Bến Bô Cô, nơi Giản Định Đế Trần Ngỗi đánh tan 10 vạn quân Minh nằm ở đâu?

Trần Hưng Thứ năm, ngày 13/07/2023 23:10 PM (GMT+7)
Trước thế tân công như vũ bão của quân dân nhà Hậu Trần do Giản Định Đế Trần Ngỗi đứng đầu, 10 vạn quân Minh chỉ cầm cự được một hồi thì hoàn toàn tan vỡ, phải bỏ chạy. Mộc Thạnh phải cùng binh tướng phá vây chạy thoát về thành Cổ Lộng (ở gần Bô Cô).
Bình luận 0

Nhà Hồ cướp ngôi nhà Trần nhưng không chống được ngoại xâm. Dù quân đông, thành trì vững chắc, nhưng việc giết chết nhiều tướng lĩnh nhà Trần để thuận tiện cho việc cướp ngôi khiến cho nhà Hồ không có tướng nào đủ sức cầm quân, không có kinh nghiệm, nên nhanh chóng bị quân Minh đánh bại. Mặt khác cuộc chiến chống ngoại xâm của nhà Hồ là một cuộc chiến cô độc bởi không được lòng dân. Quân Minh đã phao tin rằng cuộc tấn công là nhằm khôi phục nhà Trần nên ban đầu có nhiều người tin theo. Chỉ đến khi quân Minh tiến vào thành Đông Đô (tên gọi thành Thăng Long thời đấy) cướp bóc dân chúng, người dân mới hiểu rằng đây thực chất là một cuộc xâm lược. Sau khi nhà Hồ sụp đổ, nhiều cuộc khởi nghĩa chống quân Minh nổ ra khắp nơi. Đặc biệt cuộc khởi nghĩa của tôn thất nhà Trần được dân chúng ủng hộ. Tâm điểm của cuộc khởi nghĩa này là trận chiến bến Bô Cô.

Giản Định Đế khởi binh

Năm 1407 khi nhà Hồ bị đánh bại, được sự giúp đỡ của thổ hào vùng Yên Mỗ (Ninh Bình) là Trần Triệu Cơ, con trai Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông là Trần Ngỗi tự xưng Đế (hiệu là Giản Định Đế), lập ra nhà Hậu Trần, dấy binh chống lại quân Minh.

Ban đầu quân nhà Hậu Trần ở thế yếu nên bị danh tướng nhà Minh là Trương Phụ đánh bại, phải rút đến Hóa Châu.

Bến Bô Cô, nơi Giản Định Đế Trần Ngỗi đánh tan 10 vạn quân Minh nằm ở đâu? - Ảnh 1.

(Tranh minh họa của họa sĩ Sỹ Hòa, báo Bình Phước Online).

Bấy giờ viên Đại tri châu Hóa châu là Đặng Tất đã giết quan nhà Minh, đưa hơn 1 vạn quân theo Giản Định Đế. Từ đó Đặng Tất trở thành tướng của nhà Hậu Trần, được phong Quốc công chỉ huy quân Hậu Trần.

Nguyễn Cảnh Chân cũng đưa quân khởi nghĩa của mình gia nhập quân của Giản Định Đế và được phong làm Đồng Tri khu mật tham mưu quân sự.

Đặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân trở thành trụ cột cho nhà Hậu Trần, Đặng Tất chỉ huy toàn quân, còn Nguyễn Cảnh Chân làm quân sư cho Giản Định Đế.

Chiếm lại vùng đất phía nam

Lúc này xảy ra chiến tranh giữa nhà Minh và Mông Cổ, triều đình nhà Minh cho gọi Trương Phụ và Mộc Thạnh về nước.

Nhân cơ hộ tướng giỏi của nhà Minh không có mặt, Giản Định Đế cho quân nam tiến. Đến cuối năm 1408 thì quân Hậu Trần chiếm lại toàn bộ khu vực phía nam là Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu, Tân Bình, Thuận Hóa .

Sau khi đánh chiếm được phía nam, danh tướng Đặng Tất vâng lệnh Giản Định Đế đưa toàn quân ra bắc, khi đến Tràng An (Ninh Bình ngày nay) thì rất đông hào kiệt hưởng ứng.

Tin dữ báo về triều đình nhà Minh, vua Minh vội cử Mộc Thạnh đưa thêm 5 vạn viện binh nam tiến đánh dẹp nhà Hậu Trần.

Trong khi đó, quân Hậu Trần cũng luyện binh, rèn vũ khí, đóng thêm các chiến thuyền, tuyển thêm lính sẵn sáng ứng chiến với quân Minh.

Trận chiến tại bến Bô Cô

Mộc Thạnh chỉ huy 10 vạn quân tiến đánh Nam Định tại bến Bô Cô (bên sông Đáy, nay thuộc tỉnh Nam Định), quân Hậu Trần có 6 vạn do Giản Định Đế và Quốc công Đặng Tất chỉ huy. Cả hai bên đều có cả thủy binh và bộ binh. Bô Cô trở thành nơi diễn ra trận quyết chiến ác liệt nhất.

Bến Bô Cô, nơi Giản Định Đế Trần Ngỗi đánh tan 10 vạn quân Minh nằm ở đâu? - Ảnh 2.

Bến Bô Cô, nơi Giản Định Đế Trần Ngỗi đánh tan 10 vạn quân Minh nằm ở đâu? - Ảnh 3.

2 mộc bản Triều Nguyễn ghi chép diễn biến trận Bồ Cô. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (luutru.gov.vn)

Quân Hậu Trần đắp chiến lũy chắc chắn hai bên bờ bắc và bờ nam, Đặng Tất cho quân đóng cọc dưới sông chuẩn bị sẵn. Quân Minh đặt kỳ vọng nhiều vào trận chiến này, Mộc Thạnh cho quân tiến đánh, hai bên giáp chiến.

Quân Minh bắn hỏa pháo và tấn công các chiến lũy bằng bộ binh. Do có thời gian chuẩn bị nên quân Hậu Trần chống trả quyết liệt tại chiến lũy.

Cùng lúc với cánh quân trên bộ, các chiến thuyền của quân Minh từ sông Châu Giang (Hà Nam ngày nay) tiến đến sông Lộ Bố rồi tiến đánh thủy quân Hậu Trần. Quân Minh tính toán khi bộ binh làm chủ được các chiến lũy bờ bắc thì thủy binh cũng làm chủ khúc sông này. Sau đó bộ binh sẽ lên thuyền đến đến bờ nam đánh dứt điểm quân Hậu Trần.

Trên bộ, do gặp phải chiến lũy hẹp nên quân Minh dồn ứ, quân Hậu Trần chống cự vững chắc rồi điều quân mai phục hai bên khép thế công khiến quân Minh trở tay không kịp.

Dưới nước, thủy quân Hậu Trần sau một hồi cầm cự thì dụ quân Minh vào bãi cọc. Thuyền quân Hậu Trần nhỏ và nhẹ nên có thể lướt qua bãi cọc, còn thuyền quân Minh là loại lớn, nhanh chóng đâm vào bãi cọc và vỡ.

Quân Hậu Trần tiêu diệt thủy quân Minh xong thì cánh quân ở bờ nam lên thuyền tiến sang bờ Bắc, dồn sức đánh quân minh trên bộ.

Quân Minh cầm cự được một hồi thì hoàn toàn tan vỡ, phải bỏ chạy. Mộc Thạnh phải cùng binh tướng phá vây chạy thoát về thành Cổ Lộng (ở gần Bô Cô).

Trận này quân Minh tổn thất rất lớn, nhà Hậu Trần cũng mất hơn 1 vạn quân.

Chiến thắng vang dội bến bến Bô Cô khích lệ tinh thần binh sĩ Hậu Trần. Giản Định Đế đã nghĩ đến việc tiến quân vào thành Thăng Long nhằm lên ngôi.

Trong khi đó tại Nam Kinh, tin thất trận báo về, khiến triều đình nhà Minh thất kinh. Vua Minh buộc phải đưa Trương Phụ quay lại Giao Chỉ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem