Một buổi sáng đẹp trời, vừa tập thể dục về, con gái tôi bảo Giáo sư Vũ Trọng Khánh nhắn bố “tẩy trần” đi rồi xuống nhà cụ chơi. Xuống nhà cụ ngồi chưa nóng chỗ, cụ đã hỏi tôi ngay : “Cái lễ kỷ niệm Bạch Đằng Giang (BĐG) vừa rồi, nhà báo thấy có gì bất ổn không?
Tra lại sử cũ, trận BĐG của Ngô Quyền xảy ra năm 938, trận BĐG của Lê Hoàn xảy ra năm 981, trận BĐG của Trần Quốc Tuấn xảy ra năm 1288. Nhưng lễ kỷ niệm chiến thắng BĐG ở Quảng Ninh lại lấy mốc nhằm vào năm 1288 chứ không phải là năm khởi đầu 938. Quả là có gì đấy bất ổn.
Trận BĐG lần thứ nhất của Ngô Quyền là một trận quyết chiến khai mở ra nền độc lập cho Đại Việt sau hàng ngàn năm bị đô hộ của phương Bắc. Còn chiến thắng BĐG lần thứ 2 của Lê Hoàn và lần thứ 3 của Trần Quốc Tuấn chỉ là gìn giữ nền độc lập tự chủ của dân tộc mà Ngô Quyền đã là người khai mở. Ý nghĩa của hành động khai sinh, khai mở và ý nghĩa của hành động nuôi dưỡng, duy trì, cái nào lớn hơn?
Thứ nữa, Ngô Quyền mới là người sáng tạo ra thế trận BĐG, còn Trần Quốc Tuấn chỉ là người kế thừa phát huy thế trận ấy một cách sáng tạo hơn ở thời đại của nhà Trần. Vậy thì, theo logic phát triển, công của người khai sáng và công của người duy trì sự khai sáng kia, công ai lớn hơn?
Người viết bài này cứ lẩn thẩn mà trộm nghĩ rằng, tỷ như năm 938, Ngô Quyền không phá nổi giặc Nam Hán bằng cái trận BĐG lịch sử ấy, thì còn đâu đến lượt Lê Hoàn noi theo mà đánh Tống, rồi Trần Quốc Tuấn noi theo mà đánh Nguyên Mông cũng bằng cái thế trận BĐG đầy hiểm hóc.
Chúng ta trân trọng lịch sử, chúng ta đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng BĐG. Đó là việc làm tối cần thiết, mang ý nghĩa đạo đức, nhân văn, uống nước nhớ nguồn và mang ý nghĩa giáo dục truyền thống cho cả hôm nay và mai sau.
Tuy nhiên, không hiểu có sự nhầm lẫn nào đó mà sự kiện và nhân vật lịch sử được lựa chọn cho đại lễ kỷ niệm chiến thắng BĐG lại không phải là trận BĐG của Ngô Quyền mà lại là trận BĐG của Trần Quốc Tuấn? Đó là câu hỏi dành cho các nhà sử học nước nhà!
Minh Tâm
Vui lòng nhập nội dung bình luận.