Tiền lẻ, tiền mới vẫn đắt khách
Tại buổi họp báo của NHNN về chủ trương cung ứng tiền lẻ, tiền mới dịp Tết Bính Thân 2016, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Đây là năm thứ 4 NHNN không in thêm tiền lẻ, tiền mới mệnh giá thấp vào dịp Tết. Các chi phí tiết kiệm được từ không in tiền lẻ cụ thể như sau: riêng năm 2013 chủ trương không in tiền mệnh giá 500 đồng giúp tiết kiệm 95 tỷ đồng; năm 2014 không in tiền mới mệnh giá dưới 2.000 đồng tiết kiệm hơn 340 tỷ đồng. Năm 2015 không in tiền mới mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm 580 tỷ đồng. Năm 2016 không in tiền mệnh giá dưới 5.000 đồng tiết kiệm 416 tỷ đồng
Rõ ràng việc NHNN không in thêm tiền lẻ mỗi dịpTết đã không còn mới mẻ. Tuy nhiên, do nhu cầu của người dân vẫn còn nên những cơ sở đổi tiền chợ đen, môi giới đổi tiền trên mạng vẫn còn đất “diễn”.
Chị Thu Hương, nhân viên một NHTM tại Hà Nội cho biết: “Năm nào đến dịp cuối năm nhân viên bọn em cũng ngập trong điện thoại nhờ đổi tiền lẻ, tiền mới của những bạn bè, người quen. Nên cũng phải áng chừng một khoản để dành. Bao nhiêu nhân viên là từng ấy mối quan hệ, nên khó có thể vô tư đổi cho khách hàng vãng lai”.
Trong khi đó, chị Hoài Thu, thủ quỹ của một cơ quan Nhà nước cho biết: Gần chục năm nay năm nào cũng cứ đến dịp Tết là chị lại “bị” anh chị em trong cơ quan nhờ vả vụ đổi tiền. Nhưng năm nay số lượng và nhu cầu chắc sẽ hạn chế bởi thông tin từ người quen của chị ở NH cho biết cũng không dồi dào tiền mới.
Tiền mệnh giá càng bé chi phí đổi càng cao
Theo ghi nhận của PV Danviet, phí đổi tiền mới cho Tết Nguyên đán 2016 đắt nhất ở mệnh giá 500 đồng, với chi phí dao động 70-100%. Tiền 10.000 đồng và 50.000 đồng không có sẵn, khách sẽ phải chờ tới cận Tết mới có.
Anh Quang một chủ cửa hàng tại phố Hà Trung cho biết, mấy năm trước từ trước tết cả tháng khách đến đổi tiền các mệnh giá tiếp không hết. Năm nay, do việc tăng cường kiểm tra của các cơ quan nhà nước cũng như việc khan hiếm tiền mới nên giá bị đội giá lên cao. Khách chủ yếu muốn đổi mệnh giá từ 10.000 đến 100.000 đồng với nhu cầu này, chi phí chênh lệch từ 10 đến 20%. Trong đó, với loại mệnh giá 10.000 đồng khách hàng phải trả 1.200.000 cho 1 triệu tiền mới, và 5.100.000 cho 5 triệu loại mệnh giá 50.000 và số lượng không hạn chế từ vài chục triệu đến vài trăm triệu đồng. Năm nay riêng tiền 10.000 đồng và 20.000 đồng mới in năm 2016, chênh lệch khi đổi có thể lên đến 25% - 30%. Riêng với tiền USD khách hàng phải trả phí khoảng 18% đến 30% cho tiền mệnh giá 1USD hoặc 2 USD.
Mặc dù, đại diện lãnh đạo NHNN cho biết người dân có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mệnh giá thấp khi đến Ngân hàng đều được đáp ứng. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết NH sẽ tiếp tục chủ trương sử dụng tiền mệnh giá nhỏ một cách hợp lý, tiết kiệm. Căn cứ vào lượng tiền đã qua sử dụng đang bảo quản tại kho sẽ chuyển cho các đơn vị để chi ra lưu thông, bảo đảm nhu cầu tiền mặt vào dịp Tết. NHNN cũng yêu cầu các chi nhánh tỉnh, TP và các NH thương mại tiếp tục thực hiện nghiêm việc đáp ứng nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ, không đưa vào lưu thông các loại tiền mới in mệnh giá từ 5.000 đồng trở xuống nếu còn tồn kho, chỉ chi các loại tiền đã qua lưu thông để đáp ứng nhu cầu thanh toán của người dân.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu, việc đổi tiền lẻ của người dân tại NHTM dịp cuối năm khá khó khăn. Hầu hết khách hàng có nhu cầu đổi tiền lẻ, tiền mới đều bị từ chối nếu không phải là mối quen biết với nhân viên giao dịch. Các lý do thường được ngân hàng đưa ra là đang “hết tiền lẻ”.
Không đổi tiền lẻ trực tiếp từ ngân hàng, người dân có nhu cầu buộc phải tìm cách đổi tiền lẻ, tiền mới từ nhiều nguồn và đây là cơ hội cho những môi giới đổi tiền có đất sống và chi phí tăng cao khó kiểm soát và không ai dám chắc được chi phí sẽ không “bát nháo” những ngày sát Tết.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.