Trước khi VCK U23 châu Á 2020 bắt đầu, HLV Park Hang-seo đã thừa nhận với báo chí: “Chúng tôi hầu như không nắm được nhiều thông tin của U23 Triều Tiên vì họ là đội tuyển khá kín tiếng”. Khó khăn của HLV Park Hang Seo là khó khăn chung của những đội bóng có đối đầu với đại diện của Triều Tiên ở nhiều giải đấu. Họ kín tiếng, gần như không để lộ thông tin gì và rất khó để cho đối thủ có thể nắm bắt được tình hình. Cuối năm 2019, lãnh đạo CLB Hà Nội cũng từng “than trời” rằng không thể tìm nổi thông tin về bóng đá Triều Tiên chính là khó khăn lớn nhất khi đội bóng này đối đầu với Apirl 25 tại trận chung kết liên khu vực AFC Cup 2019.
Cựu HLV đội tuyển quốc gia CHDCND Triều Tiên - ông Jorn Andersen.
Bóng đá Triều Tiên gần như cô lập với thế giới. Những thông tin ít ỏi về họ chỉ được hé lộ theo kiểu “nhỏ giọt” bởi cựu HLV đội tuyển quốc gia Triều Tiên - ông Jorn Andersen. Ông ở vị trí này từ năm 2016 - 2018 và là HLV nước ngoài đầu tiên của CHDCND Tiều Tiên sau 25 năm. Sau thời của Jorn Andersen, đất nước này lại quay về với việc sử dụng các HLV nội. Tuy nhiên, thông tin mà ông nói về bóng đá Triều Tiên cũng không quá nhiều, đủ để người khác biết được những thứ căn bản nhất và có thuyết phục thế nào cũng không nói thêm.
Con đường trở thành HLV trưởng đội tuyển quốc gia Triều Tiên của Jorn Andersen là một hành trình của sự chờ đợi. Đầu năm 2016, vị HLV này nhận được một cuộc gọi bí ẩn hỏi ông có muốn trở thành một HLV của một đội tuyển tại châu Á không. Ông trả lời trên BBC: “Họ hỏi tôi có muốn trở thành HLV của một đội tuyển ở châu Á không. Tôi có hỏi đó là đội nào thế thì họ bảo tôi chờ đi. Lần đầu nói chuyện với nhau họ không hề nói mình là người nước nào. Đến vài cuộc trò chuyện sau, họ mới nói điều đó với tôi”. Sau đó, Jorn Andersen bắt đầu có những cuộc đàm phán với Liên đoàn bóng đá Triều Tiên. Tuy nhiên, việc này cũng mất tới cả tháng trời. Cuối cùng, sau thời gian dài chờ đợi, đôi bên cũng ký hợp đồng làm việc 8 tháng cùng nhau.
“Tôi thật sự bất ngờ khi đến Triều Tiên. Thủ đô của họ là một thành phố rất yên bình, vô cùng sạch sẽ và không có tội phạm”, Jorn Andersen nói với báo chí. Ông được sắp xếp ở cùng với vợ trong một khách sạn hạng sang tại Bình Nhưỡng, mọi điều kiện về nhu cầu sống thiết yếu Triều Tiên đều đáp ứng cho vị HLV này một cách đầy đủ nhất. Jorn Andersen nói tiếp: “Tôi nghĩ rằng có quá nhiều điều tiêu cực được phóng đại về cuộc sống ở Triều Tiên. Mọi thứ ở đây rất thanh bình và không có gì là không tốt. Khi nhận được lời mời dẫn dắt đội tuyển quốc gia Triều Tiên, tôi khá bất ngờ nhưng bây giờ thì tôi hài lòng với quyết định của mình”.
Vấn đề của Jorn Andersen là bóng đá Triều Tiên không có giải vô địch quốc gia đúng nghĩa. Họ chỉ có một loạt các giải đấu ngắn ngày kéo dài khoảng 1 - 2 tháng. Điều này khiến Jorn Andersen khó khăn cho việc lựa chọn cầu thủ. Ông cho biết: “Liên đoàn bóng đá Triều Tiên bảo tôi đến xem các giải đấu và lựa chọn cầu thủ từ đó. Có lúc cứ mỗi ngày tôi xem 2 trận đấu, 1 tháng xem tới 60 trận liên tục”.
Tuy nhiên, điều này cũng có cái hay khi HLV đội tuyển quốc gia gặp cầu thủ liên tục trong suốt quãng thời gian không diễn ra các giải đấu. Jorn Andersen gặp các học trò người Triều Tiên của mình gần như hàng ngày và hiểu được tường tận từng cầu thủ cũng như lối chơi của họ. Xét về tổng quan, ông rất có thiện cảm với cầu thủ Triều Tiên.
Ông cho biết: “Các cầu thủ Triều Tiên rất thân thiện, họ làm việc chăm chỉ và lúc nào cũng tràn ngập sinh khí. Tôi từng làm việc ở một số nước châu Âu. Ở đó, cầu thủ có thể nói rằng mình mệt và không muốn tập luyện. Ở Triều Tiên không bao giờ có chuyện đó, các cầu thủ ở đây gần như chẳng bao giờ mệt mỏi. Họ luôn muốn làm công việc của mình và học hỏi những điều mới”.
Tại World Cup Cup 2010, giọt nước mắt hạnh phúc của Jong Tae-se khi Triều Tiên được tham dự giải đấu này đã khiến cả thế giới xúc động.
Jorn Andersen cho biết thêm hàng ngày đều làm việc với cầu thủ, 2 lần mỗi ngày như thể là làm việc với CLB. Vào cuối tuần, cầu thủ Triều Tiên sẽ quay về CLB để thi đấu nếu có giải. “Tôi nghĩ Triều Tiên là quốc gia duy nhất trên thế giới mà HLV đội tuyển quốc gia có thể làm việc thường xuyên với cầu thủ như vậy”.
Tuy nhiên, không phải Jorn Andersen không có những khó khăn khi dẫn dắt đội tuyển quốc gia Triều Tiên. Ông cho biết: “Tôi cũng có khó khăn của mình. Ở đó, tôi không có ai trợ giúp cả, không có trợ lý HLV và cũng chẳng có người nào có thể thảo luận về chiến thuật. Hơn nữa, họ là người châu Á, tôi là người châu Âu nên không phải lúc nào suy nghĩ cũng giống nhau. Tôi phải lắng nghe cầu thủ nhiều hơn và dần dần thì cũng phải quen với điều đó”.
Triều Tiên huấn luyện cầu thủ theo kiểu quân đội. Các cầu thủ đều rất chăm chỉ, nghiêm túc và có tinh thần quốc gia một cách mãnh liệt. Trong buổi tập vào ngày 8/1/2020, trước khi VCK U23 châu Á khai mạc 2 ngày, nhiều người bất ngờ khi các cầu thủ Triều Tiên mặc trang phục thi đấu nghiêm chỉnh, sơ vin rồi bước ra sân xếp hàng rồi hát quốc ca. Dụng cụ để phát nhạc là một chiếc loa nhỏ.
Cầu thủ Triều Tiên hiện nay cũng có thể lực rất tốt. Họ chạy, chơi bóng, chuyền bóng rất đơn giản và gần như không bao giờ biết ngừng nghỉ. Tinh thần chính là thứ vũ khí mạnh mẽ nhất của cầu thủ nước này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.