Theo bản tin lúc 21 giờ 15, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương cho biết: Bão đã gây gió mạnh cấp 8, giật cấp 10 tại đảo Lý Sơn. Vùng ven biển các tỉnh Quảng Bình-Đà Nẵng có gió giật cấp 6-7. Ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Bình Định đã có mưa to đến rất to.
Hồi 21 giờ ngày 14.9, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 15,6 độ vĩ Bắc; 108,4 độ kinh Đông, trên địa phận các tỉnh Quảng Nam-Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 7 (tức là từ 50 đến 60km một giờ), giật cấp 8-9.
Trong khoảng 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 09 giờ ngày 15.9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,2 độ Vĩ Bắc; 106,6 độ Kinh Đông, trên khu vực Nam Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 40km một giờ).
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, vùng biển ngoài khơi các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Định (bao gồm cả huyện đảo Cồn Cỏ, Lý Sơn) đêm nay còn có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9. Sóng biển cao từ 2-4m. Biển động mạnh.
Khu vực ven biển các tỉnh Quảng Bình-Quảng Ngãi có gió giật mạnh cấp 6-8. Cấp độ rủi ro thiên tai: cấp 3.
Quảng Nam
Vào khoảng 21 giờ 25 phút, theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã biển Tam Thanh, Quảng Nam, hiện tại gió mạnh đang đổ bộ vào đất liền, khoảng cấp 7-8. Hiện tại chưa phát hiện thiệt hại nào từ người dân hay nhà cửa.
Bão số 3 mạnh cấp 7-8 đổ bộ Quảng Nam
Vào lúc 19 giờ ngày (14.9), trao đổi nhanh với PV về cơn bão số 3, ông Nguyễn Thanh Lâm, Chủ tịch UBND xã biển Tam THanh, thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam cho biết: "Theo tôi nhận định, đến bây giờ bão vẫn chưa đổ bộ, theo như dự báo có khả năng bão sẽ đổ bộ vào đất liền lúc 20 giờ, hiện tại vùng biển Tam Thanh gió vẫn đang to, người dân vùng bị ảnh hưởng đang được lực lượng chức năng di dời đến nơi an toàn".
Theo dự báo, khoảng 20 giờ tối nay bão số 3 sẽ đổ bộ vào địa phận tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi
Trả lời câu hỏi của PV, hiện tại gió to, sóng lớn như thế xã đã nhận được thông tin mới của thành phố và Ban phòng chống lụt bão tỉnh về tin bão số 3 mới nhất hay chưa?. - ông Lâm trả lời: "Đến bây giờ xã vẫn chưa nhận được thông tin mới nhất về tình hình bão số 3 từ cơ quan chức năng cấp trên, hiện tại xã vẫn tự chủ động và triển khai phương án phòng chống bão. Xã sẽ căn cứ vào sự chỉ đạo rồi triển khai phòng chống bão".
Còn theo Ban phòng chống bão lụt Quảng Nam, hồi 17 giờ, ngày 14.9, tâm bão ở vào khoảng 15,5 độ Vĩ Bắc; 109,2 độ Kinh Đông, trên xùng biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sức gió mạnh nhất ở gần vùng tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10. Trong khoảng 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, sau đó là Tây Nam, mỗi giờ đi được 15km. Tối nay tâm bão sẽ đi vào địa phận các tỉnh Quảng Nam - Quảng Ngãi, suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới, sau đó là một vùng áp thấp.
Đến 04 giờ ngày 15.9, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 15,3 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6".
Chiều nay (14.9), vùng ven biển Quảng Nam đang có mưa to và sức gió mạnh lên cấp 7-8, biển động dữ dội, sóng rất to.
Tuy nhiên, khu vực trung tâm thành phố Tam Kỳ và vùng ven bỗng nắng chang chang, bầu trời trong xanh, có gió nhẹ.
Trong chiều 14.9, ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cùng lực lượng chức năng có mặt tại vùng biển Tam Thanh chỉ đạo công tác phòng chống bão số 3.
Ông Huỳnh Khánh Toàn, Phó chủ tịch tỉnh Quảng Nam kiểm tra trước bão
Theo ghi nhận của PV, hiện ngư dân vùng ven biển vẫn đang tích cực đưa thuyền nan lên bờ tránh bão. Người dân đang cố chèn chống nhà cửa trước khi bão đổ bộ.
Ngư dân Trần Văn Tế (xã Tam Thanh) cho biết: "Tôi thấy cơn bão này hình thành nhanh và đổ bộ cũng rất nhanh. Sống hơn 50 năm, nhưng đây là lần đầu ngư dân vùng biển chúng tôi gặp cơn bão như thế này".
Chiều cùng ngày, lực lượng chưc năng đang cố gắng lai dắt tàu cá Qna 90208 đánh sóng đánh chìm tại vùng cửa sông xã Tam Hoà, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Theo đó, vào rạng sáng cùng ngày tàu cá QNa 90208 có công suất 340CV của gia đình ông Trần Công Tăng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa, Núi Thành) đang neo đậu sát khu vực bờ thì sóng to, gió lớn ảnh hưởng bão số 3 đánh chìm ở vùng cửa sông thôn Hòa Bình. “Chiều tối hôm qua, sau khi biết tin bão đến, gia đình chúng tôi đã kiểm tra kỹ càng dây neo tàu cá sau khi đưa vào neo đậu ở khu vực sát bờ. Vậy nhưng bão quá mạnh, cả 2 dây neo bố trí ở mũi tàu và sau lái đều bị bão đánh đứt vào lúc 5h sáng nay. Ngay sau đó, gió quá mạnh đã làm lật úp con tàu. Bão lớn cộng với nước chảy xiết đã đẩy trôi con tàu ra đến sát mép biển. Lúc đó, tôi quá hoảng hốt liền gọi điện tất cả người thân, láng giềng đến giúp đỡ. Phải quăng quật giữa sóng xiết đến tận trưa, chúng tôi mới giữ được con tàu khỏi mất hút giữa biển lớn” - ông Tăng kể.
Tàu cá bị sóng đánh chìm - ảnh N.Q
Ngay sau đó, công tác cứu hộ cho tàu cá được gấp rút triển khai. Gia đình ông Tăng đã nhờ sự trợ giúp của nhiều chủ tàu cá trên địa bàn huyện Núi Thành đến lai dắt tàu cá vào bờ nhưng do gió to, sóng lớn ảnh hưởng đến công tác ứng cứu kèm nước chảy xiết khiến cho dây cáp lớn để chằng níu con tàu nhưng liên tục bị đứt.
Tàu cá QNa 90208 bị chìm đồng nghĩa với dầu, lương thực, thực phẩm và tất cả các thiết bị trên tàu đều bị hư hỏng. “Máy dò đứng mặc dù đã dùng được 1 năm nhưng gần như vẫn còn nguyên giá trị trước khi tàu bị chìm. Máy dò ngang thì mới được lắp đặt chừng 1 tháng qua nay đã không thể dùng được nữa rồi. Cả hệ thống thiết bị điện, vô tuyến điện cũng đã bị nước làm cho hư hỏng. Máy tàu thì khó mà sửa chữa được. Ước tính thiệt hại sẽ hơn 1 tỷ đồng”, ông Tăng cho biết.
Có mặt tại khu vực cứu hộ tàu bị nạn, ông Lê Văn Hiệp, cán bộ phụ trách thủy sản của UBND xã Tam Hoà cho biết: "Thiệt hại khi con tàu bị chìm giữa biển nước là vô cùng lớn. Vậy nhưng cũng mong ngư dân sẽ đưa được con tàu vào bờ trong thời gian ngắn nhất có thể. Có vậy mới hy vọng giữ gìn được một số tài sản thiết yếu khác”.
Đà Nẵng
Do ảnh hưởng của bão số 3, suốt từ đêm 13 đến 13h30 chiều 14.9, lượng mưa trên toàn thành phố rất lớn.
Trong sáng nay (14.9), rất nhiều con phố như: Nguyễn Văn Linh, Lê Duẩn, Quang Trung bị ngập cục bộ, có nơi ngập sâu trên 0,5m.
Mưa to cùng với gió lớn đã khiến nhiều cây xanh bị bật gốc, gãy, ngã đổ khiến giao thông ách tắc. Ngoài ra, rất nhiều phương tiện bị chết máy, phải đứng giữa đường do nước ngập.
Để đảm bảo an toàn giao thông, rất nhiều CSGT cùng lực lượng dân quân tự vệ của các phường đã ra các nút giao thông, ngã tư trung tâm để điều tiết giao thông, hướng dẫn phương tiện tránh những tuyến đường bị ngập sâu…
Do ảnh hưởng của bão số 3, nhiều cây xanh bị bật gốc, ngã đổ.
Nước ngập đường, nhiều xe chết máy.
CSGT, dân quân tự vệ trực tại những nút giao thông quan trọng để hướng dẫn các phương tiện lưu thông.
