Bên trong 'Atlantis ngoài đời thực' - thành phố 2.000 năm tuổi chìm sâu dưới đáy đại dương

Chủ nhật, ngày 31/10/2021 19:00 PM (GMT+7)
Khách du lịch có thể ghé thăm "Atlantis ngoài đời thực" và chiêm ngưỡng các bức tượng, tàn tích được trục vớt từ một địa điểm khảo cổ 2.000 năm tuổi, nổi tiếng về sự sang trọng và xa xỉ, hiện đã bị chôn vùi dưới lòng đại dương ở Ý.
Bình luận 0
Bên trong 'Atlantis ngoài đời thực' - thành phố 2.000 năm tuổi giờ chìm sâu dưới đáy đại dương - Ảnh 1.

Du khách có thể khám phá sàn khảm trang trí công phu, nơi mà giới quý tộc La Mã từng tổ chức các bữa tiệc không ngừng nghỉ. Ảnh: Getty

Địa điểm đặc biệt này nằm dưới đáy biển gần Naples, nó được coi là kho báu bị chôn vùi của Baiae, một khu nghỉ mát được mệnh danh là Monte Carlo của thời La Mã cổ đại. Người ta tin rằng nơi đây từng là một thị trấn đặc biệt, nơi cộng đồng người giàu có và quyền lực sẽ tiệc tùng trong nhiều ngày, với những cuộc trao đổi và phô trương sự giàu sang phú quý.

Bên cạnh đó, đây cũng là nơi mà thượng nghị sĩ Gaius Calpurnius Piso lập mưu giết Hoàng đế Nero.

Các hoàng đế Augustus, Nero và Caligula đều có nhà ở Baiae. Trên thực tế thì một số tàn tích của biệt thự thuộc về Julius Caesar đang được trưng bày tại bảo tàng khảo cổ Campi Flegrei. Mặc dù vậy, phần dưới của thị trấn đã chìm trong biển nước do ảnh hưởng của núi lửa.

Giờ đây, 'Atlantis ngoài đời thực' được biến thành một điểm thu hút du khách. Khách du lịch có thể khám phá tàn tích bằng cách đăng ký lặn với hướng dẫn viên. Có bảy điểm lặn để bạn lựa chọn, bao gồm Portus Julius, quê hương của Thượng nghị sĩ Piso và nơi chứa kho báu của Hoàng đế Claudius. Ngoài ra, mọi người còn có thể khám phá sàn khảm trang trí công phu, nơi mà giới quý tộc La Mã từng tổ chức các bữa tiệc không ngừng nghỉ.

Bên trong 'Atlantis ngoài đời thực' - thành phố 2.000 năm tuổi giờ chìm sâu dưới đáy đại dương - Ảnh 3.

Thợ lặn biển tiếp cận bức tượng thần Dionysus của người Hy Lạp. Ảnh: Getty

Các di tích La Mã cổ đại thỉnh thoảng được tìm thấy trong thế kỷ 19, Guardian đưa tin. Vào những năm 1920, trùm phát xít Ý Benito Mussolini đã rút nước trong khu vực ngoài khơi Pozzuoli để tìm kiếm kho báu. Sau đó, vào những năm 1940, phi công không quân Ý Raimondo Baucher cũng phát hiện ra một nơi mà ông mô tả là "thị trấn ma kỳ lạ" khi đang bay qua bến cảng của Portus Julius.

Cuộc khai quật quan trọng đầu tiên đã được thực hiện vào đầu những năm 1980, trong đó nymphaeum, một căn phòng chứa đầy những bức tượng bằng đá cẩm thạch của Hoàng đế Claudius, đã được tìm thấy. Ngày nay, bản sao của các bức tượng được đặt dưới đáy biển, còn bản gốc được trưng bày trong bảo tàng.

Khu vực dưới đáy biển rộng gần 2km vuông được bảo vệ từ năm 2002. Trước đó, nhiều di tích đã bị đánh cắp và bán ở nước ngoài - với một di tích cuối cùng nằm ở Bảo tàng Getty ở Los Angeles.

Lê Phương (Daily Star)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem