Bẫy nước thu nhập trung bình

Thứ ba, ngày 14/09/2010 14:28 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Theo ước tính, GDP bình quân đầu người năm 2010 tính bằng USD theo tỷ giá thực tế đạt gần 1.350 USD, Việt Nam ra khỏi nhóm nước có thu nhập thấp sang nhóm nước có thu nhập trung bình.
Bình luận 0

Cùng với sự đánh giá cao về sự chuyển đổi quan trọng từ nước có thu nhập thấp sang nước có thu nhập trung bình, các tổ chức và chuyên gia quốc tế đã cảnh báo đối với Việt Nam về "bẫy nước thu nhập trung bình". Không ít người ở trong nước chưa quan tâm đối với sự cảnh báo này, hoặc cho là cảnh báo quá sớm, thậm chí có người cho là không cần thiết, với nhiều lý do nhưng chưa thật thuyết phục...

Song, cần chú ý, dù tốc độ tăng của Việt Nam có cao hơn, nhưng do số gốc so sánh còn thấp nên Việt Nam không những phải mất nhiều thời gian mới đuổi kịp những nước cùng có điểm xuất phát cách đây mấy chục năm, mà còn đứng trước nguy cơ tụt hậu xa hơn do giá trị tuyệt đối của một phần trăm tăng lên của GDP bình quân đầu người ở Việt Nam thấp hơn nhiều so với các nước hiện đứng trên Việt Nam.

GDP bình quân đầu người của Việt Nam, dù tính theo tỷ giá hối đoái hay tỷ giá sức mua tương đương thì vẫn còn ở nửa dưới trong bảng thứ tự gồm hơn 200 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, vẫn thuộc nhóm nước trung bình thấp (dưới 3.000 USD là trung bình thấp, từ trên 3.000 USD là trung bình, trên 10.000 USD là trung bình cao,…).

Kinh tế Việt Nam vẫn còn những điểm nghẽn lớn chưa được giải quyết; còn nhiều chỉ tiêu quan trọng của nước có thu nhập trung bình thấp chưa được hoàn thành. Cơ sở hạ tầng, chất lượng nguồn nhân lực, thể chế kinh tế vẫn còn là những hạn chế của sự phát triển.

Những chương trình của nước có thu nhập thấp chưa được hoàn thành như giải quyết nghèo đói ở khu vực dân tộc ít người, ở khu vực nông thôn; chất lượng giáo dục và dịch vụ y tế; sử dụng nước sạch và vệ sinh, đặc biệt là ở nông thôn.

Việc chuyển vị thế thông thường dễ làm nảy sinh tư tưởng chủ quan thỏa mãn, hoặc phiêu lưu ở bộ phận này hay bộ phận khác, ở cán bộ này hay cán bộ khác- mà Lênin gọi là tính "kiêu ngạo cộng sản". Việc tiếp tục đổi mới cũng không giữ được nhịp độ…

Cùng với việc chuyển vị thế chung, thường đi kèm nó cũng là việc chuyển "phong thái" tiêu dùng với tốc độ nhanh hơn, thậm chí "vượt quá vị thế"- sự sành điệu, chơi ngông, tâm lý chuộng ngoại, chi tiêu vượt qua thu nhập… cũng xuất hiện.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem