Bão Thần Sét đổ bộ đất liền, lại dự báo sai cấp độ?

Triệu Quang Thứ bảy, ngày 20/08/2016 16:57 PM (GMT+7)
Dù bão đã đổ bộ vào đất liền nhưng nhiều tỉnh vẫn không biết tâm bão đang ở đâu để ứng phó.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp rút kinh nghiệp dự báo, ứng phó bão số 3.

Hôm nay (20/8), sau khi bão số 3 đổ bộ, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đã có cuộc họp rút kinh nghiệm về công tác dự báo, ứng phó.

Tại cuộc họp, ông Hoàng Đức Cường – Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương cho biết, cường độ, tốc độ và phạm vi ảnh hưởng của bão số 3 gần như ngược với bão số 1.

“Cơn bão số 3 khi ở Vịnh Bắc Bộ được đánh giá là rất mạnh, nhưng khi cách bờ khoảng 70km đã hụt năng lượng rất nhiều. Ngoài ra, thời gian bão số 3 hoạt đông trên đất liền rất ngắn, do vậy đã không để lại thiệt hại lớn như bão số 1”, ông Cường giải thích.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Nam, Phó Tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Biên phòng nhận xét, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương đã dự báo đúng hướng đi, lượng mưa, thời gian bão vào Vịnh Bắc Bộ nhưng cấp độ bão thì không sát thực tế.

“Lúc 15h chiều qua (19/8), tôi gọi điện tới một số đơn vị, anh em dưới tỉnh đều nói không biết bão đang ở đâu, trong khi bão đã vào đất liền. Về cấp độ bão, dự báo gió giật cấp 10-12 nhưng thực tế không đến cấp 12. Trong khi một số đài dự báo của quốc tế như Hồng Kông, Nhật Bản chỉ dự báo bão dưới cấp 11”, ông Nam chia sẻ.

Thiếu tá Nam cho biết thêm, dự báo phạm vi ảnh hưởng từ vĩ tuyến 17 trở ra Bắc là quá rộng. Trong dự báo, cấp độ phải nhận định chuẩn, trọng tâm bão đổ bộ ở đâu, vùng ảnh hưởng phải rất rõ thì mới có phương án ứng phó chính xác và kịp thời. Nếu không, cứ kêu gọi tàu thuyền vào bờ, di dân nhưng không thấy bão, lần sau người dân sẽ chủ quan và khó vận động hơn.

Tuy nhiên, Thiếu tá Nam cho rằng, trong bối cảnh thời tiết của Việt Nam thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu, khâu dự báo hiện nay chưa ngang tầm với diễn biến khí hậu nước ta.

“Nhà nước cần có cơ chế chính sách để ngành khí tượng thủy văn đầu tư thêm về trang thiết bị, con người cho hoạt động dự báo. Ngoài ra, ngành khí tượng cần phải lắp đặt nhiều trạm quan trắc ở các địa phương, hoạt động độc lập, thay vì tập trung hết về một mối như hiện nay”, Thiếu tá Nam nói.

Kết thúc cuộc họp, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường – Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai cho biết, do chủ động, huy động nhiều lực lượng ứng phó với bão số 3 với tinh thần cao nhất nên thiệt hại về cơn bão này không là đáng kể.

img

Bão số 3 làm bật gốc cây xanh đè trúng ô tô trên đường Hai Bà Trưng (Hà Nội).

Tuy nhiên, trong thời gian tới, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão, nhiều vùng vẫn còn mưa to khả năng xảy ra ngập lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, Bộ trưởng yêu cầu các địa phương vẫn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến mưa lũ để ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn.

Khu vực các tỉnh miền núi tiếp tục rà soát và triển khai ngay việc sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, khu vực ven sông suối có nguy cơ xảy ra ngập úng tránh tình trạng chủ quan.

Bố trí lực lượng canh gác tại các ngầm, tràn, bến đò, khu vực có nguy cơ bị ngập sâu, nước chảy siết để kiểm soát, hướng dẫn giao thông đảm bảo an toàn cho người dân.

Ủy ban nhân dân các tỉnh khu vực đồng bằng Bắc Bộ chỉ đạo kiểm tra, khắc phục hậu quả mưa bão, huy động nhân dân sửa chữa nhà cửa bị thiệt hại, khẩn trương triển khai công tác về sinh môi trường, bảo đảm giao thông và sinh hoạt của người dân.

Tổ chức kiểm tra đê điều, hồ chứa nước, van xả lũ để đảm bảo an toàn. Thường xuyên trực ban nghiêm túc, sẵn sàng lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem