Vị trí và hướng di chuyển tiếp theo của bão Kompasu. Ảnh: Trung tâm Dự báo KTTVQG.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, chiều nay (10/10), áp thấp nhiệt đới suy yếu từ bão số 7 Lionrock đã đi vào đất liền các tỉnh từ Hải Phòng đến Nam Định và tiếp tục suy yếu thành vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, sau suy yếu thành một vùng áp thấp nên từ nay (10/10) đến ngày mai (11/10), ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa to đến rất to và có nơi có dông, tổng lượng mưa phổ biến 100-150mm, riêng Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai có nơi trên 200mm; ở Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông, tổng lượng mưa phổ biến 80-120mm, có nơi trên 150mm.
Trong khi đó, hiện nay, cơn bão có tên quốc tế Kompasu đang hoạt động ở ngay khu vực biển phía đông Philippines. Hồi 13 giờ chiều nay (10/10), bão đang mạnh cấp 9 (75-90km/giờ), giật cấp 11.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển nhanh theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km và mạnh thêm. Dự báo, đêm mai (11/10) bão có thể vào Biển Đông và trở thành cơn bão số 8 năm 2021.
Cơ quan khí tượng đánh giá, đây là cơn bão mạnh, tốc độ di chuyển nhanh, sức gió mạnh nhất trên biển có thể tới cấp 10-11, giật cấp 13 và có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền, gây gió mạnh, mưa lớn tại các tỉnh Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ trong một vài ngày tới.
Đánh giá tình hình thiên tai những ngày tới, Thủ tướng Chính phủ cho rằng, nước ta đang đứng trước tình huống thiên tai nguy hiểm liên tiếp (nguy cơ bão chồng bão, lũ chồng lũ) trong khi dịch bệnh COVID-19 vẫn còn phức tạp ở một số địa phương, nhiều người dân đang di chuyển từ các tỉnh phía Nam ra phía Bắc qua khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng của bão, lũ, ngập lụt, sạt lở đất.
Để chủ động ứng phó thiên tai, hạn chế thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng của nhân dân, chiều 10/10, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành công điện yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, các Bộ, ngành, địa phương theo dõi chặt chẽ, triển khai kịp thời, quyết liệt, hiệu quả các biện pháp ứng phó.
Trong đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với lực lượng bộ đội biên phòng, ngành thủy sản và giao thông kiểm soát, hướng dẫn, chỉ đạo, bảo đảm an toàn cho phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển, cửa sông và tại khu neo đậu; đảm bảo an toàn cho người trên lồng bè nuôi trồng thủy hải sản và trên các đảo.
Trên đất liền, các địa phương chủ động rà soát, sẵn sàng triển khai phương án ứng phó, nhất là sơ tán dân tại khu vực nguy hiểm (lưu ý phòng chống dịch COVID-19); chuẩn bị lực lượng, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Triển khai phương án bảo vệ sản xuất, đê điều, hồ đập; bố trí lực lượng, vật tư, máy móc, thiết bị sẵn sàng ứng phó, khắc phục khi có sự cố, đảm bảo giao thông thông suốt trên các trục giao thông chính. Kiểm soát, hướng dẫn, phân luồng giao thông, nhất là qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu…
Các Bộ: Tài nguyên và Môi trường, Công an, Công Thương, Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn… tùy thuộc vào chức năng, nhiệm vụ của mình để có các phương án ứng phó phù hợp, đảm bảo an toàn cho tính mạng và tài sản của người dân.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.