Báo NTNN đoạt 1 giải B, 2 giải C Giải báo chí quốc gia năm 2014: Dấn thân trên từng trang viết

Lê Huyền Thứ bảy, ngày 20/06/2015 08:11 AM (GMT+7)
Tại Giải báo chí quốc gia lần thứ 9 – năm 2014, Báo NTNN ghi dấu ấn với 1 tác phẩm đoạt giải B và 2 tác phẩm đoạt giải C. Các tác phẩm được Ban tổ chức giải đánh giá cao về sự dấn thân, khả năng phân tích và những phản hồi tích cực. Với những người làm báo NTNN, niềm vui cũng tới từ việc các loạt bài đã “chạm” được tới bạn đọc, đề cập tới những vấn đề thiết thân nhất của nông dân.
Bình luận 0

Câu hỏi: “Cử nhân thất nghiệp đi đâu?”...

Các phóng viên Minh Nguyệt, Trần Phượng và Kim Oanh nhận thông tin loạt bài: "Cử nhân giấu bằng, xin làm... công nhân" đoạt giải B báo chí quốc gia vào một buổi trưa tháng 6 với tâm trạng xốn xang của các phóng viên trẻ lần đầu tiên được ghi nhận giá trị tác phẩm ở tầm quốc gia. Minh Nguyệt còn hỏi đi hỏi lại: “Có đúng không chị? Em nghe mà cứ ngỡ như mơ”.

img
Phóng viên Minh Nguyệt (trái) nhập vai công nhân để ghi nhận thực tế cho loạt bài  "Cử nhân giấu bằng, xin làm... công nhân".  Ảnh:   T.N

Sự “ngỡ như mơ” của một phóng viên trẻ như Minh Nguyệt cũng có lý do khi tham gia giải với cả “rừng” bài dự thi hạng mục điều tra trên báo in. Loạt bài “Cử nhân giấu bằng xin làm... công nhân” gồm 4 bài chính và các bài phỏng vấn đi kèm, đăng trên báo NTNN từ số 198 đến số 201, ra ngày 19.8 – 23.8.2014. Các bài viết đều có dấu ấn đặc biệt: “Tay không có chai, xin mời về”, “Công nhân “giày xéo” công nhân”, “Những bước đệm khó nhọc”, “Nỗi trăn trở từ những miền quê”. Ông Trần Bá Dung- Trưởng ban Nghiệp vụ, Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, ông và các giám khảo đánh giá cao sự dấn thân và khả năng phân tích vấn đề cử nhân thất nghiệp của nhóm tác giả.

Loạt bài này được triển khai từ Ban Văn hóa - Xã hội. Ngày 1.7.2014, Minh Nguyệt tham dự buổi công bố Bản tin Việc làm quý II của Bộ LĐTBXH, trong đó đáng chú ý nhất là số liệu khảo sát của Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam hiện có gần 200.000 cử nhân thất nghiệp. Câu hỏi được đặt ra là vậy số cử nhân thất nghiệp này đã đi đâu về đâu? Ráp nối rất nhiều thông tin từ các văn phòng và một vài thông tin lẻ trên báo chí, câu trả lời là khá nhiều cử nhân thất nghiệp đi làm công nhân. Và để đi làm công nhân, họ phải giấu bằng đại học, nếu không cũng bị loại.

Đó là thực tế rất đau xót. Ban Văn hóa - Xã hội đã lên kế hoạch triển khai loạt bài về vấn đề này nhằm phản ánh thực trạng thiếu việc làm và những khó khăn mà các cử nhân gặp phải, vấn đề lãng phí trong việc sử dụng nguồn nhân lực của Việt Nam và các lối mòn trong suy nghĩ của người dân nông thôn nhất định phải học đại học mới là thành công. Sau khi có chỉ đạo và phê duyệt kế hoạch từ Ban Biên tập Báo NTNN, Ban Văn hóa- Xã hội cũng huy động sự phối hợp của các văn phòng để có thực tế từ nhiều địa bàn, khái quát vấn đề của toàn quốc. Văn phòng Hải Phòng cử phóng viên Trần Phượng về các vùng quê gặp những cử nhân đang làm công nhân. Văn phòng miền Trung cử cộng tác viên Kim Oanh tiếp cận các khu công nghiệp ở Đà Nẵng đang sử dụng nhiều cử nhân có hoàn cảnh tương tự.

Ám ảnh buổi kiểm tra... tay

Khi triển khai loạt bài, phóng viên Minh Nguyệt đã chủ động đề xuất nhập vai để phản ảnh chính xác tình trạng này. Tại Khu công nghiệp Hoàng Long (TP.Thanh Hóa), phóng viên trúng tuyển vào làm công nhân kiểm hàng (QC) tại Công ty Giày Hongfu và ở trọ cùng công nhân. Sau 1 tuần “cùng ăn, cùng ngủ, cùng làm việc”, Minh Nguyệt đã mô tả chân thực chặng đường gian nan của các cử nhân phải giấu bằng để có thể trở thành công nhân. Cùng với đó, những thông tin, clip hình ảnh về cuộc sống cực khổ, sự bóc lột, phân biệt của chủ sử dụng lao động với công nhân cũng được phóng viên ghi nhận. Nguyệt cho biết, khi nhập vai, điều ám ảnh cô nhất là buổi kiểm tra... tay những người dự tuyển, những ai mà bàn tay không bị chai sần đều bị loại bởi chủ nhà máy xác định rất rõ họ cần người làm nghiêm túc, chăm chỉ chứ không phải là những cử nhân “nửa trăng nửa đèn” làm việc không hiệu quả.

Tôi là chủ biên loạt bài. Để có cái nhìn toàn diện hơn, tôi đã về vùng quê Thạch Thất (Hà Nội) gặp gỡ các cử nhân thất nghiệp đi làm công nhân đã 10 năm nay và gặp trực tiếp các chủ cơ sở sản xuất… từ chối tuyển công nhân là cử nhân. Cùng với đó, phóng viên Nguyễn Thiêm phỏng vấn Bộ Giáo dục- Đào tạo, các chuyên gia giáo dục phân tích thực tế này. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, bà Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH cũng đã trả lời chất vấn của các đại biểu liên quan tới vấn đề thực trạng thất nghiệp trong nhóm cử nhân và các giải pháp giải quyết việc làm mà báo NTNN đã nêu trong loạt bài.

Phóng viên Tạ Thị Nguyệt (bút danh Minh Nguyệt): Đặt mình vào vị trí cử nhân thất nghiệp

“Để thực hiện loạt bài, bắt đầu từ 10.7.2014, tôi bắt tay vào việc nghiên cứu tài liệu, tìm kiếm địa bàn để có thể thâm nhập điều tra về cảnh xin việc của các cử nhân và thực tế đời sống của công nhân tại các khu công nghiệp trên địa bàn Hà Nội, Thanh Hóa. Để chuẩn bị cho việc nhập vai, tôi dành hẳn một tuần về quê làm 40 bộ hồ sơ, xin xác nhận của cơ quan địa phương. Khi nộp hồ sơ, tôi luôn đặt mình trong tâm trạng của một cử nhân thất nghiệp đi xin việc nên cảm nhận được sự hồi hộp, e ngại và cả thất vọng khi hồ sơ của mình bị từ chối. Những cảm xúc đó đã được truyền tải chân thật ở các bài viết”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem