Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Vai trò của bảo hiểm nông nghiệp đã được khẳng định tại nhiều quốc gia. Việt Nam cũng dần nhận thức được tầm quan trọng này, đặc biệt là khi có thiên tai, thảm họa xảy ra như bão số 3 vừa qua, khu vực tam nông hứng chịu tổn thất nặng nề mà không nhận được sự phân tán, chia sẻ từ bảo hiểm rủi ro.
Số liệu báo cáo từ Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm (Bộ Tài chính) đã chỉ ra rằng, đối với bảo hiểm nông nghiệp tự nguyện không hỗ trợ phí từ ngân sách, hiện có 19/32 doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đủ điều kiện được cấp phép triển khai nghiệp vụ này. Năm 2023, doanh thu từ bảo hiểm nông nghiệp đạt 42,6 tỷ đồng, chiếm 0,06% tổng doanh thu bảo hiểm phi nhân thọ – một con số khiêm tốn!
Giai đoạn 2019 – 2021, tổng số hộ nông dân/tổ chức sản xuất tham gia bảo hiểm: 16.731 (gồm 14.254 hộ nghèo và hộ cận nghèo, 2.486 hộ thường). Giai đoạn từ 2022 đến nay, số khách hàng tham gia giảm còn 3.630 (trong đó có 3.390 hộ nghèo, 227 hộ cận nghèo, 13 hộ thường).
Cùng với đó, tổng giá trị được bảo hiểm giai đoạn 2022 đến nay chỉ 70,97 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm: 2,6 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ là 2,3 tỷ đồng). Trong khi đó, tổng giá trị được bảo hiểm giai đoạn 2019 – 2021 lên tới 146,33 tỷ đồng; tổng số phí bảo hiểm: 6,87 tỷ đồng (ngân sách nhà nước hỗ trợ là 5,72 tỷ đồng).
Kết quả triển khai bảo hiểm nông nghiệp đến nay vẫn là một con số rất đáng suy ngẫm. Có rất nhiều nguyên nhân như lần đầu làm thí điểm, chưa có nhiều kinh nghiệm; nhân lực của các doanh nghiệp bảo hiểm còn hạn chế, số lượng mỏng, khó khăn trong công tác tái bảo hiểm,... Thế nhưng, cơ chế, chính sách còn bất cập đang là rào cản lớn đối với sự phát triển của thị trường này, như nhận định của ông Lê Đức Thịnh, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nhiệp và Phát triển nông thôn).
Bộ Tài chính, cụ thể là Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, đóng vai trò quan trọng trong tham mưu và xây dựng các chiến lược phát triển thị trường bảo hiểm, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần hoàn thiện. Gần đây nhất, tại văn bản 381/VPCP-NN ngày 17/1/2024, Chính phủ một lần nữa yêu cầu Bộ Tài chính nghiên cứu, xem xét việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18/4/2018 về bảo hiểm nông nghiệp đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tiễn.
Liên quan đến vấn đề này, đại diện Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm đã thông tin tới Dân Việt. Theo quy định tại Quyết định số 13/2022/QĐ-TTg ngày 09/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ, chính sách hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp sẽ được triển khai áp dụng đến hết 31/12/2025. Ngày 27/02/2023, Chính phủ có Nghị quyết số 26/NQ-CP, ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Bộ Tài chính được giao là cơ quan chủ trì xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP, trình Chính phủ trong năm 2025.
Theo Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm, để đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung chính sách chính phù hợp với thực tiễn, cần phải triển khai tổng kết, đánh giá tổng thể các mặt được, chưa được từ các Bộ, ngành (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, doanh nghiệp bảo hiểm và người dân là đối tượng tham gia bảo hiểm.
Ngày 24/10/2024 vừa qua, Bộ Tài chính đã có Công văn số 11454/BTC-QLBH gửi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Công văn số 11453/BTC-QLBH gửi Hội nông dân Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam và doanh nghiệp bảo hiểm đề nghị Tổng kết, đánh giá việc thực hiện bảo hiểm nông nghiệp từ khi ban hành Nghị định số 58/2018/NĐ-CP đến nay (giai đoạn 2018-2024).
"Trên cơ sở kết quả tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện trong thời gian qua, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ phương án sửa đổi, bổ sung Nghị định 58/2018/NĐ-CP phù hợp, đảm bảo quyền lợi của người tham gia bảo hiểm cũng như khả năng bảo hiểm của doanh nghiệp", Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm thông tin.
Tuy nhiên, phải công bằng nhìn nhận, bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm rất phức tạp; địa bàn triển khai bảo hiểm nông nghiệp rất rộng;.... Vì vậy, để thúc đẩy sự phát triển của thị trường này, cần có sự đồng lòng của nhiều bên.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đóng vai trò quan trọng trong dẫn dắt kinh tế nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi giá trị từ ngân hàng đến các đối tác, từ trong nước đến quốc tế để gắn kết với bà con nông dân, ban hành các quy trình, tiêu chuẩn canh tác, đầu mối thống kê số liệu trong sản xuất cũng như khi có thiên tai...
Một trong những yếu tố khi định phí bảo hiểm là chi phí xác định thiệt hại trong nông nghiệp, rất lớn. Nếu việc thống kê thiệt hại của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chính xác thì các doanh nghiệp bảo hiểm và nhà tái nước ngoài yên tâm dựa vào để bồi thường. Trong quá khứ, một số doanh nghiệp bảo hiểm tham gia triển khai theo Quyết định 315/QĐ-TTg và nông dân không có được tiếng nói chung về mức độ thiệt hại nên chậm trễ trong việc bồi thường và thanh toán phần hỗ trợ phí bảo hiểm từ ngân sách nhà nước.
Hơn nữa, với một nền nông nghiệp còn manh mún, phân tán, rủi ro cao, việc triển khai bảo hiểm nông nghiệp trở thành thách thức trong việc thu hút doanh nghiệp tham gia.
Ông Lê Đức Thịnh – Cục trưởng Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, đơn vị này đóng vai trò đầu mối trong việc phối hợp với Bộ Tài chính, thực hiện các nhiệm vụ tuyên truyền, kiểm tra giám sát và tổng hợp báo cáo triển khai chính sách bảo hiểm được đề cập tại Nghị định số 58/2018/NĐ-CP.
Ngoài ra, Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn đã xây dựng tài liệu truyền thông, hướng dẫn cho các hợp tác xã và nông dân về quản trị rủi ro trong sản xuất, đặc biệt cho các sản phẩm lúa gạo, trái cây và gỗ rừng trồng trong Đề án Phát triển Vùng nguyên liệu. Cục cũng đã triển khai dự án Quản trị rủi ro tài chính trong nông nghiệp (phối hợp với GIZ và các đối tác ASEAN) tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long, và tiếp tục thực hiện Đề án hỗ trợ các hợp tác xã nông nghiệp áp dụng các giải pháp thích ứng biến đổi khí hậu theo Quyết định số 854/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Những bước đi này đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái cấu trúc nền nông nghiệp theo hướng bền vững và thúc đẩy phát triển bảo hiểm nông nghiệp.
Sẽ là thiếu sót nếu như không nhắc đến vai trò của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại trong việc phát triển thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Luật các Tổ chức tín dụng được Quốc hội chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, quy định cấm tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức. Điều này khiến cho các ngân hàng thương mại "e dè" khi sử dụng hợp đồng bảo hiểm rủi ro là một trong các giải pháp phân tán rủi ro hữu hiệu trong quá trình cấp vốn cho sản xuất nông nghiệp, mặc dù các doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ đã thuyết phục khách hàng tự nguyện tham gia kèm theo các ưu đãi về lãi suất, tăng hạn mức tín nhiệm. Đây cũng là yếu tố kìm hãm việc phát triển bảo hiểm rủi ro khu vực tam nông, do ngân hàng thương mại không trở thành kênh phân phối sản phẩm bảo hiểm cho bà con nông dân.
Nên chăng, Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cần sớm có cơ chế chính sách để các tổ chức tín dụng coi hợp đồng bảo hiểm rủi ro (đặc biệt các rủi ro thiên tai thảm họa) là một điều kiện bổ sung việc bảo đảm vốn vay, để đủ điều kiện vay vốn và được nâng cao hạn mức vay vốn giá rẻ từ ngân hàng thương mại, đồng thời phí bảo hiểm cũng được ngân hàng cho vay theo thời hạn vay vốn, như đề xuất của ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch HĐTV Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank).
Để thị trường bảo hiểm nông nghiệp có thể "cất cánh", phát huy hiệu quả vai trò "lá chắn" tài chính quan trọng trước các rủi ro cho khu vực tam nông, thì hơn bao giờ hết các thành phần tham gia thị trường đều phải làm tốt vai trò của mình. Cục Quản lý Giám sát Bảo hiểm phải làm "tròn vai" trong việc tham mưu chính sách; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dẫn dắt kinh tế nông nghiệp; Các cơ quan nhà nước phối hợp chặt chẽ với Bộ, ngành liên quan; doanh nghiệp đa dạng hóa sản phẩm và người dân nâng cao hiểu biết về bảo hiểm,...
Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bày tỏ tin tưởng rằng, dưới tác động của những sự kiện mang tính thảm họa như cơn bão số 3 vừa qua, thị trường bảo hiểm nông nghiệp có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn, nhờ ý thức của người nông dân về rủi ro và bảo vệ tài sản đã được nâng cao.
Nếu được Chính phủ hỗ trợ thông qua các chính sách thu hút đầu tư bền vững và hỗ trợ ngân sách phù hợp, người nông dân sẽ có điều kiện tiếp cận các gói bảo hiểm rủi ro cần thiết. Điều này thúc đẩy việc phát triển các chuỗi liên kết tuần hoàn trong kinh tế nông nghiệp; ngân hàng yên tâm cho vay vì các rủi ro thảm họa đã bảo vệ một phần vốn tín dụng; các đối tác và nhà đầu tư sẽ yên tâm hơn khi cung ứng hàng hóa, dịch vụ cho nông dân, vì họ biết rằng mọi rủi ro đều được kiểm soát chặt chẽ; người nông dân sẽ được hưởng lợi từ đầu tư của ngân hàng và các đối tác cả về vốn, công nghệ mới để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm – đây chính là xu hướng quan trọng trong bối cảnh hội nhập toàn cầu.
Sự tăng trưởng trong việc mua bảo hiểm cũng sẽ tạo ra vòng tuần hoàn tích cực cho nền kinh tế nông nghiệp. Khi người nông dân tham gia bảo hiểm nhiều hơn, giá trị kinh tế từ nông nghiệp sẽ cải thiện, kéo theo nhu cầu tăng cao đối với các sản phẩm bảo hiểm. Điều này thúc đẩy các doanh nghiệp bảo hiểm phát triển thêm nhiều sản phẩm mới, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân. Mối quan hệ qua lại giữa việc tăng cường mua bảo hiểm và sự phát triển của kinh tế tam nông sẽ mang lại lợi ích lớn cho cả hai phía: người nông dân được bảo vệ và doanh nghiệp bảo hiểm có cơ hội mở rộng thị trường, cung cấp nhiều phân khúc sản phẩm phù hợp hơn.
Tất cả những điều này sẽ góp phần đạt được mục tiêu của Trung Ương Đảng và Chính phủ là phát triển toàn diện nông nghiệp, nông dân và nông thôn, thúc đẩy tăng trưởng bền vững cho nền kinh tế tam nông, để Nông nghiệp xứng đáng là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế như Nghị quyết 19… đã khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.