Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường phát biểu tại cuộc họp ứng phó với bão số 10.
Sáng nay (14/9), tại Hà Nội, Ban chỉ đạo trung ương Phòng chống thiên tai đã tổ chức hội nghị trực tuyến ứng phó với bão số 10.
Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương cho biết, hồi 7 giờ sáng, bão số 10 đang ở cách bờ biển Hà Tĩnh - Quảng Bình khoảng 700km về phía Đông. Bão đã mạnh lên cấp 11, tốc độ di chuyển 20km/h.
“Với tốc độ di chuyển như vậy, đến khoảng trưa mai, muộn nhất là chiều tối mai (15/9), bão sẽ đi vào vùng biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Bình với cấp độ 11-12, gió giật cấp 15”, ông Cường nói.
Do ảnh hưởng của bão số 10, từ hôm nay (14/9) đến hết ngày 16/9, các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Thanh Hóa có mưa to đến rất to, lượng mưa phổ biến từ 100-300mm/đợt. Riêng Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị có nơi trên 400mm; các tỉnh Nam đồng bằng Bắc Bộ, Hòa Bình và Sơn La (50-150mm/đợt, có nơi trên 200mm).
Đại diện Bộ tư lệnh Biên phòng báo cáo, tính đến 6 giờ sáng 14/9, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho hơn 69 nghìn phương tiện và hơn 287 nghìn lao động ở các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa biết vị trí, hướng di chuyển của cơn bão số 10 để chủ động phòng tránh.
Hiện chưa liên lạc được với 4 tàu/38 lao động. Trong đó Ninh Bình 1 tàu/5 lao động; Thanh Hóa 3 tàu/33 lao động ở khu vực Vịnh Bắc Bộ.
Bão số 10 đang di chuyển nhanh về phía đất liền nước ta. Ảnh Trung tâm Dự báo KTTVTƯ.
Tại Nghệ An: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường cho biết, tỉnh đã ban hành 3 công điện nhằm ứng phó với bão số 10, cử cán bộ xuống các địa bàn được phân công.
Bộ đội biên phòng tỉnh sử dụng mọi phương tiện, bằng mọi biện pháp thông báo cho tàu thuyền trên biển biết diễn biến của bão; hướng dẫn, kêu gọi tàu thuyền về nơi tránh trú an toàn hoặc thoát khỏi vùng nguy hiểm. Gần 4.000 tàu thuyền của tỉnh với hơn 19.000 lao động đang hoạt động trên biển đều đã nhận được thông báo về diễn biến của bão.
Nghệ An đã bắt đầu cấm biển từ 7 giờ sáng nay (14/9). Tổ chức trực ban từ tỉnh đến cơ sở để ứng phó với tình huống bão có thể xảy ra.
Tại Hà Tĩnh: UBND tỉnh đã ban hành lệnh cấm biển từ 17 giờ chiều qua (13/9).
Trong chiều 13/9, tỉnh cũng đã tổ chức họp trực tuyến với 13 huyện, thành phố, thị xã để chỉ đạo các phương án ứng phó với bão số 10. Hà Tĩnh yêu cầu các huyện, thành phố, thị xã khẩn trương lập đoàn công tác, cử cán bộ xuống địa bàn chỉ đạo, giúp đỡ người dân chằng chống nhà cửa, tổ chức thu hoạch nhanh gọn hoa màu, các loại cây ăn quả...
Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có hơn 6.000 tàu thuyền với trên 17.000 lao động. Các phương tiện đã được liên lạc và nắm bắt thông tin về cơn bão.
Tại Quảng Bình: Ông Nguyễn Hữu Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết, toàn tỉnh có hơn 8.500 tàu thyền hoạt động trên biển.
Tuy đã được thông báo và kêu gọi, tuy nhiên vẫn còn 298 tàu hoạt động trên biển. “Các tàu này đã nhận được thông báo và cam kết sẽ trở vào bờ trong chiều 14/9”, ông Nghị nói.
Để có thời gian đi kiểm tra thực tế, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã kết thúc cuộc họp sớm.
Kết luận tại cuộc họp, Bộ trưởng Cường nói: “Tùy tình hình cụ thể, các tỉnh từ Quảng Ninh đến Khánh Hòa thực hiện cấm biển, kể cả các tàu vận tải và du lịch xong trước 7 giờ sáng 15/9”.
Các địa phương kiên quyết kêu gọi các tàu thuyền vào nơi tránh trú, bố trí vị trí neo đậu an toàn. Huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân thu hoạch các diện tích lúa đã chín, chủ động tiêu nước đệm.
Tổ chức sơ tán người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; người dân trên phương tiện lồng bè, vùng nuôi trồng thủy sản… hoàn thành trước 9 giờ sáng 15/9.
Đối với đê điều, hồ đập và công trình cần đảm bảo an toàn tuyệt đối; bố trí sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ trọng điểm tại các vị trí xung yếu, đặc biệt là các tỉnh từ Thanh Hóa đến Quảng Trị.
Bão số 10 đã mạnh lên cấp 10 và dự báo có thể lên đến cấp 13, khi áp sát bờ biển các tỉnh từ Nghệ An đến Quảng...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.