Cụ thể, trao đổi với PV Dân Việt, ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Thanh Thủy cho biết, chủ đầu tư dự án Vườn Vua không hề có mỏ đất, cát để thực hiện việc san lấp. Nguồn đất để san lấp thường được chủ đầu tư “vận dụng” khi người dân có nhu cầu san cốt hạ nền, đất bóc mặt ở các mỏ khoáng sản và một phần đất đồi mà Công an huyện Thanh Thủy múc đi khi thực hiện mở rộng trụ sở.
Chủ đầu tư dự án Vườn Vua không có mỏ đất, cát để thực hiện san lấp
Theo một lãnh đạo của Ban quản lý dự án, khi phê duyệt dự án mà cần đất san lấp phải nêu rõ khai thác đất ở đâu. Vị trí khai thác đất phải đảm bảo các tiêu chuẩn về độ ẩm, độ xốp, phải thí nghiệm xem có đảm bảo để san lấp cho công trình hay không. Trước khi tiến hành công tác đào đất, nhà thầu phải thông báo với chủ đầu tư, mặt bằng hiện có phải được đo đạc và chấp thuận của chủ đầu tư.
Cũng theo ông Dương Quốc Lâm, tại dự án Vườn Vua có sử dụng đất bóc mặt ở các mỏ khoáng sản để san lấp. Như vậy, điều này đã vi phạm vào Thông tư số 26/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 của Bộ Công Thương. Theo Thông tư này, công tác đổ thải phải xác định rõ vị trí đổ thải và dung tích các bãi thải.
Nguồn đất để thực hiện san lấp dự án Vườn Vua là từ các hộ dân xin san gạt mặt bằng, đất bóc mặt ở các mỏ khoáng sản?
Tìm hiểu thêm được biết, liên quan đến nguồn gốc đất và chủ sở hữu dự án Vườn Vua, hơn 15 năm qua, bà Đào Thị Phương (SN 1955) vẫn miệt mài khiếu kiện những vi phạm diễn ra ở các dự án quanh đầm Bạch Thủy (nằm trong dự án Vườn Vua).
Theo đó, bà Phương là một trong các cổ đông của Công ty Cổ phần Hòa Thanh, doanh nghiệp được UBND tỉnh Phú Thọ giao hơn 88ha đất để thực hiện dự án tại Thanh Thủy vào năm 2003, trước khi Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ "thâu tóm" toàn bộ diện tích này để thực hiện dự án Vuon Vua Resort&Villas.
Theo bà Phương, trước khi thực hiện dự án Vuon Vua Resort&Villas, toàn bộ diện tích hơn 88ha ở Thanh Thủy được giao cho Công ty Cổ phần Hòa Thanh. Tuy nhiên, khi thực hiện dự án, ông Hồ Văn Sơn – Giám đốc kiêm Chủ tịch HĐQT và các cổ đông khác như ông Lê Văn Sáu đã có những hành vi vi phạm pháp luật.
Năm 2010, cơ quan điều tra của VKSND tối cao đã vào cuộc điều tra và xác định những nội dung tố cáo của bà Phương là có căn cứ.
15 năm qua, bà Đào Thị Phương đội đơn đi kiện ông Nguyễn Phúc Long - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ và nhiều cá nhân khác.
Cụ thể, quá trình điều tra đã xác định được một số khoản chi khống, khoản thu để ngoài sổ sách là 1.043.405.500 đồng. Cơ quan điều tra của VKSND tối cao xác định: Cơ quan điều tra Công an và VKSND tỉnh Phú Thọ không tiến hành xác minh chi tiết các khoản chi phí theo hệ thống sổ sách, hạch toán của Công ty Cổ phần Hòa Thanh để đối chiếu với các tài liệu của công ty và tài liệu do bà Phương cung cấp.
Do đó không phát hiện được việc quyết toán khống và bỏ ngoài sổ sách nguồn thu nhằm hợp pháp hóa cho việc kê khống các khoản chi theo bảng kê của ông Hồ Văn Sơn và ông Lê Văn Sáu để cộng vào vốn điều lệ (vốn góp) của hai ông này, gây thiệt hại cho các cổ đông của công ty, trong đó có bà Đào Thị Phương.
Hành vi của ông Hồ Văn Sơn, Lê Văn Sáu có dấu hiệu của tội "Tham ô tài sản", "Cố ý làm trái"… cần phải được xem xét xử lý hình sự.
Cũng theo cơ VKSND tối cao, việc giải quyết và trả lời đơn tố cáo của bà Đào Thị Phương của Công an tỉnh Phú Thọ đối với công dân là chưa chính xác, thiếu khách quan, dẫn đến không giải quyết được vụ việc, xảy ra khiếu kiện kéo dài từ năm 2005 đến nay.
Trong bối cảnh đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ từng sử dụng hơn 88ha đất dự án dịch vụ du lịch sinh thái của Công ty cổ phần Hòa Thanh tại khu vực đầm Bạch Thủy, huyện Thanh Thủy để phát hành cổ phiếu ra công chúng với mã chứng khoán TIG.
Bà Phương tố cáo, quá trình ông Hồ Văn Sơn bán cổ phần cho con rể là ông Nguyễn Phúc Long, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ (công ty con của Thăng Long Invest Group cũng do ông Long làm Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc) có nhiều khuất tất. Việc doanh nghiệp này phát hành cổ phiếu ra công chúng với mã chứng khoán TIG là sai, bởi tài sản thời điểm đó vẫn thuộc Công ty Cổ phần Hòa Thanh.
Toàn cảnh về dự án Vườn Vua.
Giải thích vấn đề này, vào năm 2012, trong bản Công bố thông tin, Thăng Long Invest Group thừa nhận: Ngày 20/5/2010, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ, Công ty Cổ phần Hòa Thanh và nhóm cổ đông là các ông Hồ Văn Sơn, bà Nguyễn Thị Hạnh, bà Đào Thị Phương, ông Dương Mạnh Tuấn đã ký biên bản thỏa thuận thống nhất chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ với tỷ lệ chiếm trên 80% vốn điều lệ Công ty Cổ phần Hòa Thanh.
Ngày 12/7/2010, Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Thăng Long đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư số 126/HĐ-HTĐT về việc hợp tác đầu tư, hợp đồng số 124/2010/HHĐTV về việc tư vấn tiếp thị và bán độc quyền, hợp đồng ủy quyền tư vấn quản lý dự án với Công ty Cổ phần Hòa Thanh về việc hợp tác đầu tư, tư vấn tiếp thị và quản lý dự án Khu Du lịch, biệt thự sinh thái nghỉ dưỡng Vườn Vua.
Ngày 8/10/2010 tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, với mã chứng khoán là TIG, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long đã hoàn tất hồ sơ niêm yết.
Theo tài liệu công bố, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ đầu tư sở hữu trên 81,1% vốn điều lệ tại Công ty Cổ phần Hòa Thanh.
Tuy nhiên, theo Thăng Long Long Invest Group, trong thời gian sau đó, Công ty Cổ phần Hòa Thanh vi phạm các quy định về tiến độ thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch sinh thái đầm Bạch Thủy, Vườn Vua nên năm 2010 UBND tỉnh Phú Thọ đã thu hồi toàn bộ diện tích dự án này.
Đến năm 2011, Công ty Cổ phần Hòa Thanh và Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ thanh lý các hợp đồng đã ký kết. Sang năm 2012, UBND tỉnh Phú Thọ giao toàn bộ diện tích dự án này cho Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ thực hiện dự án Vuon Vua Resort&Villas.
Chỉ trong vòng 3 năm, từ chỗ đầu tư sở hữu 81,1% vốn điều lệ tại dự án có hàng loạt sai phạm, Công ty Cổ phần Đầu tư Thăng Long Phú Thọ đã thâu tóm toàn bộ diện tích hơn 88ha để tiếp tục thực hiện dưới danh nghĩa một dự án khác.
Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc
Vui lòng nhập nội dung bình luận.