Bartini Beriev VVA-14: Thủy phi cơ huyền thoại của Liên Xô

Chủ nhật, ngày 21/05/2017 09:30 AM (GMT+7)
Những phát minh về khí tài quân sự trong lĩnh vực hàng không ở Cuộc chiến tranh lạnh những năm 70 luôn nhận được không ít sự quan tâm của quần chúng lúc bấy giờ, bởi những sáng kiến trong thời kỳ này kỳ lạ tới mức khó hiểu.
Bình luận 0

Một trong những sáng kiến như vậy có tên gọi là Bartini Beriev VVA-14, do kỹ sư người Ý Robert Bartini làm việc tại Liên Xô cũ thiết kế. Người Nga gọi nó là Vertikal’ no-Vzletayuschaya Amphibia nghĩa là “Thủy phi cơ cất cánh thẳng đứng”. Phát minh này nhằm mục đích đối trọng với hạm đội tàu ngầm Polaris trang bị tên lửa của Hải quân Mỹ.

Ngay từ lúc bắt đầu triển khai, Bartini cùng các kỹ sư đã kỳ vọng không nhỏ vào một loại chuyên cơ mà ngoài khả năng bay đường dài với vận tốc lớn, thì còn có thể cất cánh từ mặt nước. Bên cạnh đó, nó còn phải di chuyển được trên nước nhằm mục tiêu săn ngầm.

img

Thiết kế VVA-14 số hiệu 19172.

Bartini đã phối hợp với Cục thiết kế Beriev của Liên Xô và đặt ra mục tiêu thiết kế 3 phiên bản riêng biệt theo từng giai đoạn cụ thể. Bản đầu tiên với số hiệu VVA-14M1 chủ yếu để kiểm thử công nghệ cũng như nghiên cứu nguyên lý khí động học, với cặp phao được bố trí ở hai đầu mút của cánh. Bản nâng cấp VVA-14M2 được bổ sung động cơ nâng phản lực để cất cánh thẳng đứng. Cuối cùng là VVA-14M3 được coi là bản hoàn chỉnh nhất. Ngoài khả năng cất, hạ cánh thẳng đứng, VVA-14M3 còn được tích hợp hệ thống tác chiếc chống ngầm ASW của Burevestnik, máy dò từ trường Bor-1 MAD và một số trang bị hiện đại khác.

Sau nhiều đợt thử nghiệm mô phỏng, nguyên mẫu cuối cùng của VVA-14 được giới thiệu tới công chúng vào năm 1972, và thực hiện cất cánh từ đường băng lần đầu tiên trong ngày 4.9. Cuộc thử nghiệm di chuyển và lướt trên mặt nước cũng được tiến hành. Tuy nhiên, ở đợt thử nghiệm này, VVA-14 gặp vấn đề với ống thủy lực.

img

VVA-14 chuẩn bị cho đợt cất cánh thử nghiệm lần đầu tiên, năm 1972.

Hai năm sau, VVA-14 lại tiếp tục được nâng cấp với việc thay thế và bổ sung nhiều phụ tùng hiện đại khác, mục đích là để vá lỗi, nâng công suất bay cũng như bắt kịp với công nghệ thời kỳ đó. Một trong số đó là cặp phao cứng gắn ở hai đầu mút của cánh được thay thế bằng phao cao su bơm khí, nhờ ưu điểm không bị biến dạng khi bay ở tốc độ cao trên không. Tiếc thay, những chiếc phao cao su này lại gặp giới hạn về vận tốc khi di chuyển trên nước. Cuối cùng, các kỹ sư phải quay trở lại với phao cứng như ban đầu. Đồng thời độ dài thân tàu và số lượng động cơ đẩy cũng tăng thêm.

img

VVA-14 có chiều dài gần 26 m, sải cánh 28,5 m, cao 6,79 m khi có trang bị phao. Các động cơ đẩy tuốc bin Solov’yov D-30M tạo ra lực đẩy 6.800 kg mỗi chiếc. Tải trọng cất cánh tối đa của nó là 52 tấn.

Sau nhiều lần cải tiến, ngày 11.6.1975, chuyến bay thử nghiệm được cất cánh thành công với nhiều thiết bị giám sát chuyên dụng, trong sự kinh ngạc của những người chứng kiến.

Tưởng chừng như tương lai VVA-14 đang rộng mở phía trước thì cuối năm 1974, kỹ sư người Ý Bartini đột ngột qua đời cho khiến dự án đình trệ, dù các mẫu thử nghiệm đã thực hiện 107 lần cất cánh với tổng thời gian bay đạt 103 giờ. Kẻ đầu tàu đã không còn, và Liên Xô lúc đó thì không có khả năng chế tạo được động cơ như công nghệ của người Ý. Khi Cục Thiết kế Beriev quyết định dành ưu tiên cho việc nghiên cứu phát triển các máy bay A-40, A-50 thì cũng là lúc đặt dấu chấm hết cho dự án VVA-14.

img

VVA-14 trở thành đống hoang phế tại Bảo tàng.

Chiếc VVA-14 đoản mệnh mang số hiệu 19172 được kéo về Bảo tàng phòng không không quân Liên Xô tại Monino. Tại đây, người ta trưng bày VVA-14 ngoài trời khiến nó ngày càng biến dạng do nắng mưa, và cuối cùng chỉ còn là đống hoang phế.

PV (genk.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem