Hành động khác xa lời hứa
Một cuộc đột kích bằng tên lửa đã ập vào khu đất có tòa nhà của Tổng thống Libya Muammar Gadhafi ở Tripoli đêm 20.3 (rạng sáng 21.3 giờ Việt Nam). Cuộc tấn công này nhằm mục đích "phá hủy khả năng chỉ huy và kiểm soát" của chính quyền Gadhafi.
|
Dinh thự của Tổng thống Gadhafi bị tàn phá tan tành. |
Tòa nhà bị tấn công cao khoảng 50m so với khu vực vẫn được dựng căn lều lớn mà Gadhafi thường tiếp đón các vị khách quan trọng. Người phát ngôn của Chính phủ Libya, ông Moussa Ibrahim cũng xác nhận, tòa nhà này đã bị phá hủy hoàn toàn bằng tên lửa.
Đại tá Gadhafi được cho là không có mặt vào thời điểm đó, song có khoảng 300 người ở trong khuôn viên ngôi nhà. Ông Moussa Ibrahim nhấn mạnh: "Đây là một vụ đánh bom dã man, có thể gây thương vong cho hàng trăm dân thường vì họ đang tụ tập cách đó chỉ khoảng 400m".
Ông này cũng lên án "sự mâu thuẫn trong các phát biểu của phương Tây" khi họ tuyên bố bảo vệ dân thường nhưng vẫn đánh bom vào nơi mà họ biết dân thường đang có mặt.
Trước đó, phát biểu tại cuộc họp báo hôm 20.3, phát ngôn viên quân đội Libya cho biết: "Lực lượng vũ trang Libya đã ra lệnh cho tất cả các đơn vị quân đội đảm bảo một lệnh ngừng bắn (vào khoảng 2 giờ sáng 21.3, giờ Hà Nội). Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon bày tỏ hy vọng quân đội Libya giữ đúng cam kết.
Tấn công vì dầu hỏa?
Ngày 21.3, dư luận quốc tế tiếp tục phản đối chiến dịch quân sự của liên quân chống Libya. Tổng Thư ký Liên đoàn Arập (AL) Amr Moussa chỉ trích chiến dịch quân sự tại Libya "đã vượt ra ngoài mục tiêu áp đặt vùng cấm bay" và không đúng với mong muốn của AL là bảo vệ dân thường chứ không phải ném bom vào dân thường.
Tổng thống Bolivia Evo Morales đã cực lực phản đối hành động tấn công quân sự của phương Tây chống Libya. Trong khi đó, Tổng thống Venezuela Hugo Chavez tố cáo “các cuộc ném bom điên rồ của đế quốc” đang làm dân thường Libya thiệt mạng, đồng thời khẳng định phương Tây không có quyền can thiệp vào cuộc xung đột tại Libya và phải chấm dứt ngay các hành động tấn công Libya.
Ông Chavez cũng cáo buộc, phía sau hành động tấn công này là mưu cầu lợi ích về nguồn tài nguyên dầu mỏ của Libya mà các nước phương Tây vẫn khát khao muốn có được bấy lâu.
Cũng trong ngày 20.3, hàng trăm người tại thành phố Geneve, Thụy Sĩ đã xuống đường biểu tình bày tỏ tình đoàn kết với nhân dân Libya. Cùng ngày, Nga lại một lần nữa kêu gọi liên quân chấm dứt sử dụng vũ lực bừa bãi vì có thể sát hại nhiều dân thường Libya. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Alexander Lukashevich cho rằng các cuộc không kích đã vượt quá quyền hạn cho phép trong Nghị quyết 1973 của HĐBA.
Gadhafi thề chiến đấu lâu dài
Trong một cuộc điện thoại đến truyền hình Libya hôm 20.3, ông Gadhafi nói rằng sẽ không để bị suy yếu ở Benghazi, Chính phủ đã mở kho vũ khí, phân phát đến tất cả người dân Libya. Giờ đây, người dân Libya được trang bị "vũ khí tự động, súng cối và bom".
Đến nay, Mỹ không công nhận lệnh ngừng bắn mới của Libya vì cho rằng "không thực tế", còn các quan chức Anh nói rằng, sẽ xem xét cam kết của Tripoli về lệnh ngừng bắn "trên cơ sở hành động".
Truyền hình nhà nước còn cho hay, những người ủng hộ Gadhafi đổ về các sân bay làm lá chắn sống. Trong khi đó, hình ảnh trên truyền hình Libya cũng cho thấy những dòng người ủng hộ Gadhafi biểu tình tại Tripoli cũng như tại nhiều thành phố, thị trấn khác.
Trong một diễn biến mới nhất, ngày 21.3, Qatar đã quyết định tham gia chiến dịch quân sự tại Libya bằng việc điều động 4 máy bay chiến đấu. Đây là quốc gia Arập đầu tiên tham gia can thiệp quân sự vào Libya. Trong khi đó, các đại sứ của 28 nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã nhất trí về kế hoạch cấm vận vũ khí đối với Libya.
Còn Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói rằng Mỹ dự kiến sẽ chuyển giao việc kiểm soát sứ mệnh quân sự ở Libya cho liên minh, nhiều khả năng cho Pháp, Anh hoặc NATO, trong vài ngày tới.
Quang Minh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.