Ông chủ mới CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Hoành Sơn Group: Doanh thu nghìn tỷ, lợi nhuận èo uột
Bất ngờ tiềm lực tài chính của ông chủ mới CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Hoành Sơn Group
Quang Dân
Thứ ba, ngày 04/01/2022 07:00 AM (GMT+7)
Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn của ông Phạm Hoành Sơn, ông chủ mới CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, được biết đến là doanh nghiệp hàng đầu ở Hà Tĩnh. Tuy vậy, theo dữ liệu của Dân Việt, lợi nhuận của doanh nghiệp này lại không tương xứng với quy mô, doanh thu.
Ngày 29/12, lãnh đạo UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có buổi làm việc với đơn vị quản lý CLB Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh về định hướng phát triển của CLB. Tại buổi làm việc này, Công ty Cổ phần Bóng đá Hồng Lĩnh Hà Tĩnh đã ký kết chuyển nhượng CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh và bàn giao quyền điều hành, quản lý đội bóng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn.
Chủ sở hữu mới của CLB Hồng Lĩnh Hà Tĩnh - Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn (Hoành Sơn Group) là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu ở Hà Tĩnh.
Dữ liệu tại Cổng đăng ký thông tin Quốc gia về đăng ký doanh nghiệp cho biết, Hoành Sơn Group được thành lập ngày 19/1/2001, bởi doanh nhân Phạm Hoành Sơn (SN 1972).
Ngành nghề đăng ký chính Hoành Sơn Group là khai thác đá, cát, sỏi, đất sét (Chi tiết: Khai thác, kinh doanh vật liệu xây dựng ( cát, đất, đá, sỏi....)). Địa chỉ trụ sở chính tại Tổ dân phố Thuận Minh, Phường Đức Thuận, Thị xã Hồng Lĩnh, Tỉnh Hà Tĩnh.
Thời điểm tháng 7/2014, vốn điều lệ Hoành Sơn Group ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông bao gồm ông Phạm Hoành Sơn sở hữu 94%; bà Nguyễn Thị Hằng Nga sở hữu 4% và bà Phạm Ngọc Hà sở hữu 2% còn lại.
Đến tháng 6/2016, vốn điều lệ Hoành Sơn Group được nâng lên 2.500 tỷ đồng. Bà Phạm Ngọc Hà lúc này đã chuyển nhượng 1% số cổ phần mình nắm giữ cho ông Phạm Hoành Sơn, 1% cổ phần còn lại cho cổ đông góp vốn mới là ông Nguyễn Tiến Ngọc.
Như vậy, cơ cấu cổ đông Hoành Sơn Group lúc này có ông Phạm Hoành Sơn nắm giữ 95%; bà Nguyễn thị Hằng Nga nắm giữ 4% và ông Nguyễn Tiến Ngọc nắm giữ 1%.
Tuy nhiên, năm 2018, vốn điều lệ Hoành Sơn Group giảm về còn 1.000 tỷ đồng. Ông Nguyễn Tiến Ngọc chuyển nhượng số cổ phần của mình sở hữu sang cho bà Lưu Thị Duyên.
Tháng 9/2020, vốn điều lệ Hoành Sơn Group tăng lên mức 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch HĐQT là ông Phạm Hoành Sơn.
Trải qua 20 năm phát triển, Hoành Sơn Group đã trở thành một trong những tập đoàn đứng đầu về quy mô khu vực Miền Trung Việt Nam.
Dữ liệu Dân Việt cho thấy, Hoành Sơn Group hiện có 12 đơn vị thành viên, hoạt động trên các lĩnh vực như thương mại xi-măng, quặng; xây dựng và đầu tư; dịch vụ đường biển và khai thác tàu biển, các tuyến vận tải hàng hóa đường bộ từ các nước lân cận như Lào, Indonesia; sản xuất phân bón; điện mặt trời..
Tại Hà Tĩnh, Hoành Sơn Group là đơn vị triển khai nhiều dự án lớn, đáng kể là dự án cấp nước cho khu kinh tế Vũng Áng 4.415 tỷ đồng, cảng tổng hợp quốc tế Hoành Sơn 1.410 tỷ đồng, nhà máy Bia Hà Nội – Nghệ Tĩnh 1.200 tỷ đồng, nhà máy điện mặt trời Cẩm Hòa (Cẩm Xuyên) 1.458 tỷ đồng...
Ngoài ra, liên danh Hoành Sơn Group và Vận tải Viết Hải cũng là nhà thầu quen mặt của "Trung tâm Tư vấn và Dịch vụ Tài chính công Hà Tĩnh" khi liên tiếp trúng 2 gói thầu "Cung ứng xi măng thực hiện kế hoạch làm đường giao thông, rãnh thoát nước trên hệ thống đường giao thông, kênh mương nội đồng theo cơ chế xi măng năm 2019 và 2020 trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh".
Trong đó, tại gói thầu năm 2019, giá gói thầu là 123,4 tỷ đồng, liên danh nói trên đã trúng thầu với giá 120,1 tỷ đồng. Gói thầu năm 2020 có giá 80,8 tỷ đồng, liên danh Hoành Sơn - Viết Hải trúng thầu với giá 79,9 tỷ đồng.
Sở hữu mạng lưới đa ngành nghề, cũng như liên tiếp triển khai các dự án lớn, không quá bất ngờ khi doanh thu của Hoành Sơn Group (riêng lẻ) lên đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Song, trong 5 năm gần đây, doanh thu doanh nghiệp lại theo mô hình Zigzag, lên - xuống theo năm chẵn - lẻ.
Cụ thể, năm 2016 doanh thu Hoành Sơn Group đạt 2.391 tỷ đồng, xuống 1.741 tỷ đồng năm 2017; tăng lên 4.315 tỷ đồng năm 2018, giảm còn 3.758 tỷ đồng năm 2019 trước khi tăng vọt lên ngưỡng 6.294 tỷ đồng năm 2020.
Tuy doanh thu bán hàng thuộc hàng đầu của tỉnh Hà Tĩnh, song giá vốn bán hàng thường xuyên neo ở mức cao, bào mòn hết lãi gộp của Hoành Sơn Group.
Kết quả, lợi nhuận sau thuế hàng năm của Hoành Sơn Group chỉ còn vẹn vài chục tỷ đồng, không tương xứng với quy mô về tài sản cũng như vốn điều lệ của doanh nghiệp.
Theo đó, năm 2016, lãi sau thuế Hoành Sơn Group đạt 71,6 tỷ đồng, giảm còn 255,7 triệu đồng năm 2017; 13,3 tỷ đồng năm 2018, 13,2 tỷ đồng năm 2019 và 41,5 tỷ đồng năm 2020.
Như vậy, giai đoạn 2016 - 2020, Hoành Sơn Goup đưa về gần 18.500 tỷ đồng, song lợi nhuận trên sổ sách đưa về chỉ đạt gần 140 tỷ đồng. Điều này đặt ra câu hỏi về năng lực quản trị chi phí, hoặc doanh nghiệp đã chủ động trong quản lý chi phí đầu vào, chi phí hoạt động nhằm giảm gánh nặng thuế thu nhập?
Được biết, hồi tháng 8/2021, Chánh Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Kết luận số 23/KL-TT về việc kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật về: Doanh nghiệp, đất đai, đầu tư xây dựng; thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước và người lao động tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn. Theo đó đã chỉ ra và yêu cầu Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoành Sơn khắc phục một số tồn tại hạn chế đồng thời xử lý về kinh tế.
Trong đó, đối với công tác tài chính - kế toán, thực hiện nghĩa vụ thuế, Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh đã yêu cầu Hoành Sơn Group ghi nhận, phản ánh đầy đủ, kịp thời các khoản doanh thu, hạch toán chi phí, kê khai thuế GTGT đúng quy định, để có kết quả hoạt động SXKD năm chính xác; chứng từ kế toán bằng tiếng nước ngoài sử dụng để ghi sổ kế toán phải có bản dịch sang tiếng Việt.
Hằng quý, ước tính, tạm nộp thuế TNDN vào ngân sách theo quy định; thực hiện nộp kịp thời các khoản nợ đọng thuế.
Ngoài ra, yêu cầu Công ty nộp Ngân sách Nhà nước số tiền 1.261.483.567 đồng vào tài khoản tạm giữ của Thanh tra tỉnh tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Hà Tĩnh, thời gian thực hiện trước ngày 15/9/2021.
Đi kèm với sự tăng trưởng của doanh thu, tổng tài sản Hoành Sơn Group cũng "lớn nhanh" như thổi. Năm 2016, tổng doanh tài sản tập đoàn là 3.208 tỷ đồng, đến cuối năm 2020 chỉ số này đã đạt mốc 8.771 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu giữ ở ngưỡng trên 1.000 tỷ đồng trong giai đoạn này.
Tuy nhiên, đáng chú ý khi danh mục nợ phải trả Hoành Sơn Group cũng nhanh chóng "phình to" từ ngưỡng 2.194 tỷ đồng (năm 2016) lên 7.610 tỷ đồng (năm 2020). Hệ số nợ phải trở/vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái là 6,5 lần.
Được biết, ngoài các dự án ở Hà Tĩnh, Hoành Sơn cùng với đối tác Công ty TNHH Sao Vàng đã triển khai xây dựng dự án tổ hợp thương mại và nhà ở Sao Vàng - Hoành Sơn trên khu đất 6,2ha tại số 231 Nguyễn Trãi, Hà Nội. Hiện Hoành Sơn Group sở hữu 24,54% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng và ông Phạm Hoành Sơn cũng là Chủ tịch HĐQT của Công ty Cổ phần Cao su Sao Vàng.
Mối lương duyên giữa Hoành Sơn Group và Sao Vàng, cũng như bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp hạt nhân lõi trong hệ sinh thái Hoành Sơn Group sẽ được Dân Việt hé mở trong bài tiếp theo.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.