Tiền là yếu tố quan trọng của bóng đá chuyên nghiệp. Vì thiếu có tiền, hoặc tiềm lực tài chính phải "chắp vá" thì không thể gọi là đội bóng chuyên nghiệp. Điều này là bài toán nan giải trong nhiều qua của các đội bóng Việt Nam.
Mới nhất, CLB Khánh Hòa được một doanh nghiệp tài trợ 20 tỷ đồng, lập tức đặt mục tiêu trở lại V.League. Nhưng cách đó vài tháng, đội bóng phố biển đứng trước cảnh "chết chìm", phải bán tháo nhiều trụ cột như Lâm Ti Phông, Trùm Tỉnh, Thành Khương... cho TP.HCM, Bình Định. Mục đích là có tiền để trả nợ lương. Họ nợ tiền của các cầu thủ trong nhiều tháng.
Tiền rõ ràng có vai trò quan trọng để một đội bóng sống tốt, có thể đặt ra những mục tiêu cao. Nhưng sống dựa vào túi tiền doanh nghiệp kiểu như CLB Khánh Hòa thì không thể nào nói đến sự lâu dài, bền vững trong bóng đá chuyên nghiệp. Vì không ai dám chắc doanh nghiệp đó sẽ cam kết trọn đời với đội bóng phố biển, chỉ cần một cái buông tay thì họ lập tức rơi vào cảnh "chạy cơm", thậm chí "chết chìm".
Có rất nhiều ví dụ của bóng đá Việt Nam cho câu chuyện nêu trên. CLB Thanh Hóa không còn đứng trong Top những đội bóng mạnh khi FLC chia tay. Xuân Thành Sài Gòn "chết chìm" khi bầu Thụy nghỉ chơi...
Bóng đá Việt Nam còn có nhiều vấn đề về chuyện các đội bóng thi đấu chuyên nghiệp nhưng tiền phải "gối đầu" theo các năm. Tức họ dùng kinh phí của mùa sau cho mùa bóng ở hiện tại. Điều này dẫn đến chuyện các đội bóng rơi vào cảnh nợ tiền.
Độc giả cũng không còn xa lạ với chuyện các đội bóng thăng hạng nhưng không chơi. Lý do là không có tiền. Tân binh Gia Định của hạng Nhất 2021 đã không thăng hạng, vì lý do chưa đáp ứng được tiêu chí của Quy chế bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Đúng hơn, họ hiểu từ hạng Nhì lên hạng Nhất thì vấn đề về tài chính là số 1.
CLB Quảng Ninh là đội bóng mạnh ở V.League trong nhiều năm qua. Đội bóng đất Mỏ vừa trải qua cơn bĩ cực, một loạt trụ cột ra đi. HLV Phan Thanh Hùng về Bình Dương. Nguyên nhân cũng đến từ chuyện kinh phí.
Ở bóng đá Việt Nam, đội bóng duy nhất dám tuyên bố có thể sống, sống tốt từ việc bán vé, tiền tài trợ là HAGL. Điều này từng được bầu Đức nói vào mùa bóng 2015. Nhưng HAGL chỉ có thể sống khỏe theo cách chơi của bầu Đức. Họ muốn có tham vọng cao thì phải dựa vào túi tiền của ông chủ phố Núi, vì mua sắm thêm ngôi sao thì cần rất nhiều tiền.
Có nhiều yếu tố để khiến các đội bóng của Việt Nam chưa thoát khỏi cảnh "chạy cơm từng bữa", đó là chuyện làm sao kiếm tiền từ bóng đá. Phần lớn chỉ dựa vào nhà tài trợ, tiền bán vé... Nhưng tiền tài trợ chắc chắn chưa thể đáp ứng con số nhất định được VFF đưa ra, còn tiền vé nếu dưa ra cũng không bằng con số thưởng cho 1 trận thắng ở V.League...
Lăng kính này cần nhìn về VPF, ngay đến nhà tổ chức cũng đau đầu với chuyện kiếm tiền. Bản quyền truyền hình của V.League gần như chỉ mang tính tượng trưng, đồng nghĩa các đội bóng tham gia không được "chia bánh", dù đúng ra đây là "cái bánh" cực kỳ quan trọng để các đội có tiền.
Bài toán này thực sự nan giải cho những người quản lý bóng đá Việt Nam. Nếu các đội bóng chưa thể kiếm tiền từ bóng đá thì còn rơi vào cảnh "chạy cơm từng bữa", cũng như một số đội bóng có thể rơi vào cảnh "chết chìm" bất kỳ lúc nào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.