Bảo vệ dân ở cơ sở, họ là ai?

Thứ bảy, ngày 02/12/2017 06:16 AM (GMT+7)
Đúng là chỉ có thể dùng hai từ kinh hoàng khi nói về vụ việc một bảo vệ dân phố phường Hoà Thạnh, quận Tân Phú, TP.HCM tên Hoàng Nhất Giang đã ra tay cắt cổ bé trai sáu tuổi diễn ra ngày 26.11.
Bình luận 0

Kinh hoàng hơn nữa, khi trả lời phương tiện truyền thông đại tá Nguyễn Sỹ, trưởng phòng Tham mưu Công an TP.HCM, thông tin: “Theo báo cáo sơ bộ từ Công an quận Tân Phú, Hoàng Nhất Giang có tiền sử bệnh tâm thần. Còn việc tại sao bị tâm thần mà tham gia lực lượng bảo vệ dân phố, chúng tôi đang phối hợp xác minh thêm. Tuy nhiên, cần nói rõ lực lượng bảo vệ dân phố thuộc sự quản lý của UBND phường và tham gia giữ gìn an ninh chung ở khu vực”.

img

Nhóm dân phòng ấp 3 (Tân Kiên, Bình Chánh, TP.HCM) đuổi theo xe tải đậu trên đường để ép tài xế chi tiền.

Đến cơ quan công an cũng không biết vì sao một người có tiền sử bệnh tâm thần mà được tuyển vào vị trí “bảo vệ người dân”, vậy người dân biết còn tin ai? Đây là câu hỏi nhói lòng mà không ít bạn đọc đã đề nghị làm rõ với những người làm nhiệm vụ bảo vệ hàng ngày khu dân cư họ sinh sống.

Một người lý lịch không rõ ràng lọt vào danh sách bảo vệ dân phố liệu có là cá biệt?

Xin thưa không. Nếu ở TP.HCM, chúng tôi tin rằng ai cũng nghe đầy lỗ tai những chuyện trái khoáy, chuyện hồ đồ, côn đồ, tống tiền mà những người khoác áo bảo vệ dân phố hay dân phòng gây ra. Không nói đâu xa, chỉ tính hơn năm qua, người dân không thể quên vụ việc đình đám dân phòng tạt nước sơn vào nhà dân ở Thủ Đức, vì dám không “đóng hụi” dân phòng. Còn chuyện “tống tiền”, phải nói đến vụ một nhóm bảo vệ dân phố ở phường Bình Hưng Hoà, quận Bình Tân ngang nhiên hù doạ lấy tiền của tiểu thương ở chợ tự phát Phan Đăng Giảng hồi tháng 7.2017. Hay mới đây nhất là vụ một nhóm dân phòng ở xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh ngang nhiên “làm luật” đối với các tài xế xe tải.

Tư cách, lý lịch bảo vệ dân phố, dân phòng  không phải đến bây giờ mới được đặt ra mà thực tế nó đã được đặt ra từ lâu, khi dư luận và báo chí phanh phui không ít “ông” bảo vệ dân phố có máu côn đồ, tống tiền nêu trên. Vậy tại sao hiện tượng đó không được khắc phục mà  tính chất mức độ vi phạm ngày càng cao?

Nói thẳng là chuyện cố né trách nhiệm, tìm thành tích của không ít địa phương nơi xảy ra vụ việc. Này nhé, khi vụ việc dân phòng xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh làm luật tài xế, lập tức, trưởng công an xã này nói lực lượng tham gia “làm luật” tiền tài xế thực chất không phải là lực lượng dân phòng chuyên nghiệp. “Đúng là họ mặc trang phục của dân phòng, đeo bảng tên khi tuần tra, nhưng thực ra nhóm người này là lực lượng quần chúng tự quản về an ninh trật tự do ấp 3 vận động. Các loại trang phục dân phòng họ mặc do trưởng ấp 3 tận dụng lại trang phục của các anh em dân phòng trước đó”, vị trưởng công an xã giãi bày. Còn vụ bắt tiểu thương “đóng hụi chết” ở phường Bình Hưng Hoà, được phường trả lời là do nó liều chứ phường không biết, biết là xử nghiêm…

Giãi bày của công an xã, của lãnh đạo phường nêu trên cũng chẳng khác nào chuyện Công an quận Tân Phú nói không biết vì sao một kẻ tâm thần vào làm bảo vệ dân phố được, và chắc chắn kết luận kẻ có tiền sử bệnh tâm thần “cố tình qua mặt cơ quan tuyển dụng”. Với cái kiểu giải thích như vậy, chẳng ai phải chịu trách nhiệm, chẳng ai bị xử lý ngoài mấy ông bảo vệ dân phố hay dân phòng làm liều bị đuổi, bị bắt. Thế là xong. Nếu tập thể bị kỷ luật hay lãnh đạo bị kỷ luật, coi như mất thi đua cả năm còn gì?

Người dân còn lo sợ dài!

Quân Minh (Thế Giới Tiếp Thị)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem