Bất ổn chính trị ở Hong Kong: 6 điều cần biết

Bình Nguyên (Theo Straitstimes) Thứ hai, ngày 29/09/2014 19:30 PM (GMT+7)
Hong Kong đang rơi vào một trong những khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất trong lịch sử kể từ ngày chuyển giao về với Trung Quốc năm 1997, thậm chí còn là cơn "ác mộng" với Bắc Kinh.
Bình luận 0

1. Mối quan hệ giữa Hong Kong và Trung Quốc

Hong Kong vốn là thuộc địa của Anh được trao trả về cho Trung Quốc vào ngày 1.7.1997. Sau đó, Bắc Kinh đã áp dụng chính sách "một nhà nước, hai chế độ" với đặc khu này. Đây là sáng kiến của cựu Chủ tịch Trung Quốc Đặng Tiểu Bình khi tiếp quản Hong Kong để tránh những xáo trộn quá lớn trong đời sống chính trị của người dân ở đây.

img

Người dân Hong Kong xuống đường biểu tình tháng 7.2014

Hong Kong gần giống với một khu tự trị của Trung Quốc, nhưng độc lập hơn. Vì vậy, Hong Kong có "quốc kỳ, hiến pháp" và đồng tiền riêng, nhưng không có Chính phủ riêng.

Người đứng đầu chính quyền Hong Kong gọi là trưởng đặc khu hành chính (hoặc Thống đốc), được bầu lên bởi 1.200 thành viên của Ủy ban bầu cử. Tuy nhiên, đa phần các ủy viên của ủy ban này đều là những nhân sĩ thân với Bắc Kinh.

2. Những thay đổi?

Ngày 31.8, Ủy ban thường vụ Đại biểu Nhân dân Trung Quốc thông qua quyết định quan trọng về việc bầu cử Hội đồng lập pháp và bầu cử Người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong. Theo đó, việc bầu cử người đứng đầu đặc khu hành chính Hong Kong sẽ tiến hành theo hình thức phổ thông đầu phiếu, phải thành lập một Ủy ban đề cử có tính đại biểu rộng rãi.

Ủy ban này căn cứ vào các trình tự dân chủ để chọn ra từ 2 đến 3 ứng cử viên cho vị trí trưởng đặc khu hành chính Hong Kong với điều kiện phải nhận được trên 50% sự ủng hộ của Ủy viên ban đề cử. Sau đó, ứng viên trúng cử phải được chính phủ Trung Quốc bổ nhiệm.

img
Học sinh cấp 2 Hong Kong bãi khóa để biểu tình ủng hộ phong trào đấu tranh đòi tiến hành bầu cử thực sự dân chủ.
 

Trước đó, khi tiếp quản lại Hong Kong từ tay thực dân Anh, chính quyền trung ương Trung Quốc từng cam kết người Hong Kong sẽ được tự bầu trực tiếp lãnh đạo vào năm 2017, nên quyết định nói trên đã tạo nên một làn sóng phản đối mạnh mẽ với các nhóm ủng hộ dân chủ ở Hương Cảng.

Không chỉ người dân Hong Kong phản đối quyết định trên của Trung Quốc mà Anh, Mỹ cũng thúc giục Bắc Kinh thực thi “dân chủ thực chất” tại Hong Kong. Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc cũng có kế hoạch đưa vấn đề quyền bầu cử ở Hong Kong vào chương trình nghị sự trong một cuộc họp ngày 23.10 tới.

3. Phe ủng hộ dân chủ nói gì?

Các nhà hoạt động dân chủ đại diện tại Hong Kong là nhóm Occupy Central cho rằng, Bắc Kinh đang cố sử dụng ủy ban đề cử để "thanh lọc" các ứng cử viên không phù hợp. Hồi tháng 7, tổ chức này biểu tình rầm rộ ở Hong Kong, thu hút hàng trăm ngàn người tham gia.

 

img

Cảnh sát phải dùng hơi cay và đạn khói để giải tán đám đông biểu tình hôm 28.9

Trước đó, từ 20.6 đến 29.6, nhóm này từng tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về những cải cách mới trong bầu cử ở Hong Kong. Theo đó, các cử tri tham gia vào cuộc trưng cầu dân ý này bỏ phiếu chọn ra 3 ứng cử viên cho cuộc tranh cử năm 2017 và các ứng cử viên này đều phải được do dân bầu lên. Tổng cộng có khoảng 792.808 cử tri tham gia vào cuộc trưng cầu này.

Sáng 28.9, nhóm Occupy Central (OC) bất ngờ tuyên bố bắt đầu phong tỏa Trung Hoàn, “trái tim” của đặc khu hành chính này, để phản đối quyết định của chính quyền Bắc Kinh giới hạn ứng viên tranh cử chức trưởng đặc khu vào năm 2017.

Ban đầu, OC dự tính tiến hành chiến dịch này vào ngày 1.10, Quốc khánh Trung Quốc nhưng quyết định đẩy sớm hơn để bắt nhịp với các cuộc bãi khóa, biểu tình rầm rộ của sinh viên, học sinh Hong Kong suốt một tuần qua. Các nhà tổ chức ước tính khoảng 80.000 người đã xuống đường

4. Bắc Kinh phản ứng ra sao?

Chính quyền trung ương Trung Quốc kiên quyết bảo vệ quyết định của họ về quy trình bầu cử  ở Hong Kong. Phó chủ tịch Ủy ban thường vụ Quốc hội Trung Quốc Lý Phi cho biết, các nguyên tắc đề cử ứng viên này sẽ bảo vệ sự ổn định cho Hong Kong trong hiện tại và cả tương lai. Bắc Kinh trước đó đã lên án các cuộc biểu tình và gọi các hành động kêu gọi xuống đường của nhóm Occupy Central là một "trò hề".

img

Hơn 80.000 người Hong Kong xuống đường phản đối quyết định cải cách bầu cử của chính quyền trung ương.

Đặc khu Hong Kong có một quyền tự chủ cao không có nghĩa là có toàn quyền tự chủ và chính quyền địa phương vẫn có toàn quyền quyết định toàn diện với các vấn đề của Hong Kong. 

Phản ứng trước cuộc biểu tình lịch sử hôm 28.9, chính phủ Trung Quốc cho biết, họ vẫn tin tưởng vào các nhà chức trách Hong Kong có thể xử lý các cuộc biểu tình, phù hợp với pháp luật.

Trích dẫn một phát ngôn viên của Hội đồng Nhà nước Trung Quốc về các vấn đề Hong Kong và Macau, báo cáo Tân Hoa xã cho biết, Bắc Kinh "kiên quyết phản đối các hoạt động bất hợp pháp có thể làm suy yếu luật pháp và gây nguy hiểm cho "sự yên bình của xã hội".

Trước phản ứng của các nước trên thế giới, Trung Quốc tuyên bố “cải cách bầu cử” ở Hong Kong là vấn đề nội bộ  và nước này “không dung thứ” cho bất kỳ hành động can thiệp nào từ bên ngoài.  

5. Chính quyền Hong Kong nói gì?

Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, ông Lương Chấn Anh phát biểu với báo giới rằng, chính quyền Hong Kong kiên quyết phản đối các cuộc biểu tình "bất hợp pháp" và các cuộc bầu cử sẽ diễn ra theo kế hoạch. Ông Lương cho biết, chính quyền Hong Kong đang "chăm chú lắng nghe các thành viên của công chúng", các hành động "kiên quyết" sẽ được thực thi để ngăn chặn  việc "biểu tình bất hợp pháp".

img
Ông Lương Chấn Anh, Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong.
 

Ông Lương cũng cho hay, Hong Kong đồng thuận với các quan điểm mà chính quyền trung ương đưa ra trong Sách Trắng hồi tháng 7 và Hong Kong "đang được hưởng lợi từ mô hình một nhà nước hai chế độ".

6 - Bất ổn chính trị - Nhóm thân Bắc Kinh nói gì?

Những nhóm thân Bắc Kinh chẳng hạn như Silent Majority hay Caring Hong Kong Power lớn tiếng chỉ trích nhóm thân dân chủ rằng "đang gây họa" cho thành phố. Những nhóm này cho rằng, nếu tiếp tục đối đầu với Bắc Kinh chỉ làm hại đến danh tiếng và nền kinh tế của Hong Kong và mối quan hệ với Trung Quốc.

Vì vậy, họ cũng tổ chức nhiều cuộc biểu tình chống lại phong trào ủng hộ dân chủ với sự kiện lớn nhất diễn ra vào ngày 17.8 với sự tham giacủa hàng nghìn người. Một cuộc biểu tình ủng hộ chính phủ với quy mô lớn là điều rất hiếm xảy ra ở Hong Kong.

Lãnh đạo doanh nghiệp hay những người thích sự ổn định ở Hong Kong, cũng lên tiếng phản đối các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ. Một số doanh nghiệp còn đưa ra những quảng cáo trên các phương tiện truyền thông địa phương, rằng Hong Kong là một trung tâm thương mại quốc tế có nguy cơ nên Chiếm Trung ương Phong trào đi trước với sự tiếp quản của nó.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem