Theo ông Sơn, BHYT là loại hình bảo hiểm “lúc khỏe mua thẻ để tích lũy cho lúc ốm”, nhưng từ trước đến nay, đa số người dân Việt Nam đều “lựa chọn ngược”: Đợi đến lúc ốm hoặc ốm nặng mới đi mua thẻ BHYT. “Vừa bỏ vài trăm bạc đã tiêu tốn hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu chi phí khám chữa bệnh. Thử hỏi nếu ai cũng như vậy thì Quỹ BHYT lấy gì để chi trả?”- ông Sơn bức xúc.
Thanh toán viện phí tại bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Đ.D
Nói về những khó khăn của người dân khi phải bỏ hàng triệu đồng mua thẻ cho cả gia đình, ông Sơn giải thích: Nhà nước đã có các phương án để hỗ trợ gia đình nghèo, khó khăn, chia thành nhiều loại đối tượng để hỗ trợ tiền mua thẻ BHYT. Hiện có tới 13 nhóm đối tượng được cấp thẻ miễn phí như: trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, thân nhân người có công, cán bộ xã, phường nghỉ hưu… Ngoài ra còn có 3 nhóm đối tượng được hỗ trợ một phần như người cận nghèo được hỗ trợ 70% tiền mua thẻ, thậm chí nhiều tỉnh còn chi thêm ngân sách để hỗ trợ thêm 10-30% còn lại; hỗ trợ 50% cho đối tượng học sinh, sinh viên; nông, ngư, diêm dân có mức thu nhập trung bình cũng được hỗ trợ 30%... “Một gia đình sẽ có rất nhiều loại đối tượng đã được hỗ trợ, số người phải tự mua thẻ BHYT cũng không nhiều, nay lại còn được “chiết khấu” theo số lượng người mua, người thứ 2 chỉ phải trả 70% số tiền mua thẻ BHYT so với người thứ nhất, người thứ 3 còn 50%, thứ 4 còn 40%... ” – ông Sơn giải thích thêm.
Đối với những khó khăn về thủ tục hành chính khi hộ gia đình có người tạm vắng, không thống nhất được việc mua thẻ trong gia đình, ông Sơn cho biết, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ có hướng dẫn cụ thể hoặc có công văn yêu cầu sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.