|
Em Nguyễn Thị Bình bị chủ quán phở ở Hà Nội hành hạ ròng rã 10 năm mà chính quyền không biết.
|
“Không hay, không biết”
Ngày 2-12-2009 cháu Hòa An (2 tuổi) bị bố dượng là Lê Công Quang (ở số nhà 243, đường Tống Duy Tân, phường Ba Đình, TP.Thanh Hóa) dùng mũ bảo hiểm đánh tới tấp vào đầu khiến bé phải đi cấp cứu. Lý do Quang đánh là vì bé đòi mẹ (là chị Trần Thị Hòa - SN 1977) cho đi chơi siêu thị. Quang chỉ bị “sờ gáy” khi công an vào cuộc. Còn trước đó, Quang đã nhiều lần đánh bé Hoà An do ghen tuông nhưng không hề bị chính quyền địa phương nhắc nhở.
Tương tự, trường hợp bé Phạm Văn T, 4 tuổi con của anh Phạm Văn S và chị Phạm Thị L ở ấp Tân Đông, xã Tân Thuận Bình huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang bị cha mẹ xiềng vào gốc cây vì không người trông nom, chăm sóc khi đi làm. 3 năm qua, cảnh bé bị xiềng vào gốc cây tất cả người dân địa phương đều biết và bức xúc nhưng không biết làm thế nào để giúp đỡ. T
rong khi đó, khi câu chuyện của bé được báo chí phản ánh thì cả Hội Phụ nữ, lãnh đạo UBND xã Tân Thuận Bình đều không biết. Ông Nguyễn Văn Nhỏ - Phó Chủ tịch UBND xã Tân Thuận Bình thừa nhận: "Ở ấp không báo nên chúng tôi không biết".
Trường hợp bé Nguyễn Thị Mai ở huyện Cầu Ngang (Trà Vinh) còn thương tâm hơn. Bé sống với cha ruột và mẹ kế nhưng thường xuyên bị bỏ đói. 4 tuổi, bé bị suy dinh dưỡng tới mức đôi mắt mù loà, người gầy rộc chỉ còn 8-9kg. Vụ việc chỉ được phát hiện khi chính mẹ đẻ của người mẹ kế báo UBND xã vì sợ con gái mình đánh chết bé.
Chưa cơ quan, cá nhân nào bị xử lý
Ngày 4-5, Giám đốc Công an tỉnh Cà Mau ký công văn đề nghị Viện KSND, TAND tỉnh phối hợp với Cơ quan CSĐT Công an tỉnh tham gia từ đầu, chỉ đạo Công an huyện, Viện KSND và TAND huyện Đầm Dơi khẩn trương điều tra, truy tố, xét xử vụ chủ trại tôm giống Minh Đức hành hạ dã man cháu Hào Anh.
Ngày 4-5, tiếp xúc với phóng viên, ông Đoàn Quốc Khởi - Chủ tịch UBND huyện Đầm Dơi (Cà Mau) thừa nhận: “Rất đáng tiếc và thương tâm khi vụ hành hạ dã man em Hào Anh lại xảy ra ở ấp văn hóa Phú Hiệp, xã Ngọc Chánh. Đối tượng gây án và bị hại trong vụ án này đều là người nơi khác đến làm ăn nên chính quyền cũng chưa quan tâm đúng mức”.
Bà Chung Ngọc Nhãn - Giám đốc Sở LĐ- TB&XH Cà Mau khi được NTNN đặt câu hỏi về vai trò của cán bộ bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở đâu, đã cho biết: “Trước đây còn Ủy ban Bảo vệ- chăm sóc trẻ em thì ở xã có cộng tác viên, có hưởng trợ cấp để làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hiện nay, Phòng bảo vệ chăm sóc trẻ em của Sở LĐ-TB&XH Cà Mau chỉ có vài cán bộ nên khó nắm hết tình hình”.
Trao đổi với NTNN chiều 4-5 ông Nguyễn Trọng An - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) nói: “Cục đã có công văn đề nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Cà Mau có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để làm rõ vụ việc em Nguyễn Hoàng Anh bị hành hạ dã man”.
Ông Lương Phan Cừ - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì nhấn mạnh: “Trách nhiệm trước hết là của chính quyền địa phương”.
Theo ông Cừ, việc em bé bị hành hung dã man ở Cà Mau đang được các thành viên trong Uỷ ban rất quan tâm. Người chịu trách nhiệm chính trong vụ việc này là chủ trại tôm nhưng nhà nước, mà cụ thể là chính quyền địa phương có trách nhiệm trước tiên trong việc này. Một em bé bị hành hung nặng nề, không chỉ một lần như vậy, đáng lẽ, địa phương phải phát hiện sớm; không đợi đến lúc người dân bức xúc, tố cáo.
Theo Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, trách nhiệm bảo vệ trẻ thuộc về ngành LĐ-TB&XH địa phương và UBND các xã. Thế nhưng, trong tất cả các vụ việc nói trên, chưa có cơ quan, cá nhân nào bị xứ lý vì chưa làm tròn chức trách của mình. Đây có lẽ là “lỗ hổng” lớn khiến rất nhiều trẻ em vẫn phải chịu nạn bạo hành khủng khiếp như bé Hòa An, bé Mai, em Hào Anh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.