Hai gương mặt đại diện cho 2 đảng chính trong nền chính trị của siêu cường quốc số 1 thế giới là Đảng Cộng hòa (hay còn gọi là Đảng Con Voi) và Đảng Dân chủ (có tên gọi khác là Đảng Con Lừa), là những ứng viên nổi trội từ đầu cho đến giây phút cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong kỳ bầu cử năm nay, ứng cử viên của Đảng Con Voi là cựu Thống đốc bang Massachusetts Mitt Romney, còn gương mặt của Đảng Con Lừa là Tổng thống Barack Obama.
|
Mitt Romney (trái) và Obama- 2 nhân vật đua tranh chức Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ mới. |
Tung cả ảnh khỏa thân...
Kể từ khi ấn nút khởi động cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đến nay, thời gian đã kéo dài xấp xỉ 2 năm. Đến ngày 4.4.2011, ông Obama chính thức đăng ký tranh cử nhiệm kỳ 2 và hầu như không có đối thủ trong nội bộ Đảng Dân chủ. Do vậy, ngày 6.9.2012, ông được Đại hội toàn quốc Đảng Dân chủ đề cử làm ứng cử viên ra tranh cử nhiệm kỳ mới.
Trong khi đó, cựu Thống đốc Romney tuyên bố ra tranh cử ghế Tổng thống lần thứ 2 ngày 2.6.2011. Sau 4 tháng bị “nâng lên đặt xuống” trong vòng bầu cử sơ bộ, đến tháng 5.2012, ông Romney trở thành ứng cử viên duy nhất sau khi các đối thủ lần lượt bỏ cuộc. Ngày 28.8, ông chính thức được Đại hội toàn quốc Đảng Cộng hòa trao tấm vé ứng cử viên tổng thống của đảng.
Người dân Mỹ đã quá rành về những lợi thế và khuyết điểm của đương kim Tổng thống Obama là gần gũi với dân, có nhiều chính sách ôn hòa, song quản lý kinh tế lại không xuất sắc. Tuy nhiên, cử tri Mỹ lại dè dặt trước ứng cử viên Mitt Romney, khi chỉ biết ông dù có nhiều kinh nghiệm về quản lý kinh tế, song quan điểm chính trị lại mờ nhạt. Và đặc biệt hơn nữa, với những người Mỹ tương đối bảo thủ thì họ lại càng hoài nghi về ông Romney, bởi vì chưa hẳn ông là một ứng viên xuất sắc mà chỉ đơn giản, Đảng Con Voi đã không chọn được ai ngoài ông.
Chính vì sự “một chín, một mười” giữa 2 ứng cử viên, nên quá trình tranh cử cũng lắm chiêu trò. Ngoài việc tung ra những lời hứa hẹn lấy lòng cử tri, các phe vận động tranh cử còn tận dụng tối đa các chiêu trò bẩn để bôi nhọ đối thủ. Một trong những trò bẩn từng làm xôn xao nước Mỹ đó là cử tri của một số bang dao động đã nhận được một chiếc đĩa DVD, được cho là có chứa những tấm ảnh khỏa thân của mẹ đẻ Tổng thống Obama chưa từng được công bố.
Thậm chí, những chương trình quảng cáo tranh cử cũng không quên gài những đoạn quảng cáo bôi nhọ Tổng thống Obama khi nói rằng, một lá phiếu bầu cho Obama là đã giúp người Hồi giáo giết người Do Thái và Thiên Chúa giáo… Chưa hết, ngay cả Tổng thống Obama đang hạnh phúc bên vợ con, nhưng những lời đồn đại về một gia đình rạn vỡ, về “bản án” ly hôn, cũng đã được dựng lên không nằm ngoài mục đích làm cho cử tri Mỹ thất vọng về ông.
Cuộc đua lắm tiền nhiều của
Chưa kể những bữa tiệc ăn mừng đình đám chúc mừng người chiến thắng sau ngày 6.11, cuộc đua vào Nhà Trắng năm nay đã ngốn hết 6 tỷ USD, một số tiền kỷ lục so với các cuộc bầu cử trước đó.
Công ty Wesleyan Media Project đã theo dõi tất cả các quảng cáo vận động tranh cử trên truyền hình của tất cả các ứng cử viên liên bang và tiểu bang và dự kiến tổng chi phí của các hoạt động này lên tới mức kỷ lục 6 tỷ USD. Phần lớn khoản tiền này được chi bởi các Uỷ ban vận động chính trị (gọi là Super PACs).
Theo luật bầu cử Mỹ, Tổng thống và Phó Tổng thống do các đại cử tri của các bang bầu chọn chứ không phải do dân bầu trực tiếp. Mỗi bang sẽ cử ra một số đại cử tri bằng đúng tổng số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ của bang. Các đại cử tri sẽ nhóm họp trong từng bang để bầu Tổng thống và Phó Tổng thống bằng lá phiếu của mình. Tổng thống và Phó Tổng thống không được là cư dân trong cùng một bang.
Số tiền quyên góp cho cuộc giành giật ghế tổng thống đã vượt ngưỡng 2 tỷ USD so với 1,8 tỷ USD trong mùa bầu cử năm 2008, trong đó riêng 2 ứng cử viên đã quyên góp được 1,7 tỷ USD. Tổng chi phí của cuộc chạy đua vào Nhà Trắng bao gồm chi phí của các ứng cử viên tổng thống, các ủy ban lớn của các đảng, vào khoảng 2 tỷ USD, 258 triệu USD của các nhóm bên ngoài chi cho giới chức liên bang và 142 triệu USD từ các ủy ban tổ chức đại hội đảng và công quỹ cho các đại hội toàn quốc.
Tổng cộng cuộc bầu cử năm 2012 ước tính sẽ vượt cuộc bầu cử tốn đắt đỏ nhất gần đây (cuộc bầu cử 4 năm trước) khoảng 700 triệu USD, phần lớn là do một lượng tiền chưa từng có tiền lệ hơn 970 triệu USD được các nhóm bên ngoài vận động và được chi tiêu.
Thế mạnh của ông Romney trước hết là có nhiều tiền. Ông đã phải chi trung bình 30USD cho mỗi lá phiếu cử tri. Ông Romney nhờ rất nhiều vào sự ủng hộ của những người giàu có với thu nhập tối thiểu từ 100.000USD/năm trở lên. Theo thống kê, cứ 10 người bỏ phiếu cho Romney thì có 4 người có thu nhập trên 100.000 USD/năm trở lên.
Kỳ 2: Quyền lực của Tổng thống
Hạ Anh (tổng hợp)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.