Bao giờ có hành lang pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen ở Việt Nam?
Bao giờ có hành lang pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen ở Việt Nam?
P.V
Thứ sáu, ngày 19/04/2024 09:00 AM (GMT+7)
Các nhà khoa học Việt Nam hy vọng các cơ quan quản lý, ngành chức năng có cái nhìn rõ ràng hơn ở góc độ khoa học về cây trồng chỉnh sửa gen, có chính sách rõ ràng hơn đối với cây trồng này để có thể sớm đi vào thực tiễn sản xuất.
Mong cây trồng chỉnh sửa gen vượt ra khỏi phạm vi phòng thí nghiệm
Được đào tạo chuyên ngành về Sinh học thực vật tại Đại học Missouri (Mỹ), từng làm việc tại Mỹ về chuyên ngành công nghệ gen, chỉnh sửa gen, TS.Đỗ Tiến Phát, Trưởng phòng Công nghệ tế bào thực vật, Viện Công nghệ sinh học (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) là một trong những nhà khoa học tham gia các nhóm nghiên cứu đầu tiên về công nghệ chỉnh sửa gen tại Việt Nam.
Được biết, nhóm nghiên cứu tế bào thực vật của TS. Đỗ Tiến Phát là nhóm nghiên cứu thành công đầu tiên về công nghệ chỉnh sửa gen ở Việt Nam trên nhiều đối tượng cây trồng khác nhau như đậu tương, lúa, cà chua, dưa chuột.
"Đơn cử như trên cây đậu tương, nhóm nghiên cứu đang thực hiện một đề tài nghiên cứu của Bộ Nông nghiệp và PTNT với kỳ vọng tạo ra một giống đậu tương có hàm lượng protein cao. Hiện, chúng tôi đã có dòng đậu tương triển vọng, đang trong giai đoạn đánh giá nhà lưới, kiểm soát an toàn sinh học để hướng tới ứng dụng trong tương lai", ông Phát thông tin.
Tương tự như vậy, TS.Nguyễn Duy Phương, Trưởng Bộ môn Bệnh học phân tử (Viện Di truyền nông nghiệp), trưởng nhóm nghiên cứu chỉnh sửa gen trên lúa cho biết, nhóm nghiên cứu của Viện tập trung vào cải tiến tính trạng kháng bệnh bạc lá của cây lúa, là một loại bệnh nghiêm trọng đối cây lúa hiện nay. Công nghệ chỉnh sửa gen giúp các nhà khoa học tìm ra cơ chế gây bệnh, từ đó cải tiến, nâng cao tính trạng kháng bạc lá cho các giống lúa chủ lực của Việt Nam.
"Bệnh bạc lá lúa không chỉ tồn tại ở Việt Nam mà diện tích lúa của các nước cũng nhiễm. Tại Việt Nam, hầu hết các giống lúa chủ lực, năng suất, chất lượng cao như Bắc thơm 7, TBR 25, J02,... đều bị bệnh này. Nếu cây lúa nhiễm bệnh, năng suất có thể giảm từ 30 - 50%. Hướng nghiên cứu của nhóm là tìm ra cơ chế gây bệnh của vi khuẩn, sau đó cải tiến tính trạng. Hiện chúng tôi đã làm chủ được công nghệ, thành công trong việc tạo ra dòng lúa kháng phổ rộng với bệnh bạc lá", TS Nguyễn Duy Phương cho biết.
Theo GS.TS.Phạm Văn Toản, Phó Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, công nghệ chỉnh sửa gen là lĩnh vực nghiên cứu mới mẻ ở Việt Nam, là công nghệ cho phép tạo ra các giống cây trồng mới có tính trạng ưu việt nhưng chi phí đầu tư nghiên cứu lại thấp, thời gian tạo ra giống cây trồng mới với những tính trạng nổi bật ngắn hơn.
"Với công nghệ này, các nhà khoa học có thể chủ động loại bỏ các yếu tố không thuận lợi, gây nghi ngại, tạo ra các giống cây trồng mới chống chịu với điều kiện thời tiết bất thuận hay dịch hại. Điều đáng mừng là qua báo cáo của các đơn vị tôi thấy bước đầu chúng ta đã làm chủ được công nghệ. Trong 10 năm qua, thế giới đã có những bước tiến vượt bậc trong công nghệ chỉnh sửa gen, trong 2 - 3 trở lại đây, việc công bố thương mại các giống chỉnh sửa gen trên thế giới phát triển nhanh", GS.TS Phạm Văn Toản cho biết.
Dù đã bước đầu làm chủ được công nghệ nhưng cái khó đang "trói chân" các nhà khoa học đó là Việt Nam chưa có quy định, chính sách, hành lang pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen.
Theo TS.Đỗ Tiến Phát, Việt Nam đang trong giai đoạn thảo luận về cây trồng chỉnh sửa gen, hiện chưa có hướng dẫn cũng như quy định nào về việc sử dụng cây trồng này để cây trồng này tiến gần hơn với sản xuất, thương mại hóa. "Chúng tôi hy vọng các cơ quan quản lý, ngành chức năng có cái nhìn rõ ràng hơn ở góc độ khoa học về cây trồng chỉnh sửa gen, có chính sách rõ ràng hơn đối với cây trồng chỉnh sửa gen như các cây trồng truyền thống khác thì việc áp dụng sẽ nhanh hơn, tạo ra những giống cây trồng theo yêu cầu của thực tế sản xuất", ông Phát kiến nghị.
Đồng quan điểm, TS.Nguyễn Duy Phương cho biết, chúng ta đang đi sau thế giới cả về công nghệ cũng như chính sách dành cho cây trồng chỉnh sửa gen. "Nếu có hành lang pháp lý phù hợp, cởi mở hơn thì tôi tin công nghệ chỉnh sửa gen sẽ giúp tạo ra những thế hệ cây trồng mới, từ đó nghiên cứu của các nhà khoa học sẽ được "cởi trói", sớm đi vào thực tiễn sản xuất thay vì vẫn nằm lại phòng thí nghiệm hay các bài báo quốc tế như hiện nay", TS.Phương bộc bạch.
GS.TS. Phạm Văn Toản cho biết, trong 5 năm trở lại đây, các nước châu Á đang cho thấy nỗ lực đẩy nhanh quá trình hoàn thiện khung hướng dẫn pháp lý cho cây trồng chỉnh sửa gen theo hướng khoa học. Xu hướng chung trong những hướng dẫn pháp lý của các quốc gia thuộc Châu Mỹ và Châu Á là cởi mở và có tính dự báo để thích ứng với tốc độ phát triển công nghệ mới; đồng thời cần dựa trên đánh giá khoa học để đảm bảo an toàn cho con người, vật nuôi và môi trường.
Cây trồng chỉnh sửa gen, nhìn từ Nhật Bản
Tại một Hội nghị quốc tế về chỉnh sửa gen trên cây trồng lớn nhất từ trước đến nay tại Việt Nam vừa được tổ chức tại Bình Định, GS Masaki Endo (đến từ Nhật Bản) cho biết: "Hiện tại ở Nhật Bản, chúng tôi có 3 loại cây trồng chỉnh sửa gen – nhưng những sản phẩm này chưa được phân phối tự do tại Nhật Bản. Các nhà phát triển công nghệ cần xin cấp phép từ Chính Phủ cho việc thương mại các sản phẩm này và chúng sẽ được dán nhãn. Người tiêu dùng do đó có thể tự lựa chọn sản phẩm theo nhu cầu và sở thích của họ.
Theo GS Masaki Endo, chính sách đối với cây trồng chỉnh sửa gen tại Nhật Bản khác so với cây trồng biến đổi gen và trong rất nhiều trường hợp, cây trồng chỉnh sửa gen được quản lý như cây trồng được lai tạo bằng phương pháp thông thường. Những nghiên cứu và phát triển sản phẩm sẽ cân nhắc rất kỹ lưỡng để lựa chọn cây trồng nào và tính trạng nào sẽ có lợi cho người tiêu dùng và cung cấp thông tin đầy đủ để họ lựa chọn.
"Rất nhiều người Nhật Bản hiện đã sử dụng cà chua chỉnh sửa gen GABA và họ nói rằng hương vị của loại cà chua này rất ngon - nếu sản phẩm này tốt cho sức khoẻ thì chắc chắn họ sẽ lựa chọn sử dụng. Thậm chí, cà chua GABA còn đắt hơn so với cà chua thông thường khoảng 15%", GS Masaki cho biết.
Được biết, cà chua GABA là cây trồng chỉnh sửa gen đầu tiên được thương mại tại Nhật Bản. Nhóm nghiên cứu của GS.Masaki đã thực hiện từ khoảng năm 2014. Quá trình nghiên cứu chỉnh sửa gen mất khoảng 2 năm. Tuy nhiên, sau đó nhóm nghiên cứu mất nhiều thời gian trong việc xin cấp phép đối với sản phẩm này với tổng thời gian khoảng hơn 5 năm để đưa ra thị trường.
Về việc các cơ quan quản lý tại Nhật Bản đang quy định như thế nào đối với cây trồng chỉnh sửa gen, GS.Masaki cho biết, mỗi cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những ý kiến khác nhau đối với cây trồng chỉnh sửa gen. Nhưng có thể nói rằng, hầu hết các cơ quan này đều đánh giá cây trồng chỉnh sửa gen như cây trồng thông thường và sản phẩm cây trồng cuối tạo ra từ phương pháp chỉnh sửa gen là tương đương như sản phẩm được tạo ra bằng phương pháp lai đột biến thông thường.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.