Chiều nay (9.11), Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn cho biết, hiện tại còn 2 thi thể người gặp nạn trong vụ 8 tàu hàng bị chìm trên vùng biển Quy Nhơn chưa được tìm thấy.
Theo ông Tiến, do thời tiết quá xấu nên đội thợ lặn không thể lặn vào trong tàu Jupiter để tìm kiếm những nạn nhân còn lại.
“Do dòng chảy rất mạnh, trong khi đó tàu đã bị lật nghiêng, biến dạng nên rất khó khăn trong công tác tìm kiếm. Vì thời tiết xấu nên thợ lặn trong ngày hôm nay không thể thực hiện được. Chúng tôi đang tính đến việc cần phải trục vớt tàu lên để xem có người mắc kẹt không. Sáng nay, cả lực lượng của đặc công, hải quân, thợ lặn của người nhà thuê đến đã cùng thị sát phối hợp để tìm kiếm nhưng do thời tiết xấu, khi xuống dòng chảy quá mạnh, nước đục nên không thấy gì hết”, ông Tiến thông tin.
Không thể vào bên trong tàu do thời tiết xấu, đội thợ lặn đặc công đành quay vào bờ để đợi lệnh.
Thợ lặn thu dọn đồ đạc, thiết bị tìm kiếm vận chuyển lên bờ.
Thời tiết quá xấu, dù lặn xuống hiện trường nhưng các thợ lặn gặp rất nhiều khó khăn không thể vào bên trong tàu.
Nhiều tàu hàng bị chìm đang chờ được trục vớt trên vùng biển Quy Nhơn.
Thợ lặn đặc công di chuyển vật dụng lên bờ.
Dụng cụ, thiết bị hỗ trợ lặn tìm kiếm nạn nhân vụ chìm tàu.
Theo 1 thành viên trong đoàn, sóng rất lớn, nước đục nên không thể tiếp cận bên trong tàu chìm.
Thu dọn đồ đạc để đợi các giải pháp tiếp theo.
Có khoảng 26 thợ lặn đặc công được huy động về vùng biển Quy Nhơn để tìm kiếm nạn nhân.
Toàn cảnh đội thợ lặn tìm kiếm nạn nhân cập bờ trong ngày 9.11.
Chuyên gia vào cuộc trước nguy cơ tràn dầu ra biển
Theo Thiếu tướng Lê Mạnh Tiến - Phó Cục trưởng Cục cứu hộ - cứu nạn Bộ Tổng tham mưu, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, sắp tới các ngành chức năng trung ương và địa phương sẽ phối hợp để trục vớt 8 tàu hàng bị chìm lên bờ.
“Việc này sẽ được làm rất cẩn thận, tuyệt đối không để sự cố tràn dầu xảy ra mới hi vọng bảo vệ được môi trường trên biển Quy Nhơn. Vấn đề này sẽ do chính tỉnh Bình Định chủ trì và chúng tôi đã điều các chuyên gia và đặc biệt là Trung tâm ứng phó sự cố tràn dầu khu vực II vào đây rồi. Thực hiện trục vớt song song với giải quyết ứng phó với sự cố tràn dầu. Muốn trục vớt thì phải có thợ lặn thăm dò trước, rồi tiến hành lấy hàng ra, hút hết dầu trong tàu để tránh sự cố”, ông Tiến thông tin.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.