Bất thường giống lúa lạ 30 ngày đã... trổ đòng

Hồng Cẩm-Huỳnh Xây Thứ bảy, ngày 11/06/2016 13:30 PM (GMT+7)
Cho rằng mua phải giống lúa kém chất lượng khiến lúa trổ sớm, năng suất thấp..., một nông dân ở Kiên Giang đã phản ánh đến Báo NTNN/Dân Việt và đề nghị giúp đỡ. Phóng viên NTNN/Dân Việt đã vào cuộc tìm hiểu.
Bình luận 0

Giống lúa lạ trồng 30 ngày đã trổ đòng

Lão nông Phan Vũ An (Sáu Dúi), ngụ ấp Tân Điền, xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, tỉnh Kiên Giang phản ánh với Báo NTNN: Ông được cung cấp giống lúa lạ, kém chất lượng dẫn đến năng suất thấp, khiến ông ôm nợ gần 400 triệu đồng.

Ông Sáu Dúi cho hay, năm 2013, ông bắt đầu liên kết sản xuất và tiêu thụ lúa hàng hóa với Công ty TNHH Trung An (địa chỉ số 649A, Quốc lộ 91, phường Trung Kiên, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) để sản xuất lúa Nhật. Đến vụ đông xuân 2015, giữa 2 bên tiếp tục ký hợp đồng, phía công ty cung cấp toàn bộ giống, phân bón để sản xuất 50ha.

Ông Trần Phước Nam- Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Trung An là người đứng ra trực tiếp giao dịch với ông Sáu Dúi. Vụ lúa đó công ty cung ứng cho ông Sáu Dúi 9,5 tấn lúa giống Nhật (gồm 500kg giống Shihi và 9 tấn New Variety). Giống lúa này được ông Nam giới thiệu là giống lúa mới nhân ra, năng suất 900kg lúa/công tầm cắt,  3 tháng sẽ thu hoạch. Sau đó Công ty Trung An đưa kỹ sư xuống hướng dẫn kỹ thuật cho ông Sáu Dúi sản xuất. Tổng chi phí tiền lúa giống, phân thuốc công ty cung ứng trên 371 triệu đồng.

img

Ông Sáu Dúi trình bày vụ việc với phóng viên Báo NTNN/Dân Việt. Ảnh:  H.C

 “Lúa gieo sạ được 30 ngày thì đã trổ đòng. Quá bất ngờ vì lúa trổ sớm, tôi liền báo cho công ty và ông Nam cùng kỹ sư đã có xuống thăm lúa lấy mẫu vài lần rồi về mà không nói gì. Đến 70 ngày thì lúa chín, cây lúa cao tầm một gang tay, mỗi bông cao nhất có 7-9 hạt lúa. Đến 75 ngày thì tôi thu hoạch lúa được 2,4 tấn/50ha” - ông Sáu Dúi phản ánh.

"Vụ lúa đông xuân 2015, không riêng gì ông Sáu Dúi mà có đến 15 hộ dân khác trên địa bàn xã Hòa Điền, với diện tích trên 200ha khi sử dụng giống lúa đó (giống New Variety) gieo sạ đều bị thất thê thảm”. 

Ông Nguyễn Hữu Tín- Chủ tịch UBND xã Hòa Điền

Vẫn theo ông Sáu Dúi, trồng lúa hàng chục năm nay, ông chưa thấy vụ nào lại thất bát thê thảm như vụ này, khi thu hoạch công ty có mua nhưng chê lúa dơ nên chỉ cân được phân nửa, số còn lại ông phải bán  ra bên ngoài. Trong khi, cùng trên một diện tích đất sản xuất, mỗi mùa vụ ông thu hoạch lúa bán được trên 1,6 tỷ đồng. Còn vụ lúa năm 2015, ông lỗ trên 1 tỷ đồng, dẫn đến nợ công ty tiền giống, phân thuốc, tiền thuê đất, cày xới...

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên NTNN, ông Nguyễn Hữu Tín- Chủ tịch UBND xã Hòa Điền, huyện Kiên Lương, cho biết: “Vụ lúa đông xuân 2015, không riêng gì ông Sáu Dúi mà có đến 15 hộ dân khác trên địa bàn xã Hòa Điền, với diện tích trên 200ha khi sử dụng giống lúa đó (giống New Variety) gieo sạ đều bị thất mùa thê thảm”.

Ông Tín cho biết thêm: “Trước đó địa phương đã từng khuyến cáo bà con không nên trồng những giống lúa mới, chưa hiểu rõ chất lượng, trong đó có khuyến cáo không nên trồng giống lúa New Variety vì nguồn gốc chưa rõ, đầu ra khó, nhưng một số bà con vẫn mua giống canh tác. Vì bà con tự hợp tác, hợp đồng với công ty, không thông qua địa phương nên các điều lệ, điều khoản trong hợp đồng bà con không nắm rõ; địa phương cũng không can thiệp bảo vệ quyền lợi được”.

Trốn tránh trách nhiệm?

Để rộng đường dư luận, sau khi tiếp nhận đơn cầu cứu của ông Sáu Dúi, phóng viên NTNN đã có cuộc hẹn làm việc chính thức với ông Phạm Thái Bình - Tổng Giám đốc Công ty Trung An. Sáng 28.5, trao đổi với chúng tôi, ông Bình cho biết: Giống lúa Shihi và New Variety cấp cho hộ ông Sáu Dúi là mua từ Công ty TNHH Agimex- Kitoku (có trụ sở đặt tại An Giang). Phía công ty chỉ biết đây là công ty giống lớn, từng hợp tác nên mua cung ứng cho nông dân.

“Khi hợp tác với ông Sáu Dúi, công ty cũng không hề cam kết với ông Sáu về chất lượng giống lúa. Vì công ty không phải là đơn vị sản xuất giống, không có nghiệp vụ về giống; chỉ hỏi nông dân giống này ông có chịu không, chịu thì công ty mua cung cấp. Và giống lúa đó ông Sáu Dúi đã chấp nhận” – ông Bình cho biết thêm.

Về việc lúa giống sạ mới 30 ngày đã trổ, 70 ngày chín, dẫn đến gần như mất trắng, ông Bình nói: “Công ty đưa kỹ sư xuống cũng coi để biết chứ phía công ty không có nhiệm vụ phân tích nguyên nhân vì sao lúa đó mất mùa. Vì trước khi nhận lúa giống, ông Sáu phải biết giống lúa này có phù hợp với thổ nhưỡng ruộng mình hay không và đồng ý nên khi ông Sáu làm có thể thắng hoặc thua”.

Ngày 3.6, để tìm hiểu rõ nguyên nhân của sự cố lúa trổ và chín sớm, phóng viên NTNN đã gọi tới số điện thoại cố định 0763.835… được đăng trên website Công ty TNHH Agimex- Kitoku (có trụ sở đặt tại khóm Thạnh An, phường Mỹ Thới, TP.Long Xuyên, An Giang) - đơn vị mà lãnh đạo Công ty Trung An nói đã mua giống lúa để cung cấp cho nông dân. Nữ nhân viên nữ trực điện thoại chuyển máy để phóng viên gặp một người tên Thi (phụ trách phòng kế hoạch mua hàng). Sau khi tiếp nhận toàn bộ nội dung thông tin từ phía phóng viên cung cấp, nữ cán bộ tên Thi ghi nhận và hứa sẽ báo cáo với “sếp” để trả lời.

Tuy nhiên, 5 ngày sau  đó (đến ngày 7.6), chúng tôi tiếp tục nhiều lần liên hệ và vẫn gặp nữ nhân viên tên Thi thì được trả lời rằng: “Có hỏi rồi, nhưng “sếp” chưa vào công ty nên chưa có phản hồi, có gì thông tin sau (!)”. Chiều 7.6, cũng chính bà Thi chủ động liên hệ với chúng tôi, cho biết: “Đã có hỏi bộ phận có liên quan nhưng vẫn không biết” (?!).

Trong khi đó, theo tài liệu chúng tôi có được, trong hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH Agimex- Kitoku thể hiện giao dịch rất rõ về bán lúa giống cho đối tác Công ty Trung An.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem