Bão thành áp thấp, vẫn còn nguy hiểm

Thứ hai, ngày 04/11/2013 06:52 AM (GMT+7)
Hầu hết tàu thuyền ở miền Trung đã vào nơi trú tránh an toàn. Rút kinh nghiệm các trận bão trước, công tác ứng phó với bão số 12 được các tỉnh miền Trung chuẩn bị khẩn trương, chu đáo.
Bình luận 0
Tàu thuyền ráo riết tránh trú bão

Đến chiều 3.11, 100% tàu thuyền của tỉnh Quảng Trị (2.508 chiếc) đã vào nơi trú ẩn an toàn. 100% tàu thuyền của tỉnh Bình Định (7.345 chiếc/42.268 lao động) cũng nhận được thông tin về bão số 12 và đang trên đường tránh trú bão. Trong đó, 11 tàu cá/89 lao động được hướng dẫn rời vùng Hoàng Sa để di chuyển về Trường Sa tránh bão.

Cũng tại Bình Định, tàu cá BĐ-95532 (với 14 ngư dân) thả trôi do bị hỏng máy (ngày 1.11) đã được tàu BĐ-95013 của ông Nguyễn Hữu Khả (xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn, Bình Định) tiếp cận lai dắt vào cảng Cà Ná (Ninh Thuận) để khắc phục sự cố.

Tàu cá neo đậu tại Cảng Tuy Hòa, trước bão số 12.
Tàu cá neo đậu tại Cảng Tuy Hòa, trước bão số 12.

Tỉnh Phú Yên có 196 tàu cá/1.018 lao động đang đánh bắt khu vực quần đảo Trường Sa và 4 tàu đánh bắt tại khu vực Hoàng Sa được hướng dẫn chạy về đảo Song Tử Đông (Trường Sa) tránh trú bão. Toàn bộ tàu thuyền tỉnh Thừa Thiên – Huế đã được lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh kêu gọi vào bờ trú ẩn.

Hơn 1.800 tàu thuyền của TP.Đà Nẵng đã tìm được vị trí an toàn để neo đậu trú, tránh bão. Thành phố này còn 74 tàu thuyền/667 lao động đang trên đường chạy lên phía Hải Phòng và khu vực đảo Trường Sa để tránh bão số 12.

Chiều 3.11, tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (Đà Nẵng) đã có gần 700 tàu thuyền của ngư dân Đà Nẵng và ngư dân của một số tỉnh lân cận như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… vào neo đậu để tránh trú cơn bão số 12. Hiện Bộ chỉ huy Biên phòng TP.Đà Nẵng đã cấm tàu thuyền ra khơi.

Riêng tại Quảng Nam, tổng số tàu cá của tỉnh này đang hoạt động trên biển 155 tàu/4.280 lao động. Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam đang tích cực liên lạc với các phương tiện này để hướng dẫn tìm nơi tránh bão an toàn.

Tăng cường gia cố nhà cửa

Rút kinh nghiệm từ các cơn bão số 8, 10 và 11, người dân tỉnh Quảng Trị đang tích cực chằng chống, gia cố vững chắc nhà cửa để giảm đến mức thấp nhất thiệt hại. Tại Thừa Thiên – Huế, lực lượng chức năng khẩn trương triển khai lực lượng giúp người dân các địa phương vùng biển neo đậu tàu thuyền an toàn và chằng chống nhà cửa để sẵn sàng đối phó với bão.

Các địa phương cũng khẩn trương rà soát việc sơ tán, di dời gần 3.500 hộ dân với hơn 11.000 khẩu ở các khu vực thấp trũng, vùng sạt lở miền núi, ven sông, ven biển và đầm phá đề phòng triều cường kết hợp nước biển dâng do bão và vùng hạ du các công trình thủy điện có nguy cơ ngập do xả lũ đến nơi an toàn.

Bộ Tư lệnh Quân khu V đã cử 3 đoàn công tác kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình phòng chống lụt bão trên địa bàn TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam. Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Quân khu V cũng yêu cầu các đơn vị sẵn sàng triển khai phương án phòng tránh bão ở địa bàn xung yếu và di dời người dân đến nơi an toàn.

Các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang Quân khu 5, nhất là các đơn vị đóng quân ở tuyến đảo, ven biển làm tốt việc chằng chống nhà cửa, kho tàng, đưa bộ đội vào ở nhà kiên cố nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra. Ngành thông tin quân khu bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt, đáp ứng yêu cầu chỉ huy, chỉ đạo trước, trong và sau bão.

Yêu cầu thủy điện xả lũ

Quảng Nam đang có 45/73 hồ chứa nước thủy lợi đã tích đầy nước. Một số thủy điện đang xả nước. Thuỷ điện A Vương đang xả nước qua phát điện 78m3/s; Thủy điện Đăk Mi 4 xả nước qua phát điện 102,4m3/s; Thủy điện Sông Tranh 2 xả nước qua phát điện là 230m3/s.

Tại Bình Định, 5 hồ chứa nước lớn trên địa bàn (Định Bình, Núi Một, Hội Sơn, Thuận Ninh và Vạn Hội) đang có mức nước 21 – 62% dung tích và được theo dõi chặt chẽ để đảm bảo an toàn khi có mưa lũ xảy ra. Các sông trên địa bàn Phú Yên có mực nước thấp, nước tại các hồ thủy điện, thủy lợi ở tỉnh đều xuống gần mực nước chết, nên nếu có mưa lũ thì hạ du khó thể xảy ra cảnh lũ chồng.

Để tránh tình trạng công trình thủy điện không chịu xả nước để đón lũ gây mất an toàn hồ đập như đã từng xảy ra trong cơn bão số 11, lần này, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế yêu cầu Nhà máy Thủy điện Hương Điền, Bình Điền và A Lưới thực hiện nghiêm túc việc điều tiết xả lũ để đảm bảo an toàn cho công trình và an toàn cho vùng hạ du.

Riêng tại tỉnh Quảng Trị, trước thông tin đây là một trong những nơi bão số 12 sẽ đổ bộ, người dân địa phương đang rất lo lắng, đặc biệt là những hộ trồng cao su.

Bão suy giảm thành áp thấp nhiệt đới

Chiều 3.11, ông Bùi Minh Tăng - Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn T.Ư cho biết: Bão số 12 đã bắt đầu suy yếu và đổi hướng, di chuyển theo hướng tây tây nam và tây nam. Bão hướng về các tỉnh từ Thừa Thiên -Huế đến Bình Định, khả năng khi bão suy yếu thành áp thấp nhiệt đới sẽ đi vào địa phận các tỉnh, thành từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi. Sáng nay (4.11), bão số 12 sẽ di chuyển sát quần đảo Hoàng Sa, cường độ bão cấp 9 và đầu cấp 10. Tuy vậy, vẫn không thể chủ quan vì vẫn có khả năng gây nguy hiểm.

Nhóm P.V miền Trung (Nhóm P.V miền Trung)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem