Nhiều dịch vụ y tế còn bị hạn chế
Nhiều năm nay, chị Nguyễn Thị Lý (Thanh Xuân, Hà Nội) ngoài mua thẻ BHYT đều mua thêm gói bảo hiểm sức khỏe trị giá hơn 100 triệu đồng cho các thành viên trong gia đình. Chị cho biết, nhà chị có 3 con nhỏ và bố mẹ già đều hay phải đi viện. Có thẻ BHYT, chị đỡ được nhiều tiền viện phí, nhưng khi muốn dùng thuốc tốt hơn, muốn nằm phòng bệnh dịch vụ đều phải trả chi phí cao. Do đó, chị mua thêm gói bảo hiểm sức khỏe của một hãng bảo hiểm thương mại cho mọi người. Khi ốm đau, bảo hiểm sức khỏe không chỉ hỗ trợ viện phí, đến cả khi tái khám cũng không lo.
“Mấy năm trước, chồng tôi phát hiện bị virus viêm gan C phải điều trị. Các thuốc viêm gan C rất đắt đỏ, tính ra hơn 100 triệu đồng, nhưng các thuốc này hầu hết không nằm trong danh mục thuốc do BHYT chi trả. Chưa kể còn nhiều xét nghiệm, chiếu chụp đắt đỏ khác. Rất may mà có bảo hiểm sức khỏe “bao” hết”- chị Lý nói.
Chị Lý cho biết, nếu có gói BHYT quyền lợi cao, dù nhiều tiền chị cũng sẽ mua ngay.
Bảo hiểm sức khỏe thương mại sẽ giúp bệnh nhân thanh toán nốt 20% đồng chi trả của BHYT hoặc cung cấp dịch vụ y tế cao hơn. (ảnh: Diệu Linh)
Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ BHYT (Bộ Y tế) hiện nay tỷ lệ tham gia BHYT của người dân Việt Nam đã đạt mốc hơn 89%. Tuy nhiên, vẫn còn hơn 10% dân số (tương đương 10 triệu người) chưa tham gia BHYT.
Theo ông Khảm, BHYT là “lối thoát” của nhiều người dân, đặc biệt người nghèo, người kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, theo nhiều nghiên cứu, tiền túi mà người dân bỏ ra vẫn khá cao. Nguyên nhân là do tiền đóng BHYT ở Việt Nam còn khá thấp (mệnh giá hiện tại là 804.600 đồng/thẻ/năm) nên mức hưởng bị hạn chế khá nhiều. Nhiều dịch vụ khám chữa bệnh, nhiều loại thuốc điều trị viêm gan C, thuốc điều trị ung thư thế hệ mới hay các dịch vụ khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc, dịch vụ y tế dự phòng; sử dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản; điều trị tật khúc xạ, sử dụng kính mắt, răng giả… đang nằm ngoài danh mục chi trả của Quỹ BHYT.
Đó là chưa kể, người có thẻ BHYT vẫn đang phải thực hiện cùng chi trả: 5%, 20% tổng chi; chi trả cho khám chữa bệnh trái tuyến tuyến bệnh viện tỉnh, bệnh viện trung ương (40-60% nếu khám bệnh vượt tuyến); chi phí phải cùng chi trả đối với một số loại thuốc, vật tư y tế; phần chi phí chênh lệch khi khám chữa bệnh theo yêu cầu.
6,2% số người bệnh phải vay mượn
TS Nguyễn Thị Lan Hương (Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam) cho biết, mặc dù hộ nghèo, hộ cận nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ chi phí mua BHYT, chi trả 100% viện phí, tuy nhiên, họ vẫn phải trả khoản tiền chi từ tiền túi tương đối lớn cho các dịch vụ y tế, kể cả điều trị nội trú, ngoại trú hay “tự chữa”. Tình trạng vay mượn để chi trả khám chữa bệnh của những người được khảo sát là 6,2%, thấp hơn năm 2017 (7,9%), tuy nhiên đó vẫn là khoản kinh tế lớn khiến nhiều người không chi trả được. Khoảng 16% người được hỏi cho biết số tiền mà họ phải chi trả từ tiền túi khi đi khám chữa bệnh là nhiều và rất nhiều. |
Theo nghiên cứu Chỉ số hài lòng người bệnh (PSI) Việt Nam 2018 được Mạng lưới Sáng kiến Việt Nam thực hiện, vừa công bố, nhiều bệnh nhân cho biết, dù đã có thẻ BHYT, thuộc nhóm đối tượng được BHYT chi trả 100% viện phí nhưng mỗi lần đi điều trị vẫn phải chi trả 1,1-1,5 triệu mỗi ngày tiền thuốc hoặc tiền ăn uống. Theo bệnh nhân, mỗi đợt điều trị 3-4 ngày, mỗi tháng 3 lần, tổng cộng tốn hơn 10 triệu cả tháng. Nếu thi thoảng ốm một lần còn kham được, nếu điều trị dài, thường xuyên thì gia đình sẽ không cáng đáng được.
Ông Khảm cũng cho biết, vài năm gần đây, viện phí tăng, số lượt khám chữa bệnh tăng dẫn đến chi phí khám chữa bệnh tăng nhanh trong khi mức đóng BHYT tăng chậm. Điều này khiến cho Quỹ BHYT khó cân đối thu chi khi “chi nhiều thu ít”. Hiện tại, do kết dư quỹ các năm trước còn đủ chi, nhưng nếu không chi dè sẻn thì Quỹ BHYT có thể thâm hụt. Vì vậy, việc mở rộng thêm quyền lợi cho người bệnh là rất khó khăn.
Đa dạng hóa gói BHYT
Mới đây, cử tri tỉnh Vĩnh Long kiến nghị cơ quan chức năng nghiên cứu đưa ra nhiều mệnh giá BHYT để người dân lựa chọn và không nên tăng giá BHYT liên tục như hiện nay mà chỉ cần tăng phí khám chữa bệnh sẽ phù hợp hơn, đồng thời bổ sung danh mục thuốc khám, chữa bệnh BHYT vì thực tế các danh mục thuốc không đảm bảo điều trị được đối với các loại bệnh nặng, hiểm nghèo.
Về điều này, đại diện Bộ Y tế cho biết, trên thực tế, mức đóng BHYT hiện nay đang áp dụng bằng 4,5% mức lương hoặc mức lương cơ sở. Mức đóng này đã áp dụng từ 10 năm nay và không có thay đổi, mặc dù theo Luật BHYT thì mức đóng BHYT tối đa bằng 6% mức lương hoặc mức lương cơ sở.
Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cao hơn của một số người dân, hiện Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam nghiên cứu để thực hiện nội dung “Đa dạng các gói BHYT. Tăng cường liên kết, hợp tác giữa BHYT xã hội với BHYT thương mại”.
Ông Đào Việt Anh – Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng nhận định, theo đánh giá của nhiều tổ chức quốc tế, Việt Nam là một trong những quốc gia có chính sách BHYT tốt nhất thế giới. Nhiều bệnh nhân được chi trả hàng tỷ đồng...
Tuy nhiên, hiện nay vẫn có nhiều người có điều kiện kinh tế mong muốn có gói khám chữa bệnh với chất lượng cao hơn, nên bên cạnh việc tiếp tục phát triển BHYT xã hội cơ bản (để đảm bảo nhu cầu khám chữa bệnh cơ bản, thiết yếu cho mọi người dân và “gói dịch vụ y tế cơ bản do Quỹ BHYT chi trả” như quy định của Luật BHYT), Việt Nam cần phát triển BHYT bổ sung (cho những người có nhu cầu muốn hưởng cao hơn, chữa bệnh theo nhu cầu, tự chọn thầy thuốc...).
Ông Khảm cũng nhấn mạnh, đây sẽ là một lĩnh vực mới mà các bộ gồm Bộ Y tế, Bộ Tài chính, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và các tổ chức y tế liên quan phải nghiên cứu, bàn thảo về cách thức triển khai và đặc biệt là sự tham gia của doanh nghiệp BHYT thương mại. Điều quan trọng là phải kiểm soát chất lượng BHYT thương mại. “Ngành y tế phải giữ vai trò trong kiểm soát chất lượng dịch vụ y tế trong gói BHYT thương mại, để làm sao dù các kênh tài chính khác nhau nhưng khi sử dụng phải đạt hiệu quả, không bị trùng lặp và phải minh bạch thông tin” – ông khảm cho biết.
Theo ông Khảm: “BHYT thương mại khá phổ biến trên thế giới. Tại Australia, BHYT chi trả 75-80% chi phí khám chữa bệnh của người dân, nên các tổ chức thương mại tham gia vào lĩnh vực bảo hiểm này cung cấp các gói y tế bổ sung với 20% chi phí còn lại”...
Bảo hiểm thương mại có giá trị lớn
“Thị trường bảo hiểm có 64 doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực bảo hiểm. Năm 2018, cả nước có khoảng 33 triệu lượt người tham gia bảo hiểm sức khỏe, như bảo hiểm học sinh, bảo hiểm tai nạn hành khách, bảo hiểm bệnh ung thư, bảo hiểm bệnh hiểm nghèo... Bảo hiểm thương mại là loại hình bảo hiểm cho trường hợp người được bảo hiểm bị thương tật, tai nạn, ốm đau hoặc chăm sóc sức khỏe. Loại hình bảo hiểm này bao gồm nhiều sản phẩm bảo hiểm với quyền lợi bảo hiểm đa dạng thuộc các nghiệp vụ bảo hiểm: Tai nạn con người, BHYT và chăm sóc sức khoẻ. Một phần quyền lợi bảo hiểm của loại hình bảo hiểm này là chi trả chi phí y tế cho người tham gia bảo hiểm, tương tự BHYT.
Có thể nhận thấy, bảo hiểm thương mại đã góp phần không nhỏ trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân; giúp người dân giảm gánh nặng chi phí y tế; giúp tối ưu hóa hiệu quả cung cấp dịch vụ y tế nhằm đáp ứng nhu cầu cá nhân trong xã hội. Người dân được tiếp cận nhiều quyền lợi chăm sóc y tế ngoài quyền lợi BHYT cơ bản...”.
Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.