Bắt trúng “bệnh” đội ngũ cán bộ, nhưng ai phải “uống thuốc”?

Lương Kết (ghi) Thứ hai, ngày 14/11/2016 06:20 AM (GMT+7)
“Có thể nói căn bệnh của đội ngũ cán bộ đã được T.Ư bắt rất trúng, thuốc cũng đã kê đơn. Vấn đề ai là người phải uống thuốc, uống như thế nào?...” - đó là đánh giá và băn khoăn của đại biểu Lê Thanh Vân (ảnh) - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, trong cuộc trao đổi với NTNN - Dân Việt.
Bình luận 0

img

Đại biểu Lê Thanh Vân. Ảnh: IT.

Tuần này Quốc hội sẽ tiến hành các phiên chất vấn các thành viên Chính phủ. Ông đánh giá gì khi Quốc hội lựa chọn 4 vị Bộ trưởng để chất vấn tại kỳ họp này?

-  Tại phiên chất vấn của kỳ họp Quốc hội lần này có Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) và Bộ trưởng Bộ Nội vụ sẽ trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), sau đó là Thủ tướng Chính phủ.

Có thể nói, qua việc phát phiếu xin ý kiến, các ĐBQH lựa chọn 4 nhóm nội dung liên quan đến 4 Bộ trưởng kể trên để đưa ra chất vấn  và trả lời chất vấn là phù hợp với mong muốn của đông đảo cử tri và nhân dân. Bởi những ngành, lĩnh vực đó thời gian qua có nhiều vấn đề nóng, nổi cộm...

Là người thường có những phát biểu thẳng thắn, ông dành sự quan tâm của mình đến vấn đề gì tại kỳ này thưa ông?

-  Từ trước tới nay tôi luôn dành sự quan tâm đến vấn đề cán bộ. Bác Hồ đã nói, sự nghiệp cách mạng thành hay bại là do cán bộ, cán bộ là gốc của công việc, công việc thành hay bại là do cán bộ tốt hay kém.

img

Tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ từ giai đoạn trước, có thể lấy mốc từ 2011 đến nay. Đối với tất cả các chức vụ từ cấp phó trưởng phòng trở lên cần rà soát xem trong đó ai là con ông, cháu cha. Với những đối tượng này cần phải có cơ chế thi tuyển để sàng lọc...”.

Ông Lê Thanh Vân

Kỳ chất vấn này, tôi chưa biết có cơ hội chất vấn vấn đề này một cách trực tiếp hay không nhưng đã gửi một văn bản cho Bộ trưởng Bộ GDĐT. Đây là lần thứ hai tôi gửi chất vấn cho người đứng đầu ngành giáo dục, lần thứ nhất tôi gửi chất vấn vào kỳ họp Quốc hội gần cuối của khóa XIII cho Bộ trưởng lúc đó là ông Phạm Vũ Luận.

Tôi chất vấn Bộ trưởng về chất lượng đào tạo, đây là vấn đề xã hội ca thán rất nhiều. Cao hơn nữa là vấn đề đào tạo tiến sĩ, với con số hơn 24.000 tiến sĩ hiện nay, đây là số lượng lớn, nhưng điều đáng nói là chất lượng kém. Nhiều cử tri nói với tôi nhiều người có học hàm, học vị nhưng không có tri thức, đây là vấn đề vô cùng quan ngại đối với xã hội.

Từng là ĐBQH khóa XIII, ông đã chất vấn và theo đuổi vấn đề gì mà đến nay chưa thấy thỏa mãn, muốn chất vấn tiếp?

-  Tôi nhớ câu chuyện cử tri phản ánh, đó là việc Viện Quản trị kinh doanh Brussels (UBI - Vương quốc Bỉ) phối hợp Đại học Quốc gia Hà Nội từ nhiều năm trước mở lớp đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh. Lớp này thi tuyển đầu vào không có, chỉ đăng ký, nộp tiền vào học, số tiền là 8.000 USD/người, quá trình học tập không có thi lấy chứng chỉ, đầu ra cũng không có đề án tốt nghiệp, thi cử gì. Thời gian học khoảng 14 tháng nhưng thực chất chỉ học có 44 ngày trong đó có phiên dịch nên thời gian tiếp nhận thông tin thực tế chỉ có 22 ngày.

Điều đáng nói là đã có hàng nghìn người được cấp bằng thạc sĩ theo mô hình này. Nhiều người đã khai vào lý lịch cán bộ là "thạc sĩ quản trị kinh doanh, Brussels, Bỉ" nhằm tìm cách leo cao. Đã có ĐBQH khóa trước tôi chất vấn về vấn đề này.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi có chất vấn Bộ trưởng lúc đó là ông Phạm Vũ Luận. Ông đã trả lời là UBI không có chức năng cấp bằng thạc sĩ. Tôi hỏi với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo, tức là có thẩm quyền cấp văn bằng và không công nhận văn bằng trên lãnh thổ Việt Nam, sẽ xử lý sao với những trường hợp được cấp bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của UBI, nhưng cách trả lời của Bộ trưởng vẫn là né tránh.

Tôi đặt câu hỏi thứ hai, với giá trị của văn bằng, Bộ GDĐT có kiến nghị gì với các cơ quan tổ chức nhân sự Đảng và Nhà nước để sàng lọc lại cán bộ? Vì rõ ràng văn bằng đó là không thật, việc cán bộ nào lấy văn bằng đó khai vào lý lịch thì có phải khai gian không. Vấn đề này tôi tiếp tục theo đuổi và hỏi nhưng Bộ GDĐT chưa trả lời.

Ngoài sự quan tâm đến công tác đào tạo cán bộ, ông có suy nghĩ gì về đội ngũ cán bộ hiện nay?

-  Tôi rất lo cho chất lượng về trí tuệ, năng lực của cán bộ hiện nay, nó thể hiện qua việc tham mưu chính sách, thể hiện qua ý thức phục vụ công dân, thể hiện qua ý thức kỷ luật. Đi sâu hơn nữa là công tác bổ nhiệm, lựa chọn cán bộ làm lãnh đạo, dư luận vừa qua cho thấy vấn đề này đã đi sai hướng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng nói cần phải chọn người tài chứ không phải chọn người nhà, nhưng qua thông tin báo chí cho thấy có nhiều nơi xuất hiện khuynh hướng chọn người nhà.

Tôi cho rằng việc chọn người nhà làm lãnh đạo nếu như có cơ chế minh bạch, chẳng hạn qua thi tuyển một cách khách quan, thì có thể người nhà đó là người tài thật, không bị dư luận phàn nàn. Chính vì chưa có cơ chế minh bạch nên việc bổ nhiệm người nhà theo đánh giá của người dân, phần lớn không chất lượng mà là do "hậu duệ, tiền tệ, đồ đệ và quan hệ".

Câu chuyện cả họ cùng làm lãnh đạo được phát hiện ở nhiều địa phương cũng cần được Quốc hội làm rõ hơn, thưa ông?

- Ngoài những vụ việc được dư luận nhân dân và báo chí đã phát hiện, phanh phui, tôi nghĩ nếu rà soát hết ở các địa phương thì không còn là chuyện hiếm nữa. Chính vì thế tôi đề nghị Chính phủ phải rà soát lại toàn bộ việc bổ nhiệm cán bộ từ giai đoạn trước, có thể lấy mốc từ 2011 đến nay. Đối với tất cả các chức vụ từ cấp phó trưởng phòng trở lên cần rà soát xem trong đó ai là con ông, cháu cha. Với những đối tượng này cần phải có cơ chế thi tuyển để sàng lọc, càng là con ông, cháu cha càng phải chứng minh mình xứng đáng bằng việc thi tuyển hết sức nghiêm ngặt, minh bạch.

Qua việc thi tuyển, sàng lọc sẽ chứng minh những cán bộ thuộc dạng “con ông cháu cha”, họ có phải họ lợi dụng vị trí của người thân để có được chức vụ như hôm nay, hay là do tài năng? Bộ Nội vụ cần hiến kế cho Chính phủ có cơ chế thi tuyển để sàng lọc, trả lời cho công luận biết bao nhiêu trường hợp trong số đó xứng đáng giữ chức vụ, bao nhiêu không xứng đáng. Việc cán bộ không xứng đáng bắt nguồn từ đâu, rõ ràng lạm dụng quyền lực, tha hóa quyền lực và pháp luật phải trừng trị nghiêm khắc.

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII vừa qua được đánh giá là "liều thuốc" mạnh để chấn chỉnh đội ngũ cán bộ, ông nghĩ sao?

-  Có lẽ đứng trước sự quan ngại như nói trên, vừa qua Ban Chấp hành T.Ư Đảng ban hành nghị quyết để chỉnh đốn Đảng. Chỉnh đốn Đảng đầu tiên là chống tự diễn biến, tự chuyển hóa mà cái này lại từ cán bộ mà ra. Gốc của cán bộ là vấn đề đạo đức, anh không tốt, không có lòng tự trọng thì rất dễ dẫn tới tiêu cực, rồi chạy chức, chạy quyền.

Nghị quyết T.Ư 4 khóa XII nhận diện rất rõ với 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa. Bốn nhóm giải pháp T.Ư đưa ra cũng rất xác đáng. Có thể nói căn bệnh của đội ngũ cán bộ đã được T.Ư bắt rất trúng, thuốc cũng đã kê đơn. Vấn đề là ai là người phải uống thuốc, uống như thế nào? Khi phát hiện ra người phải uống thuốc, không thể cho họ tự giác uống mà buộc họ phải uống thuốc, đó trách nhiệm từ các cơ quan kỷ luật của Đảng, cơ quan bảo vệ pháp luật của Nhà nước. Làm sao phải phát hiện ra số cán bộ từ thấp đến cao có chất lượng không đảm bảo phải loại ra bộ máy.

Xin cảm ơn ông (!) 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem