|
Đại biểu Bùi Thị An chất vấn Giám đốc Sở Thông tin truyền thông. |
Hôm qua, ngày làm việc thứ hai HĐND TP.Hà Nội, các Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, LĐ-TB&XH và GT-VT đã trả lời chất vấn về những vấn đề dân sinh bức xúc tại thành phố. Nóng nhất là vấn đề game.
Khó quản lý vì không được thẩm định hồ sơ
Theo ông Phạm Quốc Bản - Giám đốc Sở Thông tin truyền thông Hà Nội, hiện nay Hà Nội có tới 5 nhà cung cấp dịch vụ Internet: FPT Telecom, Viettel, EVN Telecom, Viễn thông Hà Nội (thuộc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam), VTC.
Có tới 5/18 doanh nghiệp chuyên kinh doanh trò chơi trực tuyến game online đóng trên địa bàn Hà Nội. Ngoài 72 game online được Bộ Thông tin truyền thông cấp phép hoạt động, còn có hàng trăm game online khác (hầu hết là game bạo lực) đang lưu hành trên thị trường thông qua các máy chủ từ nước ngoài.
Cũng theo ông Bản, hiện trên địa bàn thành phố có tới 3.400 đại lý kinh doanh dịch vụ Internet, trong đó có cả tổ chức, cá nhân là chủ các khách sạn, nhà hàng, quán cà phê... Đa số các đại lý đều có hệ thống máy chủ, máy trạm và đường truyền Internet tốc độ cao, trung bình mỗi đại lý có 15-20 máy tính nối mạng, thậm chí có nơi lên tới 50 máy.
Hầu hết khách hàng của các đại lý là học sinh, sinh viên, thanh niên, thiếu nhi nên 70% khách hàng chơi game online chứ không dùng Internet để tìm kiếm kiến thức, thông tin...
Các đại lý thường không chấp hành quy định mở cửa từ 6 giờ đến 23 giờ hàng ngày mà mở liên tục suốt ngày đêm dẫn đến tình trạng lộn xộn khó kiểm soát tại các điểm này.
"Cấp phép kinh doanh thuộc thẩm quyền của Sở Kế hoạch - Đầu tư, thẩm định hồ sơ kinh doanh Internet là cấp quận huyện, chúng tôi không được tham gia vào quá trình thẩm định hồ sơ và cấp phép kinh doanh Internet mà chỉ có chức năng kiểm tra nên không thể kiểm soát nổi các đại lý khi họ vi phạm..." - Giám đốc Sở Thông tin truyền thông giãi bày.
Sở Thông tin truyền thông làm gì?
Theo đại biểu Vũ Đức Tân, trò chơi game online không chỉ có giới trẻ thích mà ngay cả người lớn cũng thích, nhất là những game sex, game bạo lực. Do đó không thể dùng biện pháp hành chính, kỹ thuật để cấm đoán ngăn cản "niềm đam mê" game của họ.
Thay vì chặn server, cấm mở cửa sau 23 giờ đêm, chúng ta tích cực tuyên truyền sâu rộng trong đông đảo người dân về mặt trái và tác hại của những game bạo lực, game sex..., nhất là đưa vào tuyên truyền trong các trường học. "Chúng ta không nên hạn chế game online, vì như vậy sẽ kìm hãm sự phát triển của công nghiệp game online vốn đã non yếu của nước ta..." - ông Tân kiến nghị.
Trước sự đùn đẩy trách nhiệm của Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông, đại biểu Nguyễn Đức Toàn chất vấn: Anh Bản nói Sở Thông tin truyền thông không được tham gia thẩm định hồ sơ và cấp phép kinh doanh dịch vụ Internet, vậy với vai trò quản lý nhà nước về vấn đề này, các anh quản lý cái gì và như thế nào?
Cùng chung tâm trạng với ông Toàn, đại biểu Bùi Thị An nói: Tôi thấy trong văn bản trả lời của Sở Thông tin truyền thông chỉ thấy kiến nghị UBND thành phố và các ngành kiểm tra xử lý những đại lý vi phạm mà không thấy các đồng chí thực sự đưa ra được giải pháp cụ thể nào để giải quyết vấn đề nhức nhối này. "Nếu chúng ta không đưa ra được những biện pháp quyết liệt cụ thể, rất có thể sẽ làm hỏng cả một thế hệ thanh thiếu niên hiện nay vì những game sex, game bạo lực..." - bà An hối thúc.
Xin ý kiến Thủ tướng về xây cổng chào
Sáng 14 - 7, ông Nguyễn Thịnh Thành - Chánh văn phòng UBND Hà Nội cho biết, thành phố đang xin ý kiến Thủ tướng về việc có tiếp tục xây dựng cổng chào hay không. "Hà Nội đã chuẩn bị 2 phương án, một là ngừng xây dựng, hai là tiếp tục, tất cả sẽ thực thi theo chỉ đạo của Chính phủ" - ông Thành nói. Trước đó, tại kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội , một số đại biểu đã lên tiếng đề nghị UBND thành phố dừng xây cổng chào.
Anh Đức
Vui lòng nhập nội dung bình luận.