“Bầu” Đức “dọa” bỏ bóng đá Việt Nam: Lời cảnh tỉnh cho quá nhiều người

Chính Minh Thứ sáu, ngày 23/03/2018 18:15 PM (GMT+7)
Trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII (2018-2022, dự kiến tổ chức đầu tháng 4), ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL đã tuyên bố bỏ bóng đá vì bất mãn với nhiều “khuất tất” trong cách làm việc của Tiểu ban nhân sự.
Bình luận 0

Khi ông bầu “nổi trận lôi đình”

Đầu tiên, phải khẳng định: Trước thềm Đại hội, bầu Đức đã nói rõ không tham gia ứng cử các vị trí lãnh đạo VFF. Lý do là ông quá bận công việc kinh doanh, không thể đóng góp nhiều cho VFF. Và một điều khó nói nữa nhưng ai cũng hiểu là năm ngoái, sau thất bại của U23 Việt Nam, bầu Đức đã tuyên bố từ chức. Không lẽ vừa từ chức xong lại… ứng cử thì chẳng hóa khôi hài (?!).

Vậy nhưng cũng phải thấy rõ trách nhiệm và tâm huyết của bầu Đức đối với bóng đá Việt Nam qua những phát ngôn mới nhìn tưởng như bức xúc nhất thời của ông vừa qua.

img

Bầu Đức là người đã quyết định mời và trả lương cho HLV Park Hang-seo sang Việt Nam dẫn dắt đội U23
tạo nên kỳ tích. ảnh: Internet

Trả lời báo chí, bầu Đức đã khẳng định điều ông quan tâm nhất lúc này là ông Trần Anh Tú - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc VPF, Trưởng ban điều hành V.League, Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá TP.HCM… vốn đã quá “nhiều ghế” nên “từ bỏ bớt tham vọng quyền lực” bằng cách thôi không ứng cử chức danh Phó Chủ tịch VFF phụ trách tài chính, tài trợ nhiệm kỳ VIII – vị trí hiện chỉ có duy nhất ông Tú là ứng viên.

Mong muốn của ông Đức là chính đáng bởi dù gì hàng năm Tập đoàn HAGL vẫn bỏ ra mấy chục tỷ đồng làm bóng đá chuyên nghiệp. Vậy thì làm sao có thể chấp nhận nổi mình bị thao túng, điều khiển bởi một người “ngoại đạo” đối với bóng đá chuyên nghiệp (trước nay ông Tú chỉ làm futsal, không có đội bóng V.League).

Nhưng lạ là tại sao trong số 14 ông bầu V.League, chỉ có mỗi bầu Đức lên tiếng về chuyện này, trong khi đó “phần còn lại” thì im lặng (?!). Điểm nữa khiến bầu Đức nóng mặt là lần đầu tiên trong lịch sử, tiêu chí buộc phải có bằng Đại học được Tiểu ban nhân sự Đại hội đề ra đối với các ứng viên lãnh đạo VFF.

Bầu Đức không có bằng ĐH. Và như thế khác nào ngay từ đầu, kể cả bầu Đức muốn ứng cử cũng không có đường! Vậy không phải “chơi” nhau thì là gì?  Sự xấu chơi của Tiểu ban nhân sự VFF còn thể hiện rõ khi cố tình “quên” điền tên bầu Đức vào danh sách ứng cử Ủy viên Ban chấp hành, Phó Chủ tịch phụ trách tài chính, tài trợ, dù có tổ chức thành viên đã giới thiệu ông vào 2 vị trí này.

Đã đành ông Đức không muốn ứng cử Phó Chủ tịch nhưng nếu theo quy định thì Tiểu ban nhân sự vẫn phải điền tên bầu Đức vào như một cách tôn trọng ý kiến của tổ chức thành viên. Sau đó, gửi hồ sơ ứng cử cho ông như bình thường. Tiếp đến, nếu bầu Đức không hoàn thiện hồ sơ hoặc xin rút trong phiên trù bị Đại hội lại là chuyện khác! Như thế mới đúng quy trình!

Với những phân tích ở trên, rõ ràng nếu bầu Đức “im lặng” mới là dở. Ông tuyên bố bỏ bóng đá ngay trong tháng 4 nếu VFF vẫn làm điều vô lý là đúng! Và chắc hẳn, những “hạt ngọc U23” như Công Phượng, Xuân Trường, Văn Toàn, Văn Thanh… vốn được dạy dỗ tử tế sẽ hiểu vì sao ông làm vậy, bất chấp khả năng họ có thể bị đứng ngoài đời sống bóng đá một thời gian.

Sau U23 cần thêm một cú hích

Tiểu ban nhân sự đã xin ý kiến các thành viên Ban chấp hành 2 lần về các tiêu chí đối với người ứng cử các chức danh lãnh đạo VFF. Tổng cộng có 29 ý kiến và chúng tôi không thấy có ý kiến nào bác tiêu chí phải có bằng ĐH. Vậy nên chúng tôi coi như đã đồng thuận, thông qua và gửi cho các tổ chức thành viên. Tuy nhiên, tới cuộc họp Ban chấp hành VFF sắp tới, nếu có ý kiến nào khác, chúng tôi sẵn sàng đưa ra thảo luận công khai”.
Ông Lê Hùng Dũng – Chủ tịch VFF, Trưởng Tiểu ban nhân sự Đại hội

Trao đổi với NTNN về tuyên bố bỏ bóng đá của bầu Đức trước thềm Đại hội VFF, ông Nguyễn Hồng Thanh – Chủ tịch CLB bóng đá SLNA, Ủy viên Ban chấp hành VFF – người rất có uy tín trong giới bày tỏ: “Anh Đức làm bóng đá lâu năm rất hiệu quả, đầy tâm huyết và là 1 trong những người có đóng góp rất lớn cho bóng đá Việt Nam. Thành công của U23 Việt Nam vừa rồi có dấu ấn đậm nét của anh Đức. Tôi nghĩ, chắc phải bức xúc lắm nên anh Đức mới tuyên bố như vậy”.

Phía trước, bầu Đức chỉ có 2 lựa chọn nếu Ban chấp hành VFF, Tiểu ban nhân sự VFF bảo lưu quan điểm về các tiêu chí cũng như nhân sự ứng cử đã được “vào phom”. Thứ 1, bỏ bóng đá thật, nói là làm như cách ông đã thể hiện khi lập tức từ chức sau thất bại của U22 Việt Nam ở SEA Games 2017. Thứ 2, “quên” lời nói của mình trước đó đi và vẫn tiếp tục làm bóng đá như không có chuyện gì xảy ra.

Với tính cách của bầu Đức, chắc chắn ông sẽ chọn phương án thứ nhất. Chắc chắn, việc CLB bóng đá HAGL và Học viện bóng đá HAGL bị đóng cửa vô thời hạn là điều mà “phần còn lại” của bóng đá Việt Nam, V.League… đều không mong muốn, thậm chí là “sợ”.

Với tầm ảnh hưởng và những gì bầu Đức đã làm trong suốt năm qua cùng bóng đá nước nhà, mọi chuyện sẽ rối tung và không loại trừ khả năng “chiếc ghế” mà ai đó “tranh được” ở nhiệm kỳ mới sẽ biến thành “cục nợ”, chứ chẳng có bổng lộc, quyền hạn gì!

Vậy thì hãy cứ mạnh mẽ với quyết định của mình, bầu Đức sẽ góp phần thức tỉnh những ông bầu, CLB đang ở trạng thái “mơ ngủ” 50-50, chỉ biết hài lòng với “giấc mơ con”. Hơn hết, phải làm như bầu Đức, dù có đau đớn một chút, trong tương lai người hâm mộ mới hy vọng được tận hưởng thứ bóng đá sạch, đẹp. Khi đó, thành công của U23 Việt Nam mới không phải là cá biệt, là vô tiền khoáng hậu!/.

PGS-TS Phạm Ngọc Viễn - Ủy viên Ban chấp hành VFF
“Không cần bằng đại học mới làm được lãnh đạo VFF”
Về tiêu chí phải có bằng đại học (ĐH) mới được ứng cử các chức danh chủ chốt lãnh đạo VFF nhiệm kỳ VIII (2018-2022), theo tôi là không cần thiết. Tại Hội nghị Ban chấp hành VFF hôm 16.3, Tiểu ban nhân sự Đại hội đã nhấn mạnh tiêu chí ứng cử vào các chức danh lãnh đạo VFF phải có bằng cấp, hồ sơ rồi phải xác nhận, công chứng... rất phức tạp.
Trước vấn đề này, anh Đức (ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch Tập đoàn HAGL-PV) cũng đã phát biểu cho rằng không cần thiết bởi đây là một tổ chức xã hội nghề nghiệp. Hơn nữa, mọi nhiệm kỳ trước có bao giờ đặt ra tiêu chí này đâu” (?!). Tiêu chí bằng cấp là không cần thiết, gây phiền phức.
Tuệ Minh (ghi)

Còi vàng Dương Mạnh Hùng:
Có sự tùy tiện ở VFF
Nói tới tiêu chí phải có bằng ĐH mà Tiểu ban nhân sự Đại hội Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nhiệm kỳ VIII đặt ra đối với ứng viên vào chức danh lãnh đạo VFF tôi lại nhớ tới chuyện của mình. Trong quá khứ, năm 2007, 2009, 2011, 2012, chính vì không có bằng ĐH mà tôi 4 lần bị gạt ra không cho đi học giám sát trọng tài. Tôi chưa hề thấy một văn bản, quy chế nào… về chuyện này, vậy mà họ gạt tôi ra.
Ở VFF có sự tùy tiện, ban phát. Nhiều khi người ta “nghĩ ra” điều gì đó để chặn những người không thuộc “phe mình” và tạo điều kiện cho những người thân cận. Hồi đó, tôi đã học ĐH TDTT Từ Sơn nhưng chỉ thiếu nợ 2 môn do bận công tác trọng tài nên chưa được cấp bằng thôi. Vậy mà họ không xem xét cho tôi, đặc biệt khi đây là tổ chức xã hội nghề nghiệp, quan trọng nhất chữ “nghề”.
Qua câu chuyện bằng cấp trước thềm Đại hội VFF nhiệm kỳ VIII, tôi muốn nói rằng dường như ở VFF có một thế lực luôn dùng mọi “chiêu trò” để gạt sang bên những người không nghe lời, không thuận theo ý người ta”.
Phải dứt điểm mọi việc, bóng đá Việt Nam mới thực sự phát triển, đạt được hiệu quả cao nhất. Bằng cấp chỉ là một phần rất nhỏ, không “đọ” lại được cái tâm của những người quyết tâm và vì bóng đá Việt Nam thực sự. Nếu chỉ “chơi chiêu” thì mọi việc sẽ chẳng đi đến đâu, nếu không muốn nói là thụt lùi.
Hoàn Minh (ghi)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem