Báo cáo nói rằng, Trung Quốc đang cải tạo 5 thực thể thuộc Trường Sa, gồm đá Gạc Ma, Đá Châu Viên, Đá Tư Nghĩa, đá Ga Ven và Én Đất. Nhưng chưa phát hiện hoạt động cải tạo mặt bằng trên Đá Chữ Thập, Đá Subi và Đá Vành Khăn, nơi Trung Quốc đã xây dựng cơ sở đồn trú và liên lạc.
Tuy nhiên, báo cáo không loại trừ khả năng Trung Quốc sẽ tiếp tục cải tạo ba khu vực này sau khi công việc tại 5 đảo trên hoàn tất.
Các nhà quan sát quốc tế cho rằng, việc Trung Quốc mở rộng các cơ sở đồn trú của Trung Quốc ở Trường Sa là một trong những nỗ lực của nước này nhằm giành quyền tối cao tại khu vực.
Ảnh chụp 4 thời điểm khác nhau từ năm 2012 đến nay cho thấy Trung Quốc đang cải tạo Đá Gạc Ma. Ảnh: Philstar.
Trung Quốc đã xây một cơ sở đồn trú trên Đá Chữ Thập với hệ thống radar mặt đất và trên không, hệ thống truyền dữ liệu vệ tinh, bãi đỗ trực thăng, cầu tàu cùng và 200 lính đóng trên đó.
Cơ sở này được trang bị nhiều vũ khí hạng nặng và được coi là trụ sở chính của Trung Quốc ở Trường Sa. Cơ sở đồn trú trên Đá Subi cũng có khoảng 200 lính và được trang bị bãi đỗ trực thăng.
Philippines và Trung Quốc có nhiều mâu thuẫn đối với Đá Vành Khăn. Trung Quốc đã xây dựng ít nhất 4 tổ hợp nhà trên Đá Vành Khăn và hàng trăm lính đang canh gác các cơ sở liên lạc, bến tàu và bãi đỗ trực thăng.
Trang web Stratfor chuyên phân tích các vấn đề địa chính trị cho rằng, Trung Quốc đang sử dụng chiến lược tăng cường thăm dò và cải tạo mặt bằng để từng bước hiện thực hóa yêu sách chủ quyền trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.
Trong bài viết gần đây về việc Trung Quốc gây hấn ở Hoàng Sa, Stratfor nói rằng, việc Bắc Kinh sử dụng hoạt động thăm dò dầu khí là một ví dụ cho thấy họ đang dần hiện thực hóa yêu sách của mình và làm xói mòn dần khả năng của các nước khác trong việc thách thức quyền lực của Trung Quốc.
Stratfor cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục mở rộng biên giới biển của họ bằng chiến lược này để nâng cao năng lực hậu cần hải quân.
“Hải quân Trung Quốc vẫn chưa đủ khả năng để vượt qua các thách thức hậu cần như khoảng cách quá xa hiện nay. Việc này làm hạn chế khả năng thống trị trong lĩnh vực hàng hải”, Stratfor viết.
Trang web này cho rằng, Bắc Kinh sẽ tiếp tục chiến lược ba bước, gồm việc sử dụng đường 9 đoạn để biện hộ cho những hoạt động trên các vùng biển tranh chấp; thực thi tuyên bố trên “các khu vực lợi thế chiến thuật mà họ đang hiện diện thực tế”, như Hoàng Sa và bãi Hoàng Nham (thuộc Trường Sa); tiếp tục pháp triển năng lực kỹ thuật và quân đội để mở rộng biên giới biển ra xa hơn “mà không làm mếch lòng tất cả các nước láng giềng cùng lúc”.
(Theo Tiền Phong)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.