Ngày 12/12, các tờ báo lớn của Trung Quốc đều nhất loạt tuyên bố một cách hả hê rằng phong trào biểu tình đòi dân chủ ở Hong Kong đã “bị đánh bại”, đồng thời cảnh báo các “thế lực thù địch” trong và ngoài nước không được gây bất ổn đối với thành phố này.
Tờ Nhân dân Nhật báo đăng một bài xã luận nhấn mạnh: “Sự thất bại của “cuộc cách mạng ô” đã phát đi một thông điệp rõ ràng tới các thế lực thù địch cả trong nước và nước ngoài rằng đối với các vấn đề thuộc về nguyên tắc, chính quyền trung ương sẽ không bao giờ nhượng bộ”.
Nhà chức trách Hong Kong tháo dỡ chướng ngại vật của người biểu tình ở khu Admiralty
Nhân dân Nhật báo viết tiếp: “Và trong một xã hội tự do và thịnh vượng như Hong Kong, không có đất cho những kẻ mưu toan dùng chính trị để đạt được mục đích của mình”.
Bài xã luận có tựa đề “Cuộc cách mạng ô bị đánh bại” này được xuất bản một ngày sau khi cảnh sát Hong Kong tràn vào dọn sạch các lều bạt và chướng ngại vật được người biểu tình sử dụng trong hơn 2 tháng qua để đấu tranh đòi bầu cử phổ thông đầu phiếu cho Hong Kong.
Phong trào biểu tình này từ lâu đã bị báo chí Trung Quốc chỉ trích gay gắt, khi họ cho rằng cuộc biểu tình, chiếm giữ khu trung tâm Hong Kong do sinh viên phát động này không hề nhận được sư ủng hộ của người dân địa phương, và được các thế lực bên ngoài “chống lưng” để cản trở sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Đường phố Hong Kong phong quang sau hơn 2 tháng bị người biểu tình chiếm giữ
Nhân dân Nhật báo kêu ca về những “thiệt hại to lớn” do cuộc biểu tình gây ra, tuy nhiên cũng nói rằng phong trào biểu tình này có một mặt tích cực, đó là nó chứng minh cho thấy sự đúng đắn của “nguyên tắc một đất nước, hai chế độ”.
Tờ báo này viết: “Đến nay người dân Hong Kong đã hiểu rõ hơn rằng ‘mức độ tự trị cao’ không đồng nghĩa với tự trị hoàn toàn”.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu lại cảnh báo về những nguy hiểm của “nền chính trị đường phố” trong bài bình luận về cuộc biểu tình Hong Kong.
Hoàn Cầu viết: “Chính trị đường phố có thể tàn phá dễ dàng một xã hội và khiến nhiều người mê mẩn. Chúng ta kiên quyết phản đối quan niệm cho rằng cải cách xã hội cần được thực hiện bằng bạo lực đường phố. Đó là một nguyên tắc chính trị căn bản”.
Một người biểu tình Hong Kong bị cảnh sát bắt giữ
Phong trào biểu tình Hong Kong đã kêu gọi chính quyền thành phố này tổ chức cuộc bầu cử tự do nhà lãnh đạo đặc khu hành chính vào năm 2017, tuy nhiên Bắc Kinh tuyên bố chỉ những người đã một ủy ban thân Trung Quốc phê duyệt mới được tham gia ứng cử.
Cuộc biểu tình rầm rộ kéo dài suốt 75 ngày với sự tham gia của hàng chục ngàn người lúc cao điểm, nhưng cả Bắc Kinh lẫn chính quyền Hong Kong đều kiên quyết không chịu nhượng bộ. Với việc khu biểu tình ở Admiralty bị phá dỡ, phong trào biểu tình Hong Kong đã chính thức chấm dứt, bất chấp việc phong trào sinh viên tuyên bố "Chúng tôi sẽ trở lại".
Trí Dũng (Theo AFP)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.