Rõ ràng, hiện bầu Đức đang mang trên người khá nhiều chức danh liên quan đến bóng đá. Ông vừa là phó chủ tịch liên đoàn Bóng đá Việt Nam, vừa là chủ tịch câu lạc bộ HAGL, rồi ông chủ học viện bóng đá.
Các chức danh ấy đều to, và đều xứng đáng ngồi ở hàng ghế trang trọng nhất trên sân, nơi các ông bầu thường ngồi xem cầu thủ mình thi đấu. Còn bởi ngồi dưới hàng ghế chỉ đạo, các thành viên đội bóng còn phải đăng ký, phải đeo thẻ chứng minh mình làm nhiệm vụ gì. Đó là luật.
Thế nhưng, trong trận gặp Đồng Nai hồi cuối tuần trên sân Pleiku, bầu Đức đã hiện diện trên hàng ghế huấn luyện và đương nhiên, là chủ sân nên ông cũng chẳng cần (hoặc chẳng có) đeo thẻ. Ghê gớm hơn, hôm ấy vẫn có sự hiện diện của huấn luyện viên Graechen, nhưng ông thầy người Pháp ngồi im một góc. Bầu Đức mới là người lên chiến thuật, chọn người và cả thay người. Tóm lại, ông làm nhiệm vụ của một huấn luyện viên chứ không phải “thầy Giôm” như mọi khi.
Và sự hiện diện của bầu Đức dưới sân khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đối thủ, phía bên kia sân, ông Trần Bình Sự, huấn luyện viên Đồng Nai chỉ còn biết cười cam chịu. Bởi, họ hiểu trận đấu này họ phải thi đấu với sức ép lớn hơn khi mà bầu Đức đường đường là phó chủ tịch, thế nên giám sát trận đấu mới không dám mời ông lên ngồi ở hàng ghế trên cao, dù ông chẳng đeo bất kỳ thẻ hoạt động nào. Đồng Nai không còn phải thi đấu với một trong các đội ở V.League, mà họ đang đối đầu với đội bóng duy nhất của quan chức VFF.
Các trọng tài cũng căng thẳng chẳng kém, bởi ở trận đấu HAGL gặp Đồng Nai, bầu Đức ở vị trí đại diện đội bóng để đặt cảm nhận cá nhân vào việc đánh giá các tình huống xử lý trên sân. Nhưng, bầu Đức lại cũng là lãnh đạo của họ, có quyền định đoạt ít nhiều về mặt công việc của họ chứ chẳng chơi. Thổi còi ra sao, xử phạt trên sân thế nào cho hợp lý để đội khách Đồng Nai không phản ứng thái quá mà bầu Đức cảm thấy hài lòng, cũng quả là căng thẳng.
Nhưng nào chỉ có có mỗi Đồng Nai hay trọng tài là thấy căng thẳng. Các cầu thủ HAGL xem chừng cũng không biết thi đấu thế nào cho hợp lý vì có lúc, có đến sáu cánh tay từ ban huấn luyện đưa ra để chỉ đạo cầu thủ. Nội chuyện vừa tập trung chơi bóng, phán đoán tình huống, di chuyển, vừa phải lắng nghe để phân biệt đâu là chỉ đạo từ người có quyền nhất ở HAGL để làm theo, cũng khiến cầu thủ rối.
Đương nhiên, việc bầu Đức chọn cách sẽ ngồi ghế ban huấn luyện để chỉ đạo cũng khiến các đội bóng khác còn lại ở V.League rúng động. Nhiều huấn luyện viên cho biết, ai cũng hiểu HAGL đang khát điểm, đang cần thắng, vậy nên sự hiện diện của một ông phó chủ tịch VFF chỉ đạo trên sân sẽ khiến cho các đội còn lại gặp bất lợi.
Nhiều người cho rằng, VFF phải nghiêm khắc hơn với chính các quan chức của mình. Việc để một người không đeo thẻ làm nhiệm vụ xuống sân chỉ đạo cả trận đấu là không hợp lý, tạo nên một tiền lệ xấu. Đó là chưa kể, kết thúc trận HAGL gặp Đồng Nai, huấn luyện viên chính thức của đội bóng phố núi, ông Graechen đã từ chối họp báo sau trận đấu. Điều này là vi phạm quy chế của mùa bóng. Vậy nhưng, chẳng thấy VFF có thông báo nhắc nhở hay xử phạt theo điều lệ.
Chẳng biết vô tình hay hữu ý, liên đoàn Bóng đá Việt Nam, nơi đại diện các đội bóng điều hành nền bóng đá đã tạo nên một sự đặc cách dành cho HAGL, giúp bầu Đức làm khó cả V-League. Nhiều người đang hồ nghi, VFF thiếu công bằng.
Cũng hợp lý thôi!
(Theo Thế giới tiếp thị)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.