Sạt lở núi gần một tháng, hơn 500 hộ dân vẫn bị cô lập

Thứ tư, ngày 29/11/2017 09:31 AM (GMT+7)
Mặc dù cơn bão số 12 đã đi qua gần một tháng nay, nhưng hơn 500 hộ dân ở xã Trà Xinh, huyện Tây Trà (Quảng Ngãi) vẫn đang bị cô lập vì sạt lở núi, khiến cuộc sống người dân vốn đã khó khăn nay càng khó khăn hơn.
Bình luận 0

img

Gần một tháng bị cô lập do sạt lở núi, cuộc sống của hơn 500 hộ dân xã Trà Xinh gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: T.H

Tại khu vực cầu sông Tang đi vào xã Trà Xinh, cả một ngọn núi sạt lở với hàng trăm nghìn mét khối đất đá phủ lấp, chắn ngang con đường. Việc đi lại của người dân vào trung tâm huyện Tây Trà chủ yếu bằng ghe xuồng, hoặc phải lội qua hàng trăm mét bùn đất nhão nhoét.

img

Người dân khổ sở lội qua đoạn đường bùn đất dài cả trăm mét. Ảnh: T.H

Theo em Đinh Văn Viên – học sinh lớp 10 trường THPT Tây Trà, đã gần 1 tháng nay, em phải ở tạm ở nội trú của trường vì không thể về nhà được do sạt lở núi. Cứ cuối tuần bố mẹ em phải gửi gạo và thức ăn lên cho em trọ học.

img

Vị trí sạt lở. Ảnh: T.H

“Em rất nhớ bố mẹ, nhưng nghĩ tới đường về, qua đoạn sạt lở, phải lội bùn hàng trăm mét, trên đầu thì những vách đất đá cao dựng đứng chờ sập xuống thì em lại sợ nên quyết định ở lại nội trú luôn” – em Viên sợ hãi nói.

Mặc dù chính quyền địa phương nỗ lực khắc phục nhưng do  những ngày qua liên tục mưa to, khối lượng sạt lở quá lớn nên công tác khắc phục, giải thoát cô lập cho người dân nơi đây gặp rất nhiều khó khăn.

img

Lực lượng chức năng đang khắc phục sự cố. Ảnh: T.H

Và đến nay, đã gần một tháng trôi qua nhưng đoạn đường trên vẫn chưa được khai thông, khiến việc đi lại của hơn 500 hộ dân/2.200 nhân khẩu gặp nhiều khó khăn.

Ông Hồ Thanh Truyền – Chủ tịch UBND xã Trà Xinh cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 12, ngày 4.11, tại khu vực gần cầu sông Tang đã xảy ra vụ sạt lở nghiêm trọng, khiến hàng ngàn khối đất đá từ trên cao đổ xuống, chắn ngang con đường “huyết mạch” của xã lên trung tâm huyện Tây Trà. Từ đó đến nay, người dân chủ yếu dùng ghe đi qua sông Tang hoặc lội bùn qua đoạn sạt lở, rất nguy hiểm và khổ sở.

Nhiều bệnh nhân đi cấp cứu ở trung tâm huyện Tây Trà phải dùng ghe xuồng, hoặc người nhà dùng võng khiêng qua đoạn sạt lở. “Khi bệnh nhân đến bệnh viện, nhờ các bác sĩ đã chủ động sẵn sàng về nguồn lực, vật tư, thuốc men,…nên không có thiệt hại về người” – ông Truyền cho hay.

Trần Hóa (Lao Động)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem