọi người lập tức vác chạy, thời gian mất khoảng 10 phút.

Sau đó, trẻ được chuyển đến bệnh viện huyện trong tình trạng hôn mê, tím tái, thở ngáp, được đặt nội khí quản chuyển đến bệnh viện đa khoa tỉnh rồi chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương.

Báo động: Thêm trẻ đuối nước tử vong do cấp cứu ban đầu sai cách  - Ảnh 1.

Một trẻ đuối nước nguy kịch vì bị sơ cứu sai cách điều trị ở Bệnh viện Nhi Trung ương. Ảnh BVCC

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương trẻ hôn mê, suy hô hấp, suy tuần hoàn. Trẻ đuợc các bác sĩ Khoa Điều trị tích cực Nội khoa điều trị thở máy, ổn định huyết động, kháng sinh, sử dụng biện pháp hạ thân nhiệt chủ động để bảo vệ não. 

Sau 5 ngày điều trị trẻ tỉnh hơn, tự thở, hô hấp và huyết động ổn định. Tuy nhiên trẻ vẫn cần được điều trị và theo dõi lâu dài về những di chứng thần kinh do thời gian thiếu oxy não kéo dài sau đuối nước vì không được xử lý sơ cấp cứu ban đầu đúng cách.

Đau lòng hơn là trường hợp trẻ nam 5 tuổi, Hải Dương, tai nạn đuối nước tại bể bơi resort khi gia đình đi du lịch do một chút sơ ý để trẻ ở ngoài tầm mắt của người lớn. 

Khi được vớt lên, tuy trẻ đã trong tình trạng tím tái, không thở, nhưng thay bằng được thổi ngạt và ép tim ngay, trẻ lại vẫn được vác dốc ngược chạy quanh trong vài phút rồi trẻ mới được sơ cấp cứu. 

Thời gian trẻ có tim trở lại từ lúc được cấp cứu đến khi vào cơ sở y tế ban đầu khoảng 30 phút, sau đó trẻ được chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương. Khi vào đến Khoa Điều trị tích cực Nội khoa, trẻ trong tình trạng nguy kịch, hôn mê sâu, đồng tử giãn. 

Rất tiếc, trẻ đã tử vong sau một ngày vào viện dù đã được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực. Nguyên nhân tử vong là do tình trạng tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan do tình trạng thiếu ô xy kéo dài.

Trước đó, trong tuần đầu tháng 6, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng cho biết đã tiếp nhận 7 trẻ bị đuối nước, trong đó cũng có trẻ tử vong hoặc bị di chứng thần kinh nặng nề do bị sơ cứu đuối nước sai cách. 

Rất nhiều người phạm sai lầm "vác trẻ đuối nước lên vai chạy" dù đã được cảnh báo rất nhiều lần, đây là cách sơ cứu sai lầm khiến trẻ đuối nước càng có nguy cơ ngạt thở và chậm cấp cứu đúng, chậm đến viện. 

TS, bác sĩ Phan Hữu Phúc – Viện trưởng Viện Đào tạo và Nghiên cứu Sức khoẻ Trẻ em, Bệnh viện Nhi Trung ương; Tổng thư ký Hội Nhi Khoa Việt Nam khẳng định: "Sơ cấp cứu ban đầu cho trẻ đuối nước rất quan trọng vì nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ đuối nước là tổn thương não do thiếu oxy", 

Theo TS Phúc, thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 3-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh. 

Do đó, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Sơ cấp cứu ban đầu đúng cách – cơ hội sống cho trẻ đuối nước

TS, bác sĩ Lê Ngọc Duy – Trưởng Khoa Cấp cứu và Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết: “Vài phút đầu là thời gian vàng để cấp cứu trẻ đuối nước, việc cấp cứu đúng cách cực kỳ quan trọng, quyết định sự sống còn của trẻ.

Nếu sơ cấp cứu không đúng trẻ có thể tử vong hoặc để lại di chứng thần kinh nặng nề dù sau đó có được áp dụng các biện pháp hồi sức tích cực do quá trình thiếu oxy não kéo dài”.

