Bến Tre: Lo sạt lở ven sông

Thứ sáu, ngày 29/10/2010 07:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hơn một tháng qua, gia đình bà Phạm Thị Bình ở ấp 1 xã Giao Hòa, huyện Châu Thành, Bến Tre sống trong tâm trạng phập phồng lo sợ. Bởi mới đây, gần 100m vuông đất phía sau nhà của bà đột nhiên bị sụp xuống sông.
Bình luận 0
img
Nước sông đã ăn gần vào nhà dân ở Châu Thành, Bến Tre. Ảnh: Trường Duy

Căn nhà mà cả gia đình bà ở đang nằm cận kề với mức nước và sẽ bị thủy triều cuốn đi bất cứ lúc nào. Bà Bình cho biết, mỗi tối, bà phải cùng mấy cháu nhỏ đi di tản lên trường học của xã ngủ vì sợ sạt lở bất chợt như trước đây.

Về việc di dời nhà ở đến nơi an toàn thì bà chưa tính tới, bởi chưa đủ tiền mua nền nhà mới và bộn bề công việc mua bán… Tại xã Giao Hòa còn 54 hộ dân sống ven bờ phía Tây của sông An Hóa có nguy cơ bị sạt lở; trong đó có 17 nhà dân cần được di dời khẩn cấp trong mùa mưa bão này.

Còn gia đình chị Võ Thị Thúy, xã Long Định, huyện Bình Đại có đến 6 nhân khẩu nhưng phải sống trong căn nhà lá đơn ọp ẹp ven bờ phía Đông của sông An Hóa. Chị Thúy cho biết, sạt lở làm mất đất rất nhiều và ngày càng trầm trọng.

Theo UBND xã Long Định, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre thì toàn xã có trên 40 nhà dân sống ven sông An Hóa và sông Cửa Đại có nguy cơ bị sạt lở; trong đó, có không ít hộ đã di dời nhà đến nhiều lần, thủy triều đã xâm thực vào hàng chục mét nên không còn đất để ở.

Ngoài ra, ở xã Long Hòa, huyện Bình Đại cũng còn hàng chục nhà dân sống ven sông trong hoàn cảnh bất an vì tình hình sạt lở diễn biến phức tạp. Đa số các điểm sạt lở trên sông An Hóa và sông Cửa Đại đều kiểu"hàm ếch", có nơi sụp xuống độ sâu 3-4m, rất nguy hiểm nhất là đối với người già và trẻ em.

img
 

Người dân địa phương cho biết, tình trạng sạt lở ngày càng nghiêm trọng nhất là vào mùa mưa bão, triều cường dâng cao như hiện nay. Ông Huỳnh Ngọc Ảnh - Bí thư Đảng ủy xã Long Định, huyện Bình Đại nói:" Cái khó khăn trong công tác di dời này là do chủ trương của tỉnh, huyện khi hộ dân di dời nhà xong trên mới hỗ trợ tiền.

Nhưng thật ra nhiều hộ không có tiền mặt. Để di dời thì UBND xã phải đứng ra" mua chịu" vật tư, sau đó tỉnh đến nghiệm thu rồi mới hỗ trợ. Các đại lý bán vật tư bán chịu cũng chỉ có giới hạn. Ở xã chúng tôi có nhiều nhà di dời rồi mà vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ…".

Để đối phó với tình trạng sạt lở ven sông, rạch ở tỉnh Bến Tre ngày càng trầm trọng, thì cùng với việc sớm triển khai các dự án xây bờ kè bảo vệ bờ sông, rạch, ngành chức năng và chính quyền địa phương cần tạo điều kiện về vật chất, nhân lực giúp cho người dân di dời nhà ở đến nơi an toàn.

Về phía các gia đình nằm trong khu vực sạt lở và nguy cơ bị sạt lở ở huyện Châu Thành và Bình Đại, Bến Tre cần chủ động phòng tránh sạt lở với những phương án khả thi để bảo vệ tính mạng, tài sản của mình trong mùa mưa bão.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem