Tối nay (13.8), Ban Chỉ đạo PCLB T.Ư tiếp tục có cuộc họp nhằm đánh giá tình hình và chuẩn bị các phương án phòng, chống
bão số 7.
Theo báo cáo của lực lượng biên phòng, tính đến 16 giờ
chiều nay, biên phòng tuyến biển các tỉnh từ Quảng Ninh đến Cà Mau đã thông báo
hướng dẫn cho hơn gần 77.000 phương tiện với hơn 320.000 người và 1.324 lồng
bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản biết vị trí, hướng di chuyển của bão để chủ
động di chuyển, phòng tránh.
Đường đi của cơn bão số 7
Ông Lê Thanh Hải, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí
tượng thủy văn Trung ương cảnh báo, xác suất bão số 7 đổ bộ vào nước ta khoảng 50%.
Khoảng 16 giờ chiều mai (14.8), bão số 7 đổ bộ vào đất liền khu vực Đông Bắc
nước ta và bán đảo Lôi Châu, Trung Quốc trước khi đổ bộ bão sẽ tăng thêm 1 cấp
lên cấp 14 đến 15, sau đó suy yếu thành áp thấp nhiệt đới nhiều khả năng ngoặt
xuống di chuyển về phía các tỉnh Cao Bằng và Hà Giang nước ta.
Tại khu vực Vịnh Bắc bộ trưa và chiều mai gió sẽ mạnh
dần cấp 6 đến cấp 7, có thể lên cấp 8 cấp 9, giật cấp 10, cấp 11. Chiều tối mai
khu vực các tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng có thể xuất hiện giông lốc.
Ông Hải lưu ý, chiều mai (14.8), giông lốc có thể sẽ
bao trùm toàn bộ khu vực Đông bắc bộ, đặc biệt là tỉnh Quảng Ninh và vịnh Hạ
Long. Giông tố lốc là rất nguy hiểm cần lưu ý đối với Quảng Ninh và Hải Phòng
đặc biệt đề phòng trong thời điểm từ trưa và chiều mai.
Các thành viên Ban Chỉ đạo cho rằng, bão số 7 đang
tiếp tục mạnh lên, có diễn biến phức tạp và khó lường, việc quan trọng nhất
hiện nay là tập trung kêu gọi tàu thuyền đang hoạt động trên biển đặc biệt là
các địa phương khu vực phía Bắc của Vịnh Bắc Bộ chủ động di chuyển, phòng tránh bão,
thực hiện lệnh cấm biển khi cần thiết.
Trước diễn biến mới nhất của cơn bão này, Trưởng Ban
PCLB T.Ư, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Cao Đức Phát yêu cầu: Các tỉnh gồm Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái
Bình, Nam Định hướng dẫn nhân dân neo đậu tàu thuyền kể cả tàu du lịch, vận
tải, ngư dân chằng néo lồng bè nuôi trồng thủy sản, nhất là ở Móng Cái, tỉnh
Quảng Ninh cần đặc biệt lưu ý.
Ông Phát cũng lưu ý, các địa phương vùng núi phía Bắc
đặc biệt là các tỉnh ở Đông Bắc hết sức đề phòng mưa lớn. Khu vực đồng bằng
trung du Bắc Bộ chủ động tiêu nước đệm đề phòng ngập úng cục bộ, chủ động ứng
phó lũ trên sông có thể lên lại.
Hải Hà (Hải Hà)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.