Thời gian chịu đựng thiếu oxy của não tối đa chỉ khoảng từ 4-5 phút, nếu quá thời gian này sẽ dẫn tới tổn thương não không hồi phục, gây tử vong hoặc di chứng thần kinh.

Vì thế, khi thấy một trẻ bị đuối nước không tỉnh, không thở, ngừng tim thì cần phải hồi sức tim phổi (thổi ngạt, ép tim) ngay vì đây là thời điểm vàng để cứu sống trẻ.

Cẩn thận đặt trẻ nằm ngửa trên nền cứng.

Nếu nghi ngờ chấn thương cổ: hãy di chuyển trẻ trẻ bằng cách di chuyển toàn bộ cơ thể (đầu, cổ, cột sống và hông) với nhau, giữ cho tất cả chúng thẳng hàng; không ngửa đầu nâng cằm, chỉ cần ấn góc hàm.

Nếu không nghi ngờ chấn thương cổ: Giữ đầu trẻ ngửa ra sau và nâng cằm để thông đường thở (kỹ thuật ngửa đầu – nâng cằm).

Báo động: Thêm trẻ đuối nước tử vong do cấp cứu ban đầu sai cách  - Ảnh 2.

Kỹ thuật ấn góc hàm. Ảnh BVCC. Ảnh minh họa BVCC

Tiến hành hồi sức tim – phổi (CPR) cho trẻ bằng cách:

– Thổi ngạt: Với trẻ nhỏ, đặt miệng của bạn trên cả mũi và miệng của trẻ để thổi ngạt được kín. Với trẻ lớn hơn, một tay ép cánh mũi và đưa miệng của bạn thổi vào miệng của trẻ.

Thổi chậm, đều trong 1- 2 giây và ngực của trẻ sẽ phồng lên, thổi ngạt 5 nhịp thở đầu tiên.

Báo động: Thêm trẻ đuối nước tử vong do cấp cứu ban đầu sai cách  - Ảnh 3.

Hà hơi thổi ngạt cho trẻ. Ảnh minh họa BVCC

– Ép tim ngoài lồng ngực: Ngay sau thổi ngạt 5 nhịp đầu tiên, tiến hành ép tim ngoài lồng ngực. Sử dụng một tay đặt vuông góc với lồng ngực, (trẻ lớn/người lớn có thể dùng hai tay).

Vị trí ép tim: 1/2 dưới xương ức, ấn xuống ngực sâu khoảng 1/3 -1/2 lồng ngực theo đường kính trước sau.

Tốc độ ép tim 100 -120 lần/phút. Những lần tiếp theo tiếp tục thực hiện theo chu kỳ 30 lần ép tim/2 lần thổi ngạt. Tiếp tục ép tim và thổi ngạt liên tục (cả trong quá trình vận chuyển cấp cứu) cho tới khi trẻ tự thở lại được, hồng hào trở lại.

Báo động: Thêm trẻ đuối nước tử vong do cấp cứu ban đầu sai cách  - Ảnh 4.

Ép tim ngoài lồng ngực. Ảnh minh họa BVCC

Một số chú ý khi cấp cứu trẻ đuối nước và những sai lầm cần tránh

  • - Không được dốc ngược trẻ lên vai rồi chạy làm cho các dịch ở dạ dày trào ngược hít vào đường thở và làm chậm trễ hồi sức tim phổi (ép tim/thổi ngạt) làm mất thời gian vàng để cấp cứu trẻ
  • - Không được ngừng hồi sức tim phổi nếu trẻ chưa có nhịp thở
  • - Khi ép tim ngoài lồng ngực, không ấn ngực quá mạnh sẽ gây gãy xương sườn, đụng dập phổi.
  • - Cần đưa tất cả trẻ bị đuối nước đến các cơ sở y tế để tiếp tục kiểm tra và theo dõi các biến chứng sau đuối nước.

  • - Người cứu không biết bơi nhưng lại cố gắng nhảy xuống nước gây nguy hiểm tính mạng.
  • Bác sĩ Lê Ngọc Duy

Mời quý vị xem ngay video Hướng dẫn cấp cứu đuối nước dưới đây. Nguồn BVCC


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem