Khốn khổ vì chồng đánh
Đã hơn 4 năm kể từ ngày ly hôn với người chồng vũ phu, chị L.T.H ở xã Hua La (TP.Sơn La, tỉnh Sơn La) vẫn nhớ như in những lần bị người “đầu gối, tay ấp” với mình, đánh đến “thừa sống thiếu chết” trong những tháng ngày chung sống.
Cán bộ nữ xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La trao đổi kinh nghiệm giữ mái ấm gia đình. Ảnh: Văn Chiến
"Hầu hết nạn nhân của BLGĐ thường mang tâm lý cam chịu. Sự nhìn nhận, đấu tranh của người phụ nữ trước BLGĐ còn hạn chế. Họ quan niệm rằng “xấu chàng hổ ai” hay “vạch áo cho người xem lưng”, sợ hàng xóm, bạn bè chê cười nên không dám tố giác”.
Bà Lò Thị Thủy
|
Chị H cho biết, chị lấy chồng khi vừa tròn 22 tuổi. Chồng cũ của chị là anh L.V.T ở xã Chiềng Cọ, thành phố Sơn La. Anh T đang làm việc trong cơ quan nhà nước của tỉnh Sơn La, có thu nhập ổn định. Chỉ ít lâu sau ngày cưới, anh T trở nên đổ đốn, thường xuyên đi sớm, về muộn, lại hay uống rượu say xỉn, đánh vợ vô cớ.
“Anh ta thường sinh sự với tôi mỗi khi uống rượu say. Tôi không nói, anh ta bảo khinh người nên đánh, còn nói thì anh ta lại cho rằng cãi lại chồng, cũng đánh. Những trận đòn liên tiếp xảy ra với tôi, kể cả những lúc mang bầu, thậm chí tới gần ngày đẻ, anh ta cũng không ngần ngại mà ra tay. Nhẹ thì cái bạt tai, nặng thì tay đấm, chân đá, không ít lần tôi phải nằm viện cả tuần vì bị anh ta đánh. Ngoài thường xuyên say xỉn, anh ta lại có tính hay ghen bóng, ghen gió. Có lần đi ngoài đường, tôi chỉ chào hỏi anh bạn của chị gái tôi một câu, thế mà về anh ta cũng ghen, rồi lại lôi tôi ra đánh” – chị H nghẹn ngào nhớ lại.
Không thể chịu đựng được nữa, chị H gạt nước mắt, nuốt lệ vào trong, làm đơn ly hôn với người chồng vũ phu, sau hơn một năm chung sống.
Trường hợp chị H chỉ là một trong hàng nghìn vụ bạo lực gia đình (BLGĐ) xảy ra trên địa bàn tỉnh Sơn La trong những năm qua. Theo số liệu thống kê, từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh Sơn La xảy ra hơn 5.000 vụ BLGĐ, trong đó có nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng phải xử lý. Nạn nhân của các vụ BLGĐ phần lớn là phụ nữ và trẻ em.
Bà Lò Thị Thủy – Trưởng phòng Nếp sống văn hóa, gia đình (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La) cho biết, số vụ BLGĐ đình xảy ra ở tỉnh Sơn La năm sau giảm hơn năm trước song nhìn chung vẫn khá nhức nhối. Nguyên nhân chủ yếu vẫn là do trình độ dân trí thấp, thiếu hiểu biết về bình đẳng giới, quyền con người. Vấn đề kinh tế, rượu chè, cờ bạc, ma túy, ngoại tình... cũng là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến BLGĐ.
245 CLB phòng chống bạo lực gia đình
Nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân các dân tộc địa phương về bình đẳng giới cũng như phòng chống BLGĐ xảy ra trên địa bàn, những năm qua, tỉnh Sơn La đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các huyện, thành phố vào cuộc, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Luật Phòng chống BLGĐ tới các xã, bản từ vùng thấp đến vùng cao trong tỉnh.
Ông Trần Tân Phong – Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Sơn La cho hay, đến thời điểm này, các huyện, thành phố trong tỉnh đã xây dựng và nhân rộng được 245 CLB Gia đình phát triển bền vững, 245 nhóm phòng chống BLGĐ. Ngoài duy trì sinh hoạt theo định kỳ, các câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ còn tổ chức sinh hoạt lồng ghép trong các buổi họp thôn, bản, tổ dân phố. Hoạt động của các mô hình đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức, thái độ và hành vi của người dân về tác hại của BLGĐ và hình thành ý thức phòng, chống BLGĐ. 100% số hộ tham gia sinh hoạt CLB không có tình trạng BLGĐ, không có con bỏ học, đi lang thang.
Theo ông Hoàng Sương – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Sơn La, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến BLGĐ, nhưng nguyên nhân sâu xa vẫn là yếu tố nhận thức của cả nam giới và phụ nữ. Có 4 kiểu BLGĐ- bạo lực tinh thần, bạo lực thân thể, bạo lực tình dục và bạo lực kinh tế.
“Những năm qua, các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh Sơn La cũng rất nỗ lực nhập cuộc tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân thực hiện tốt Luật Phòng chống BLGĐ. Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho hội viên, nông dân, trong đó chú trọng đến hội viên là nam giới về bình đẳng giới, định kiến giới. Cán bộ chi hội nông dân các bản tích cực tham gia vào tổ hòa giải ở cơ sở. Những việc làm cụ thể của cán bộ các cấp hội nông dân trong tỉnh đã góp phần giảm thiểu số vụ BLGĐ xảy ra trên địa bàn” – ông Sương khẳng định.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.