Bật đèn câu mực đêm bằng mồi giả trên biển Quan Lạn

Thứ sáu, ngày 09/11/2018 13:35 PM (GMT+7)
Với những cư dân quen nhịp sống thị thành như chúng tôi, khi ra biển Quan Lạn (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh), đứng trước trời biển bao la chợt thấy khoan khoái lạ thường. Rồi không ai bảo ai, chúng tôi đều đưa ra ý kiến: Nhất định phải có một đêm không ngủ cùng ngư dân đi câu mực.
Bình luận 0

Ăn tối xong, sửa soạn hành trang đầy đủ, chúng tôi ra khơi từ cầu cảng Quan Lạn. Người đồng hành cùng chúng tôi trong chuyến đi này là vợ chồng chủ tàu Nguyễn Văn Hòa, ở thôn Bấc, xã Quan Lạn và anh Hoàng Mạnh Việt, giáo viên Trường THPT Quan Lạn.

img

Mọi người đều háo hức buông câu trên biển đêm.

Xã đảo Quan Lạn và xã đảo Minh Châu cùng nằm trên đảo Cảnh Cước thuộc tuyến đảo Vân Hải, vòng ôm lấy rìa phía Đông của Vịnh Bái Tử Long. Do nằm trong một ngư trường kín gió, nước sâu, ít lắng đọng nên vùng biển Quan Lạn, Vân Đồn ban tặng cho ngư dân nhiều loài hải sản phong phú về loài, số lượng.

Riêng về mực cũng có đủ loại: Mực mai, mực lá, mực ống, mực sim. Anh Hòa bảo với tôi rằng, mùa này đi câu mực ống. Con nào to có thể đem phơi để thành món mực khô ngon, nhưng nhiều nhất vẫn là những con nhỏ, bằng độ 3 đầu ngón tay chụm lại, đem luộc với quả tai chua hay xào giòn thì ngon hết ý.

Anh Hòa nhắc, nếu ai buồn ngủ thì tranh thủ chợp mắt vì tàu chạy chừng một tiếng đồng hồ mới ra được vị trí thả neo câu mực. Vậy nhưng chúng tôi không ai thấy buồn ngủ. Trời đêm trăng sáng vằng vặc. Chúng tôi cảm nhận rất rõ tiếng sóng vỗ vào 2 bên mạn tàu ngày một mạnh hơn, báo hiệu sắp ra đến ngư trường. Quả thật, trước mắt tôi cả một vùng ngư trường sáng lấp lánh hàng trăm ngọn đèn như thành phố nổi trên biển.

Chỗ chúng tôi dừng thuyền thả neo mang tên hòn Gạc, là điểm cuối cùng đánh dấu ranh giới hết phạm vi Vịnh Bái Tử Long. Ngoài kia là biển Đông. Người câu mực phải hiểu tập tính của mực, biết chỗ nào chúng hay đến ăn, tính toán hướng gió và cả thủy triều nữa để dừng thuyền câu.

Anh Hòa thả neo nhưng không cố định tàu đứng yên mà nới dây thả trôi từ từ theo con nước. Lúc này, anh nhường khoang lái lại cho vợ mình. Chị Huyền, vợ anh Hòa, thong thả cầm cần lái điều chỉnh tàu như thuyền trưởng thực thụ. Sau đó, anh Hòa ra phía mũi tàu để sửa soạn đồ nghề bắt đầu cho chúng tôi câu mực.

img

Những chú mực đầu tiên đã cắn câu.

Gọi là cần câu cho sang chứ thực ra nó chỉ là đoạn tre ngắn khoảng nửa mét có buộc dây cước màu trắng. Theo anh Hòa, đồ nghề câu mực đơn giản lắm, quan trọng là kỹ thuật câu thôi. Thậm chí anh Hòa, anh Việt đã thiện nghệ rồi thì chỉ một cuộn cước trong tay là câu được mực chứ không dùng đến cần.

Con tàu vẫn nổ máy để chạy hệ thống phát điện đủ làm những bóng đèn cao áp phát sáng. Các cụ bảo trời đêm tối đen như mực, loài mực phóng ra thứ đen đặc như màn đêm nhưng chúng lại ưa ánh sáng. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn trên tàu anh Hòa, từng đàn mực lao đến ăn mồi.

Thực ra gọi là mồi nhưng chỉ là mồi giả. Đó là một miếng nhựa hình dáng con tôm hay con bề bề cỡ nhỏ có lẫn thứ chất phát quang để luôn sáng dưới đáy nước. Xung quanh con mồi giả là những chiếc lưỡi câu đang chực chờ sẵn những con mực. Mực thấy con mồi sáng lao đến ăn mà đâu ngờ là con mồi giả.

Người câu thấy cần bị vít xuống thì cứ thế nương theo con mực một lát rồi bất ngờ kéo ngược lại, tức thì lưỡi câu sẽ đóng. Mực mắc phải cú lừa dưới đáy nước. Nhưng có những con mực sẵn sàng hy sinh chiếc râu nếu bị lưỡi câu mắc phải. Chúng quẫy mạnh tung túi mực ra làm hỏa mù rồi mất hút trong đáy nước đen kịt. Người thợ câu nhấc cần lên nhẹ bẫng và tiu nghỉu vì thứ mình nhận về chỉ là một chiếc râu mực bị đứt.

