Sáng 23.7, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương họp bàn giải pháp ứng phó với cơn bão số 4.
|
Ảnh đường đi của bão số 4 |
Theo báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão ở vào khoảng 19,4 độ Vĩ Bắc; 114,5 độ Kinh Đông, cách đảo Hoàng Sa khoảng 390 km về phía Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, 12.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng giữa Tây Tây Bắc và Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10-15 km và còn có khả năng mạnh thêm. Dự kiến, chiều tối 24.7, bão đi qua bán đảo Lôi Châu vào Vịnh Bắc Bộ, sức gió mạnh nhất cùng gần tâm mạnh cấp 10, giật cấp 11, 12.
Trong 24 giờ tiếp theo, bão di chuyển giữa Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15 km. Đến 7 giờ ngày 25.7, vị trí tâm bão ở trên vùng bờ biển tỉnh Quảng Ninh. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; sau đó tiếp tục di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 15 km.
|
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chủ trì cuộc họp sáng 23.7 |
Ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Trung ương đánh giá: Đây là cơn bão có đường đi phức tạp, gió mạnh, kèm mưa lớn. Bão vào đất liền vào nửa đêm ngày 24, sáng 25 nên gây khó khăn cho công tác ứng phó.
Cho đến thời điểm này, Ban chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương và các địa phương đã thông báo cho các tàu thuyền hoạt động trên biển về cơn bão và hướng dẫn về nơi tránh trú. Hiện chưa có thiệt hại về tàu thuyền.
Ban chỉ đạo đưa ra các nội dung cần triển khai ngay như sau: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, khần trương kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trong vịnh Bắc Bộ, ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng vào nơi cư trú, tránh bão và có biện pháp bảo đảm an toàn cho các lồng bè, ao đầm nuôi trồng thủy sản. Tình Quảng Ninh, Hải Phòng tùy diễn biến của báo chủ động lựa chọn thời điểm cấm biển, không cho tàu cá, tàu du lịch ra khơi; sơ tán dân, khách du lịch.
Các tỉnh ven biển Bắc Bộ kiểm tra, rà soát các công trình, đê điều, các bến cảng, kho tàng ven biển. Các tỉnh, thành phố Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Bình Định tiếp tục theo dõi chặt chẽ, giữ thông tin liên lạc, hướng dẫn các tàu thuyền đang hoạt động tại khu vực quần đảo Hoàng Sa di chuyển trách bão.
Các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh ven biển Bắc Bộ đề phòng mưa lớn, kiểm tra, có biện pháp bảo đảm an toàn hồ chứa, các khu vực khai thác khoáng sản, các khu dân cư có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, khách tại các khu du lịch. Tại cuộc họp, Ban chỉ đạo cũng cảnh báo các địa phương thuộc miền núi phía Bắc lên phương án di dân khỏi các vùng có nguy cơ sạt lở.
Các tỉnh đồng bằng chủ động tiêu nước đệm, tránh ngập úng.
Sỹ Lực
Vui lòng nhập nội dung bình luận.