Ngư dân Đà Nẵng mang thúng thuyền đi tránh bão
Thừa Thiên Huế
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 và không khí lạnh tăng cường, từ đêm 13.9 đến chiều 14.9, trên địa bàn tỉnh có mưa vừa đến mưa to. Mưa lớn trên diện rộng và nước từ thượng nguồn đổ về mạnh nên đến chiều 14.9, lũ trên các sông ở tỉnh đã vượt báo động 2 và đang lên nhanh. Lượng lớn hộ dân ở hạ lưu sông Ô Lâu, sông Bồ, sông Hương và ven phá Tam Giang đối diện với nguy cơ ngập lụt. Từ trưa 14.9, tại các địa phương ven biển của tỉnh đã có gió giật cấp 8-9, khiến người dân lo lắng.
Tàu thuyền vào neo đậu tại âu thuyền Phú Thuận.
Ông Phan Thanh Hùng- Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTTTKCN tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, để giúp người dân chủ động ứng phó với mưa lũ, Ban đã chỉ đạo các địa phương và các cơ quan ban ngành sẵn sàng các phương án phòng chống lụt bão khẩn cấp. Từ sáng 14.9, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Thừa Thiên- Huế đã bắn pháo hiệu, phối hợp với các địa phương ven biển kêu gọi được 1.955 phương tiện tàu thuyền với 10.823 lao động đang đánh bắt trên vùng biển của tỉnh vào các âu thuyền Phú Thuận, Phú Hải, Thuận An (huyện Phú Vang) và Vinh Hiền (huyện Phú Lộc) để tránh trú bão an toàn.
Người dân ven biển xã Phú Thuận đưa thuyền hoạt động ở vùng bãi ngang lên bờ tránh bão.
Nhằm hạn chế thiệt hại do mưa bão gây ra đối với sản xuất, Ban Chỉ huy PCTTTKCN tỉnh đã phát đi thông báo gửi đến các địa phương, chỉ đạo nhân dân khẩn trương thu hoạch rau màu, diện tích nuôi trồng thủy sản, có phương án bảo vệ diện tích lúa hè thu. Từ sáng 14.9, người dân các địa phương trên địa bàn đã khẩn trương thu hoạch hoa màu và các diện tích nuôi thủy sản. Ở các xã ven biển, công tác chằng chống nhà cửa được người dân tiến hành gấp rút. Khoảng 18.000 hộ dân ở các vùng nguy hiểm như cửa biển, các điểm có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét được chính quyền lên phương án để sẵn sàng di dời khẩn cấp.
Bình Định
Ảnh hưởng từ hoàn lưu cơn bão số 3, sau những đợt mưa dai dẳng bắt đầu từ tối (ngày 13.9) kéo dài đến chiều hôm nay (ngày 14.9), nắng nhẹ đã xuất hiện tại địa bàn tỉnh Bình Định.
Ghi nhận của phóng viên, lúc 18 giờ, tại TP Quy Nhơn (Bình Định) mưa đã không còn, thời tiết bắt đầu khô ráo. Người dân ồ ạt ra đường sau những cơn mưa dai dẳng.
Bầu trời tại Bình Định không còn xuất hiện những cơn mưa.
Chiều ngày 14.9, tin từ Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Bình Định cho biết, công tác ứng phó với con bão số 3 đã được triển khai tại địa phương này rất khẩn trương.
Theo thống kê, toàn tỉnh Bình Định hiện có 6.858 tàu cá với 43.887 lao động. Trong đó, có 3.880 tàu/20.833 lao động neo đậu, hoạt động khai thác thủy sản ven bờ trong tỉnh. Khu vực biển từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ninh có 56 tàu/504 lao động. Khu vực biển từ Quảng Ngãi đến Đà Nẵng 219 tàu/1.971 lao động. Khu vực biển từ Phú Yên đến Kiên Giang có 1.865 tàu/13.055 lao động. Khu vực biển thuộc quần đảo Hoàng Sa từ 160 vĩ Bắc trở lên có 18 tàu/144 lao động. Khu vực biển giữa quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ 110-150 vĩ Bắc có 195 tàu/1.755 lao động và khu vực quần đảo Trường Sa từ 110 vĩ Bắc trở xuống có 625 tàu/5.625 lao động.
Hàng trăm tàu thuyền đánh cá neo đậu tại cảng Quy Nhơn để trú bão số 3 và bán hải sản.
Hầu hết các tàu cá của ngư dân đã biết thông tin về bão số 3 và đã di chuyển để tránh trú bão. Riêng, 219 tàu/1.971 lao động ở khu vực biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi đã vào bờ tránh trú an toàn, 18 tàu/144 lao động ở khu vực quần đảo Hoàng Sa cũng di chuyển khỏi vùng ảnh hưởng của bão.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.