Bệnh nhân suy thận trong khu vực phong tỏa vất vả tìm chỗ chạy thận nhân tạo
Bạch Dương
Thứ tư, ngày 09/06/2021 17:10 PM (GMT+7)
Đợt dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát, hàng loạt địa phương trên địa bàn TP.HCM phải phong tỏa, kéo theo đó là một số lượng không nhỏ bệnh nhân đang phải chạy thận nhân tạo hàng tuần bị "bỏ rơi" vì không có nơi tiếp nhận.
Bà H.M.G (83 tuổi) sống trong chung cư bị phong tỏa tại quận Tân Phú đã suýt nguy kịch khi hơn 1 tuần không được chạy thận. Bình thường bà chạy thận nhân tạo 3 lần/tuần tại bệnh viện. Khi chung cư bị phong tỏa, bà thuộc diện liên quan đến ca mắc Covid-19 nên bệnh viện từ chối tiếp nhận. Bà buộc phải ở nhà hơn 1 tuần, không được lọc máu khiến phù người, suy kiệt cho đến khi tìm được khu chạy thận cách ly tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Bệnh viện quận 2 cũ).
Chị N.T.G. (27 tuổi, ở điểm phong tỏa tại Tân Bình) cho biết: "Tôi bị suy thận đã 4 năm nay, mỗi tuần phải tới bệnh viện lọc máu 3 ngày 2, 4, 6. Tuy nhiên, khi chỗ tôi bị phong tỏa, tôi buộc phải bỏ chạy thận 2 đợt. Quá mệt, không chịu nổi nữa, tôi gọi điện thoại đến nhiều bệnh viện cầu cứu mới biết Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Hiện tại tôi đã đỡ hơn nhiều, không còn chóng mặt, buồn nôn và phù người nữa".
Khu chạy thận nhân tạo cho đối tượng có nguy cơ nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh vừa đi vào hoạt động. Khu chạy thận này ở vị trí riêng biệt, đối diện cổng số 1 của bệnh viện, phục vụ bệnh nhân suy thận mãn tính ở các điểm phong tỏa, cách ly giám sát dịch Covid-19 tại các quận huyện thuộc địa bàn Thành phố.
Hiện tại, khu chạy thận có khoảng 35 bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối phải lọc thận định kỳ 3 lần/tuần. Tất cả bệnh nhân đều thuộc đối tượng F2, F3, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm Covid-19 nhưng đều đã có xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính.
Tuy nhiên, các bác sĩ vẫn thực hiện mỗi giường bệnh cách tối thiểu 2 mét, người bệnh và y bác sĩ đều phải mặc đồ bảo hộ. Người bệnh chạy thận lần đầu sẽ được test nhanh Covid-19. Trong thời gian chờ kết quả, người bệnh sẽ được chạy thận tại phòng áp lực âm như một ca nghi nhiễm.
BS.CKII Từ Kim Thanh – Trưởng khoa Thận Nhân tạo, Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, tuy khu chạy thận cho đối tượng có nguy cơ mới đi vào hoạt động nhưng khá đông bệnh nhân bởi những ngày qua bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối ở các điểm phong tỏa, cách ly tại TP.HCM hầu như không có điều kiện lọc thận nên tình trạng sức khỏe rất xấu.
Bệnh nhân suy thận mạn được xếp vào nhóm suy giảm miễn dịch. Nếu không được chạy thận kịp thời bệnh nhân sẽ gặp phải tình trạng dư dịch, phù phổi, chỉ số ure máu cao, rối loạn nhịp tim… có thể dẫn đến ngưng tim, đột tử. Tỷ lệ ngưng tim, đột tử do không chạy thận kịp thời rất cao.
"Thực tế, bệnh viện đã tiếp nhận một bệnh nhân suy thận mạn nhiều năm, đó là cụ bà 83 tuổi tại khu phong tỏa của quận Tân Phú. Bệnh nhân không được chạy thận trong hơn 1 tuần khiến sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, chỉ cần chậm thêm một thời gian nữa là bệnh nhân khó qua khỏi", bác sĩ Thanh nói.
Theo các quy định về phòng, chống dịch Covid-19, bệnh nhân là đối tượng F2, F3 phải cách ly tại nhà, muốn chạy thận phải di chuyển bằng xe chuyên dụng, ngoài ra phải khử khuẩn cả nơi xuất phát, nơi đến và xe chuyên chở. Như vậy, ngoài chi phí lọc thận, người bệnh còn tốn thêm một khoản phí di chuyển, khó khăn càng khó khăn hơn.
Nhờ sự hỗ trợ của mạnh thường quân, ngoài 2 xe công vụ của bệnh viện, hiện có thêm một số xe cấp cứu 0 đồng sẵn sàng vận chuyển bệnh nhân suy thận trong khu vực phong tỏa đến bệnh viện.
BS.CK2 Phan Văn Đức, Phó giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, hiện tại khu chạy thận có 10 máy chạy thận nhân tạo, mỗi máy chạy tối đa được 4 ca/ngày. Như vậy, nếu chạy hết công suất sẽ phục vụ 80 bệnh nhân suy thận. Tạm thời mô hình này sẽ giải quyết được bài toán số lượng bệnh nhân cần lọc máu định kỳ, là đối tượng trong các khu vực cách ly, phong tỏa của toàn thành phố.
Khu chạy thận nhân tạo cách ly tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh. Clip: Bạch Dương.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.