Vừa mắc mồi câu vào cần cho tôi anh Hòa vừa giải thích rằng chuyện câu được râu mực thì người mới câu hay gặp phải. Người đi câu có kinh nghiệm rồi thì sẽ không chờ mực lao đến mồi mà chủ động kéo mồi về phía đàn mực. Đàn mực lao đến nhanh và chúng chẳng đề phòng gì cứ thế bị mắc lừa. Khi ấy người câu ít khi bị mắc lưỡi vào râu mực.

Nói rồi, anh Hòa làm cho tôi xem ngay. Anh vung cần lên, mồi câu bay ra xa rồi anh từ từ kéo mồi về phía đàn mực đang bơi đến y như cách người ta đang câu cá quả nước ngọt. Nhưng mồi chạy về phía cá chứ không phải để cá đuổi theo mồi như câu cá quả.

Mực vào ăn mồi hơi trôi theo nước thủy triều và người câu cũng cần khéo léo nương theo dòng nước. Dưới làn nước trong vắt, tôi nhìn rõ chiếc mồi giả và con mực đang tiến lại gần với nhau. Đột nhiên một chú mực ống to bằng khoảng 3 ngón tay bị nhấc bỗng khỏi mặt nước.

img

Anh Hòa khoe một con mực vừa câu được bằng một cái mồi giả.

Đang hả hê thì bỗng nhiên mặt mũi chúng tôi bị thứ gì đó đen ngòm bắn vào. Gạt ra nhìn sang anh Hòa thì chẳng những mặt mũi mà cả áo quần đều lốm đốm những vết đen. Thì ra khi lên khỏi mặt nước, theo phản xạ tự nhiên con mực phóng túi mực ra mong thoát thân.

Chị Huyền nhanh tay giơ điện thoại lên chụp lại cảnh chúng tôi nhấc mực lên khỏi mặt nước. Rồi chị bảo rằng coi như cái giá phải trả đi; mà có như vậy mới cảm nhận được hết hương vị biển. Quả thực, nghe chị Huyền nói giờ tôi mới nhìn sang bộ quần áo của anh Hòa. Bộ quần áo cũ mèm, trong đêm đen người khác sẽ nhầm tưởng là có quá nhiều khối hoa văn loang lổ. Thực ra chúng chỉ có một màu đen của mực.

Anh Hòa nhìn tôi cười thông cảm. Còn anh Việt thì lắc đầu bảo lần sau mặc chiếc áo cũ, sẫm màu và có ý định không dùng nữa để đi câu thôi. Mỗi lần đi câu mực là phải hy sinh một chiếc áo. Bởi cái thứ nước mà con mực phóng ra không tài nào giặt cho sạch được.

img

Nhìn chị Hoà vớt mực câu được từ khoang tàu lên tuy không nhiều nhưng chúng tôi đều vui vẻ.

Dù được anh Hòa, anh Việt hướng dẫn kỹ càng nhưng chúng tôi cũng chỉ câu được vài con mực. Mực dưới khoang tàu chủ yếu do anh Hòa, anh Việt câu. Tính ra cũng được cỡ dăm bảy cân. Vào mùa mực, một chuyến đi câu anh Hòa thu về vài chục kg. Những con tàu sắt trang bị hiện đại một đêm thu về vài tạ mực.

Anh Hòa giải thích rằng, hôm nay thời tiết và thủy triều thay đổi, mực lên ăn ít. Thêm nữa, mùa câu mực ống ở Quan Lạn cũng đã vào giai đoạn cuối. Mực vào ăn mồi chủ yếu là những loại mực khác chứ mực ống cứ thưa dần.

“Chiến lợi phẩm” hôm nay được ít nhưng chẳng ai lấy đó làm buồn, bởi với chúng tôi, chỉ cần được trải nghiệm câu mực đêm đã là chuyến đi thú vị. Và có đi câu mực mới hiểu sự vất vả của những ngư dân bám biển mưu sinh. Anh Việt cười bảo, đi câu như anh chỉ là thú vui và cũng để cải thiện bữa ăn cho gia đình thôi, chứ nếu câu được như ngư dân thực thụ thì có lẽ anh em giáo viên đã bỏ nghề hết để đi câu mực rồi.

Chúng tôi vào đến bờ khi trời đang chuyển dần về sáng. Anh Hòa và anh Việt vớt mực từ khoang tàu để chuẩn bị cho bữa sáng. Quả thực chúng tôi chưa bao giờ được ăn thứ mực nào ngon như vậy. Phần vì mực rất tươi, phần vì đó là thứ tự tay chúng tôi câu được, trải nghiệm gần hết một đêm thao thức cùng trời biển. Biển Quan Lạn bao dung hiếu khách sẵn lòng đãi chúng tôi một món quà mặn mòi mà chắc hẳn chỉ một lần trải nghiệm, thưởng thức sẽ nhớ mãi không quên.

Huỳnh Đăng (Báo Quảng Ninh)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem