Bạo lực gia đình vẫn “nóng rực”

Tuấn Kiệt Thứ bảy, ngày 13/10/2018 05:29 AM (GMT+7)
“Tình trạng bạo lực gia đình vẫn phức tạp” là nhận định của nhiều chuyên gia tại phiên giải trình của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội về trách nhiệm quản lý nhà nước và phối hợp trong phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), vừa được tổ chức.
Bình luận 0

Hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân chưa hiệu quả

Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho biết, theo khảo sát của ủy ban này, tình hình  BLGĐ xảy ra ở nhiều vùng miền và các nhóm đối tượng. “Sau 10 năm triển khai Luật Phòng chống BLGĐ đã cơ bản thay đổi nhận thức của cá nhân, gia đình và cộng đồng về BLGĐ. Tuy nhiên, dù công tác phòng chống BLGĐ đã có nhiều định hướng chỉ đạo nhưng hiệu quả thực hiện còn hạn chế do thiếu những quy định pháp lý đặc thù, khiến việc hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân còn chưa hiệu quả; thiếu các quy định mang tính pháp lý để giáo dục, xử lý người gây bạo lực” – bà Thúy Anh cho biết.

img

Bạo lực gia đình diễn ra phức tạp với nhiều vụ việc nghiêm trọng. Ảnh minh họa: Cảnh trong một bộ phim lên án bạo lực gia đình. Ảnh: T.L

"Chúng ta vẫn cần đến một hệ thống pháp lý đủ sức mạnh, và cần hơn nữa là những chuyển đổi từ trong nhận thức của người dân về BLGĐ, về văn hóa trong gia đình”.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL
Nguyễn Ngọc Thiện

Nhiều đại biểu cho rằng, BLGĐ càng ngày càng có chiều hướng gia tăng, nhiều vụ việc có mức độ nghiêm trọng, trong đó không thiếu những vụ thảm án. BLGĐ không chỉ là chồng đánh vợ mà xảy ra ở nhiều đối tượng khác trong gia đình, vợ bạo hành chồng, con cái bạo hành cha mẹ, cha mẹ đánh đập con cái…

Đại biểu Thu Dung (tỉnh Thái Bình) nhận định: “Chúng ta chưa có được giải pháp thấu đáo để ngăn chặn tình trạng BLGĐ vốn đã xảy ra nhiều năm nay theo chiều hướng ngày càng nghiêm trọng. Một số gia đình khi xảy ra vấn đề BLGĐ không biết phải làm gì, hàng xóm cho rằng BLGĐ là việc riêng, không can dự. Đa số các nạn nhân cũng không dám tố cáo, gắng chịu đựng vì cho rằng “xấu chàng hổ ai”… cho đến khi xảy ra hậu quả đáng tiếc thì đã muộn”.

Thiếu chế tài xử phạt

Theo Phó chánh TAND Tối cao Nguyễn Thúy  Hiền, những cuộc hôn nhân tan vỡ do BLGĐ ngày càng tăng với nhiều hình thức từ thể xác đến tinh thần. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn thiếu chế tài để xử lý các vụ việc BLGĐ. “Các quy định chưa rõ ràng về các hành vi gây bạo lực và đối tượng gây bạo lực. Thí dụ định nghĩa: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác…”, làm sao để xác định được “hành vi có khả năng gây tổn hại”? Hay như luật quy định: “BLGĐ là hành vi cố ý của thành viên gia đình gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần, kinh tế đối với thành viên khác trong gia đình” là chưa cụ thể. Ngoài ra khái niệm “thành viên gia đình” là chưa rõ ràng, thậm chí có trường hợp nhiều cặp sinh sống không đăng ký kết hôn, nhưng vẫn xảy ra bạo lực.

img

Còn ông Trần Công Phàn - Phó Viện trưởng Viện KSND Tối cao nhận định: “Vấn đề là việc phổ biến, giáo dục pháp luật không chỉ tuyên truyền suông, mà phải đi sâu vào phân tích những khía cạnh cụ thể, chỉ rõ trách nhiệm thừa hành pháp luật của từng đơn vị, cá nhân. Như hiện nay, ở không ít địa phương, khi nạn nhân tìm đến gõ cửa các cơ quan có trách nhiệm thì lại bị lảng tránh. Điều đó cũng làm giảm số người dám đứng lên tố cáo, đấu tranh với hành vi BLGĐ”.

Hình thức phạt tiền đối với người gây bạo lực tiếp tục bị nghi ngại về tính hiệu quả. Có khá nhiều trường hợp con đánh cha mẹ không có tiền nộp phạt cha mẹ lại đi nộp thay, hoặc vợ bị chồng đánh lại phải bỏ tiền nộp phạt cho chồng, về nhà chồng xót tiền lại... đánh tiếp. Những quy định về biện pháp cấm tiếp xúc giữa người gây bạo lực và nạn nhân, hay mức xử phạt chưa đủ sức răn đe…

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện nhấn mạnh: “Số liệu thống kê về BLGĐ là chưa đầy đủ. Bộ VHTTDL cũng đã có đề xuất, kiến nghị liên quan đến sửa đổi luật, các nghị định nhằm mang lại tính răn đe cao, tuy nhiên sửa đổi luật là việc không thể làm thường xuyên. Muốn phòng, chống hiệu quả BLGĐ thì cần nhân rộng các mô hình hỗ trợ cộng đồng về phòng, chống BLGĐ hoạt động có hiệu quả, những nơi trú ẩn an toàn có tác dụng giúp đỡ những nạn nhân bị BLGĐ, xây dựng các địa chỉ tin cậy ở cộng đồng để nhằm tư vấn giải quyết mâu thuẫn, phòng, chống BLGĐ...”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem