Oanh tạc rung chuyển thủ đô Tripoli
Hội nghị cấp cao khẩn cấp của 22 nhà lãnh đạo Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Liên đoàn Arập tại thủ đô Paris (Pháp) ngày 19.3 đã quyết định bắt đầu các hành động quân sự chống lại chính quyền Libya.
|
Các cuộc không kích của liên quân gây nhiều thương vong. |
Theo tuyên bố được đưa ra sau khi kết thúc hội nghị, các cường quốc phương Tây sẽ thực hiện "tất cả những biện pháp cần thiết, kể cả biện pháp quân sự" để áp đặt vùng cấm bay tại Libya theo Nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA LHQ).
Ngay sau hội nghị, máy bay chiến đấu của Pháp đã khai hỏa ở Libya vào lúc 23 giờ 45 phút (giờ Hà Nội) ngày 19.3, phá hủy một số xe thiết giáp của lực lượng ủng hộ chính phủ.
Vài giờ sau, Mỹ và các nước châu Âu đã mở màn chiến dịch tấn công với tên gọi "Bình minh Odyssey", sử dụng tên lửa hành trình và máy bay tấn công các lực lượng quân sự và hệ thống phòng không của Libya. Đây là lần đầu tiên trong nhiều năm qua Mỹ không dẫn đầu một chiến dịch quân sự quốc tế.
Theo CNN, 112 tên lửa hành trình Tomahawk đã được bắn đi từ các tàu chiến và tàu ngầm của Mỹ, Anh nhằm vào hơn 20 hệ thống phòng không liên hợp cùng các cơ sở phòng không khác ven biển của Libya nhằm dọn đường cho các cuộc tuần tra trên không.
|
Những địa điểm liên quân tấn công bằng tên lửa Tomahawk. |
Trong khi đó, khoảng 20 máy bay chiến đấu của Pháp cũng đã tổ chức các đợt không kích nhằm vào mục tiêu là các xe tăng, xe thiết giáp của quân đội Chính phủ Libya tại miền Đông nước này.
Hãng tin Pháp AFP cho biết, sáng 20.3 đã xảy ra một đợt ném bom vào khu vực gần cơ quan đầu não của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi ở thủ đô Tripoli. Trước đó, tiếng súng phòng không nổ suốt đêm 19.3 trên bầu trời Tripoli.
Theo Kênh truyền hình quốc gia Libya, các lực lượng phương Tây đã oanh tạc các khu vực dân cư ở thủ đô Tripoli và các bể chứa nhiên liệu cung cấp cho thành phố Misrata ở miền Tây nước này; đồng thời cho biết một máy bay chiến đấu của Pháp đã bị bắn hạ ở thủ đô Tripoli.
|
Máy bay của lực lượng nổi dậy bị bắn rơi tại thành phố Bengazi. |
Trong khi đó theo AP, trong các cuộc không kích đầu tiên của nước này vào Libya, các máy bay phản lực chiến đấu Tornado GR4 của Anh đã phóng tên lửa Stormshadow vào lãnh thổ quốc gia Bắc Phi này.
Gadhafi “thách thức sức mạnh liên quân” đến đâu?
Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết, cuộc tấn công nhằm vào quân đội của ông Gadhafi sẽ "chỉ kéo dài vài ngày, không phải cả tuần". Ông Obama cũng khẳng định sẽ không điều bộ binh tới Libya.
Báo "Bưu điện Washington" tối 19.3 đưa tin, các vệ tinh do thám của phương Tây đang giám sát chặt chẽ một gara nhỏ tại một địa điểm xa xôi trên sa mạc ở Libya sau khi Mỹ và các đồng minh châu Âu tiến hành không kích nước này. Theo báo trên, Chính phủ Libya trữ khoảng 10 tấn khí mù tạt trong khoảng 6 thùng lớn tại gara nằm ở phía nam thành phố Sirte. Giới chức phương Tây lo ngại nhà lãnh đạo Libya Muammar Gadhafi có thể sử dụng chất hóa học cay trên để sát hại một lượng lớn quân của phe đối lập.
Chính quyền Libya ngày 20.3 tuyên bố, các cuộc không kích và tấn công bằng tên lửa của phương Tây ở nước này đã làm ít nhất 48 người thiệt mạng và 150 người bị thương. Ngay sau các vụ tấn công, nhà lãnh đạo Gadhafi tuyên bố Địa Trung Hải đã biến thành "chiến trường", đồng thời cho biết sẽ trang bị vũ khí cho người dân để đối phó với các cuộc tấn công của phương Tây nhằm bảo vệ đất nước.
Bộ Ngoại giao Libya đã yêu cầu HĐBA LHQ họp khẩn về cuộc tấn công của phương Tây, khẳng định Tripoli coi nghị quyết của HĐBA yêu cầu các lực lượng Libya ngừng bắn "không còn giá trị" sau các vụ tấn công của phương Tây vào lãnh thổ Libya.
Một vấn đề hiện đang được dư luận quốc tế quan tâm, đó là liệu đội quân của nhà lãnh đạo Gadhafi sẽ "thách thức sức mạnh của liên quân" đến đâu? Theo giới truyền thông, quân đội Libya gồm 100.000 binh sĩ, được trang bị một lực lượng pháo hạng nặng, xe tăng, máy bay chiến đấu khá mạnh. Tuy nhiên, quân đội nước này có lực lượng hải quân tương đối nhỏ.
Lực lượng bộ binh của Libya chỉ có 50.000 quân và thiết bị quân sự. Lực lượng phòng không-không quân gồm 394 máy bay chiến đấu và ít nhất 216 tên lửa đất đối không. Báo cáo của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Mỹ) cho biết, trong khi đó, lực lượng liên quân ngoài sức mạnh ghê gớm về không lực, họ còn có khả năng điều động hàng chục tiểu đoàn bộ binh được trang bị "tận răng" và lực lượng này đã trải qua "trăm trận" ở chiến trường Iraq và Afghanistan.
Quốc tế phản ứng trái chiều
Dư luận quốc tế hiện lo ngại về các hành động can thiệp quân sự vào Libya. Liên minh châu Phi (AU) ngày 20.3 đã yêu cầu ngừng "ngay lập tức" tất cả các hành động tấn công nhằm vào Libya.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết, Matxcơva "lấy làm tiếc" về sự can thiệp quân sự tại quốc gia Bắc Phi này. Bộ Ngoại giao Trung Quốc cùng ngày hy vọng cuộc xung đột sẽ không leo thang và gây tổn thất nặng nề đối với cuộc sống người dân.
Tổng thống Hugo Chavez tuyên bố hành động quân sự của các cường quốc phương Tây nhằm vào Libya là nhằm chiếm giữ lượng dầu mỏ của nước này.
Cũng trong ngày 20.3, nhiều người dân tại Philippines và ngay tại nước Mỹ đã xuống đường tuần hành phản đối việc liên quân can thiệp quân sự vào tình hình nội bộ của Libya.
Gia Khánh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.