Được xếp vào hàng ngũ "Những người "khổng lồ" của thế giới", những gì mà "nhà bác học điên" đại tài Nikola Tesla để lại khiến chúng ta phải nghiêng mình nể phục. Không chỉ có tài, Tesla còn là người có hoài bão rất lớn, ông luôn muốn những ý tưởng và phát minh của mình có thể giúp ích nhân loại. Một trong số hoài bão đó là phát minh ra siêu vũ khí có thể ngăn chặn mọi cuộc chiến tranh trên thế giới có tên “tia tử thần” Teleforce.
“Tia tử thần” là sản phẩm xuất hiện trong truyện tranh hay phim khoa học viễn tưởng. Chúng thường thuộc sở hữu của các nhân vật phản diện, chẳng hạn như nhà bác học điên cố gắng khống chế thế giới đòi tiền chuộc, đến phút cuối bị tiêu diệt bởi siêu anh hùng. Tuy nhiên, loại vũ khí dán mác viễn tưởng này bắt nguồn từ công trình của các nhà phát minh ngoài đời thực.
Nhà bác học điên" đại tài Nikola Tesla từng có ý tưởng phát minh ra "siêu vũ khí" có tên có tên “tia tử thần” Teleforce.
Lấy ví dụ, Ác-si-mét từng dùng gương để tạo ra tia tử thần phá hủy hạm đội tàu chiến La Mã trong cuộc vây hãm ở Syracuse. Đức Quốc Xã có kế hoạch chi tiết chế tạo tia tử thần quỹ đạo với tên gọi Sun Gun (Súng Mặt Trời). Tương tự tia tử thần Ác-si-mét, loại súng này biến Mặt Trời thành một công cụ chiến tranh.
Nhưng tiến gần nhất tới một mẫu tia tử thần thực sự trong lịch sử là nhà bác học thiên tài Nikola Tesla. Ông đã tuyên bố mình muốn thiết kế một loại vũ khí với tên gọi Teleforce, có thể phá hủy 10.000 máy bay và một triệu lính bộ binh trong tích tắc từ cách xa hàng trăm dặm, nhưng nhằm mục đích gìn giữ hòa bình, chứ không phải để trở thành một siêu vũ khí chiến tranh.
Siêu vũ khí của Tesla gồm 4 phần:
Thiết bị tạo chùm tia điện từ trong không khí.
Máy phát điện công suất cực đại
Bộ khuếch đại cho máy phát điện nói trên
Phương pháp tạo lực đẩy tĩnh điện mạnh
Bốn bộ phận này sẽ được bố trí trong các cơ sở chiến lược dọc biên giới và bờ biển Hoa Kỳ, và các phiên bản nhỏ hơn có thể được lắp đặt trên các chiến hạm. Tháp truyền tín hiệu Tesla, dùng để thu phát tín hiệu điện không dây. Siêu vũ khí Teleforce, nếu được chế tạo thành công, sẽ được lắp đặt trong một tòa tháp tương tự.
Chùm tia này không phải là chùm tia laze thông thường, mà là một chùm hạt vonfram cực nhỏ được bắn ra nhờ lực điện từ. Theo Tesla, lý do lựa chọn hạt vonfram là vì chúng ngăn chặn xu hướng phân tán của chùm điện từ theo thời gian, giúp hội tụ lâu hơn vào mục tiêu đích. Chùm tia này được ngắm bắn bằng kính viễn vọng, do đó trên lý thuyết có thể nhắm vào bất kỳ mục tiêu nào trong tầm quan sát. Một điểm độc đáo là vũ khí không gây tiếng động, và không để lại dấu vết sau khi tấn công.
Tesla cho rằng khoảng 200 trạm Teleforce lắp đặt quanh biên giới và bờ biển Hoa Kỳ sẽ tạo ra một lá chắn phòng thủ vững chắc. Ông tuyên bố vũ khí này có thể đốt cháy lớp thiết giáp gần như dày nhất, nung chảy động cơ thành xỉ, và tiêu hủy mọi vũ khí của quân địch tiềm tàng...
Tuy nhiên, mọi chuyện đã không thể trở thành sự thực. Hoài bão của Tesla đã không được như ông mong muốn khi mọi thuyết phục đầu tư vào siêu vũ khí này giữa Tesla và Neville Chamberlain (Thủ tướng Anh thời bấy giờ) đã không thành công. Nikola Tesla rất thất vọng và chán chường. Ông gửi bản thiết kế và số liệu kỹ thuật cho Mỹ, Pháp, Canada và Liên Xô những mong các nước đồng tình và tài trợ cho ý tưởng phát minh của mình. Thực tế là, các nước từ chối tài trợ.
Tesla qua đời năm 1943 tại New York, để lại đằng sau danh sách dài các bằng sáng chế và phát minh đã thay đổi toàn nhân loại. Ngay nay, giới khoa học đã nhận định đúng đắn về "tia tử thần" và gọi phát minh này là chùm tia hạt điện từ. Nhờ có chùm tia hạt điện từ, các nhà khoa học quân sự mới có cơ hội phát minh và khám phá sức mạnh của tia laser (laze), mặc dù những sáng chế hiện tại không có được uy lực khủng khiếp như Tesla đã miêu tả.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.