Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
LTS: Bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại kinh tế khổng lồ với con số lên đến hơn 81.700 tỷ đồng, trong đó gần 40% đến từ ngành nông nghiệp, tương đương khoảng 30.800 tỷ đồng. 286.660 ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; 63.350 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 39.242 ha cây ăn quả bị hư hại; 190.230 ha rừng bị thiệt hại; 36.310ha và 11.835 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; trên 44.500 con gia súc, trên 5,7 triệu con gia cầm bị chết. Điều đáng nói là toàn bộ thiệt hại này không hề được bảo vệ bởi các sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp – một công cụ quan trọng có thể giúp giảm thiểu rủi ro, giảm gánh nặng tài chính cho nông dân và doanh nghiệp.
Đây là thực tế đáng buồn, đòi hỏi chúng ta phải nhìn nhận lại vai trò thiết yếu của bảo hiểm nông nghiệp trong việc bảo vệ ngành nông nghiệp trước thiên tai. Đã đến lúc cần dành sự quan tâm đúng mức cho bảo hiểm nông nghiệp, không chỉ vì lợi ích của nông dân mà còn vì sự ổn định bền vững của nền kinh tế nông nghiệp.
Để nêu bật tầm quan trọng và giải pháp nhằm xây dựng một hệ thống bảo hiểm nông nghiệp hiệu quả, giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng, Báo điện tử Dân Việt triển khai loạt bài "Bảo hiểm nông nghiệp ở đâu khi nông dân thiệt hại nặng nề?".
Người nông dân đối mặt với thiên tai mà không có sự bảo vệ tài chính
Nhật Long được biết đến là một những doanh nghiệp lớn trong ngành thủy sản Quảng Ninh, với mô hình điểm về ứng dụng khoa học để nuôi trồng thủy sản đạt chất lượng cao của tỉnh, vậy mà toàn bộ khu nuôi trồng thủy sản rộng lớn, hiện đại bị bão đánh bay chỉ sau trận bão số 3 (Yagi).
Ông Nguyễn Văn Long, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Long, ước tính thiệt hại tài sản của doanh nghiệp lên tới hơn 100 tỷ đồng. Ngay sau bão, doanh nghiệp nhanh chóng bắt tay vào công cuộc tái thiết với quyết tâm “thua keo này, bày keo khác”. Thế nhưng, đứng dậy thì cần phải có vốn, trong khi đó toàn bộ những tổn thất do bão, không được bảo vệ bởi các sản phẩm bảo hiểm. Đây là vấn đề "đau đầu" nhất đối với ông Long.
“Chúng tôi nuôi trồng thủy sản nhiều năm nhưng chưa bao giờ tham gia bảo hiểm. Trước đây, cũng có quan tâm nhưng khi nghe một số bạn bè nói rằng thủ tục xem xét bồi thường bảo hiểm phức tạp nhất là đối với các doanh nghiệp, nên tôi cũng ngần ngại. Giờ đây, khi mọi thứ đã bị cơn bão tàn phá, tôi mới hiểu được vì sao trên thị trường lại có những sản phẩm dành riêng cho nông nghiệp và cũng đã nhận ra sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp”, ông Long chia sẻ.
Ông Lê Quang Thắng tại Quảng Yên cũng bị ảnh hưởng nặng nề khi 40ha rau màu bị cơn bão Yagi tàn phá, gây thiệt hại ước tính lên tới 30 tỷ đồng.
Ông Thắng bùi ngùi: “Giá như tôi tham gia bảo hiểm nông nghiệp, có lẽ giờ đây tôi đã có thể an tâm tái thiết sản xuất mà không phải lo lắng về nguồn vốn khôi phục”. Hơn nữa, với 70% vốn đầu tư đến từ các khoản vay mượn, áp lực tài chính đối với gia đình ông trở nên quá sức chịu đựng.
Không chỉ tại Quảng Ninh, bão Yagi còn tàn phá mạnh mẽ các địa phương khác, khiến nông dân ở Hải Phòng và Hà Nội rơi vào cảnh khốn đốn.
“Trong vài tháng tới, tôi thật sự không biết lấy gì để bán, tiền đâu để lo cho con cái học hành, đóng học phí. Chưa bao giờ tôi rơi vào tình cảnh như thế này, thật sự quá sợ hãi. Hơn 1.000 m2 rau màu giờ không còn gì cả, ngay cả cái ăn cũng không có, trắng tay hoàn toàn mà không biết bấu víu vào đâu", bà Hoàng Thị Thanh (Hải Phòng) xót xa.
Mô hình trồng nho hạ đen kết hợp du lịch trải nghiệm của ông Nguyễn Hữu Hợi tại xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng, TP Hà Nội từng là điểm sáng trong phát triển kinh tế địa phương, thu hút du khách đến tham quan. Nhưng sau cơn bão, cả vườn nho của ông Hợi đã bị tàn phá hoàn toàn. Toàn bộ nhà màng, nhà lưới trồng nho đã bị tàn phá tan hoang. Các nhà màng có khung thép rất kiên cố cũng bị gió bão thổi bay, đổ sập, bẹp dúm.
Từ "biểu tượng" của sự thịnh vượng, trang trại của ông Hợi trở thành đống đổ nát, với tổng thiệt hại ước tính lên đến 1 tỷ đồng. “Làm nông nghiệp đã rất vất vả, giờ còn phải gánh thêm tổn thất thế này. Chúng tôi phải huy động mọi nguồn lực để gây dựng lại trang trại sau bão", ông Hợi cho biết.
Tại Thái Bình, Công ty An Thái Hưng của ông Lê Ngọc Huê, với cánh đồng chuối rộng 9ha sắp vào thời kỳ thu hoạch, đã bị bão quật đổ rạp xuống đất, gây thiệt hại ước tính lên đến 5 tỷ đồng. Ông Huê bày tỏ sự lo lắng: "Làm nông nghiệp vốn đã đầy rủi ro, lại còn phải đối mặt với thiên tai khắc nghiệt như thế này, chúng tôi rất mong có sự hỗ trợ từ Nhà nước và các cơ quan về chính sách ưu đãi vay vốn, kéo dài thời gian trả nợ, và đặc biệt là các cơ chế hỗ trợ bảo hiểm nông nghiệp”.
Những câu chuyện như của ông Long, ông Thắng hay ông Hợi chỉ là một phần nhỏ trong bức tranh lớn về những thiệt hại mà nông dân Việt Nam phải chịu đựng hàng năm. Mặc dù thực tế đã chỉ ra sự cần thiết của bảo hiểm nông nghiệp, nhưng con số tham gia vào loại hình bảo hiểm này lại cực kỳ khiêm tốn.
Biểu hiện, năm 2023, doanh thu phí bảo hiểm nông nghiệp chỉ đạt trên 42 tỷ đồng, tăng trưởng 0,5% so với năm 2022. Dù vậy, con số này chỉ chiếm tỷ trọng 0,1% phí bảo hiểm gốc của toàn thị trường bảo hiểm phi nhân thọ (hơn 71.000 tỷ đồng). Chưa hết, trong 7 tháng đầu năm nay, doanh số phí bảo hiểm nông nghiệp gốc cũng mới chỉ dừng ở con số 35 tỷ đồng. Đây là một con số rất nhỏ so với quy mô thiệt hại mà ngành nông nghiệp Việt Nam phải gánh chịu hàng năm. Chỉ riêng thiên tai, dịch bệnh đã gây tổn thất cho nông dân Việt Nam ước khoảng 1,5% GDP mỗi năm.
Vậy, vì sao bảo hiểm nông nghiệp, một công cụ tài chính quan trọng, lại chưa được quan tâm đúng mức?
Cả ông Hợi và ông Huê đều thừa nhận rằng, họ chưa tham gia sản phẩm bảo hiểm nông nghiệp, một phần do khó khăn trong thủ tục và phần lớn là vì chưa hiểu rõ về quyền lợi và cơ chế của loại hình bảo hiểm này.
Nguyên nhân không chỉ đến từ việc người dân thiếu thông tin về quyền lợi của bảo hiểm, thủ tục đăng ký và bồi thường phức tạp, mà còn đến từ những lo ngại về độ tin cậy của các công ty bảo hiểm. Như ông Thắng đã chia sẻ: "Tôi muốn tham gia bảo hiểm nhưng không biết bắt đầu từ đâu. Có nhiều công ty bảo hiểm nhưng không phải công ty nào cũng đáng tin cậy. Điều này đã khiến nhiều nông dân, dù muốn nhưng vẫn e ngại khi tiếp cận bảo hiểm, dẫu biết rằng mua bảo hiểm người nông dân có thể chủ động bảo vệ tài sản của mình, họ không chỉ giảm thiểu rủi ro mà còn nâng cao khả năng phục hồi sau những tổn thất".
Ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam nhấn mạnh, nông dân là lực lượng quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Nông nghiệp là lợi thế quốc gia, là trụ đỡ của nền kinh tế. Thế nhưng, trong bối cảnh biến đổi khí hậu hiện nay, sản xuất nông nghiệp gặp vô vàn thách thức, từ thiên tai đến dịch bệnh. Do đó, bảo hiểm nông nghiệp được coi là một trong những biện pháp hữu hiệu để giải quyết vấn đề rủi ro trong sản xuất.
Về mặt chính trị và kinh tế – xã hội, bảo hiểm nông nghiệp có vai trò rất quan trọng. Khác với các hình thức cứu trợ khẩn cấp, bảo hiểm giúp người nông dân nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản, chủ động phòng ngừa rủi ro và khắc phục tổn thất một cách công bằng hơn. Nguồn quỹ bảo hiểm, với sự đóng góp của cộng đồng nông dân và nhà nước, mang tính xã hội hóa cao, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước trong việc hỗ trợ khẩn cấp sau thiên tai. Điều này không chỉ góp phần ổn định sản xuất mà còn giúp duy trì an ninh chính trị, xã hội ở khu vực nông thôn.
Để nền nông nghiệp Việt Nam vững bước trong tương lai, bảo hiểm nông nghiệp phải trở thành một phần không thể thiếu, giúp bảo vệ tài sản của người nông dân và tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp phát triển bền vững.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố cuối tháng 9 vừa qua, về thiệt hại do bão số 3 - bão Yagi, chỉ riêng ngành nông nghiệp thiệt hại 30.800 tỷ đồng, bằng gần 40% tổng thiệt hại kinh tế (ước tính hơn 81.700 tỷ đồng) do bão số 3. Thiệt hại ước tính cho nền kinh tế còn chưa kể đến những giá trị mà con số này có thể tạo ra cho tăng trưởng GDP hàng năm. Bên cạnh đó, Ngân sách Nhà nước cũng phải bỏ ra hàng nghìn tỷ đồng để hỗ trợ, trong khi các ngân hàng phải thực hiện các biện pháp giảm lãi, khoanh nợ và cấp vốn mới lên tới 40.000 tỷ đồng cho bà con hồi phục sản xuất, theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước.
Thậm chí, nếu Chính phủ, địa phương và các tổ chức xã hội không có những giải pháp kịp thời để giúp nông dân vượt qua khó khăn và tái thiết sản xuất, thiệt hại sẽ không chỉ dừng ở kinh tế mà còn có nguy cơ làm gia tăng các tệ nạn xã hội.
(Còn nữa)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.