Bệnh nhân thứ 8 tử vong nghi do bệnh dại ở Bình Thuận
Bệnh nhân thứ 8 tử vong ở Bình Thuận nghi vẫn do chủ quan không tiêm phòng bệnh này
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 12/08/2024 10:09 AM (GMT+7)
Ngày 12/8, nguồn tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận cho biết, trên địa bàn tỉnh vừa có một người tử vong nghi do bệnh dại. Đây là ca tử vong thứ 8 kể từ đầu năm 2024 đến nay nghi bệnh dại.
Bệnh nhân thứ 8 tử vong nghi do bệnh dại ở Bình Thuận
Người bị tử vong là bệnh nhân nữ 49 tuổi (ở xã Hàm Hiệp, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận). Theo người nhà của bệnh nhân, không rõ bệnh nhân có bị chó, mèo cắn hay không và cũng không rõ tiền sử tiêm ngừa...
Theo ghi nhận của các cơ quan chức năng, trong nhà bệnh nhân có nuôi chó và hiện tại con chó này sống bình thường, đang được theo dõi. Ngày 3/8, người nhà thấy bệnh nhân có biểu hiện sốt nhẹ, hốt hoảng, mệt mỏi, không dùng thuốc gì.
Đến sáng 5/8, bệnh nhân thấy khó thở, sợ nước, sợ gió, chạy trốn vào bóng tối. Vì vậy, người nhà đưa bệnh nhân đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận. Sau khi thăm khám và hội chẩn, bác sĩ tại đây kết luận nghi bệnh dại và chuyển bệnh nhân vào Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, bệnh nhân được lấy mẫu nước bọt xét nghiệm (PCR), với kết quả dương tính vi rút dại. Sau đó bệnh nhân trở nặng và được người nhà xin về và tử vong vào ngày 6/8/2024.
Người dân cần đưa chó mèo nuôi đi chích ngừa
Sau ca tử vong này, trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Thuận tiếp tục khuyến cáo người dân bị chó, mèo cào cắn thì rửa kỹ vết thương bằng nước sạch, xà phòng và đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm vắc xin phòng dại, huyết thanh kháng dại kịp thời. Đồng thời, người dân cần tiêm phòng vắc xin phòng dại đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y.
Theo Cục Y tế dự phòng, ở Việt Nam, chó là ổ chứa vi rút dại chủ yếu chiếm 96 - 97%, sau đó là mèo 3 - 4%, động vật khác (thỏ, chuột, sóc...).
Bệnh dại được lây truyền qua nước bọt của động vật mắc bệnh bài tiết ra ngoài và theo vết cắn, vết liếm, vết xước trên da bị rách vào cơ thể.
Từ đó theo dây thần kinh đến các hạch và thần kinh trung ương, vi rút sinh sản rất nhanh, lại theo dây thần kinh ra tuyến nước bọt. Hiện tại không có cách điều trị hiệu quả cho bệnh dại sau khi các dấu hiệu của bệnh xuất hiện. Muốn phòng bệnh dại thì biện pháp hữu hiệu nhất vẫn là chủ động tiêm phòng dại cho chó, mèo.
Để hạn chế lây lan bệnh dại trên động vật và từ động vật sang người, hiện nay UBND TP Phan Thiết (Bình Thuận) đang hỗ trợ tiêm vắc xin miễn phí trên đàn chó mèo trên địa bàn thành phố.
Các cơ quan chức năng TP Phan Thiết, yêu cầu người dân hãy chủ động đưa chó, mèo chưa được đưa tiêm ngừa, hoặc đã được tiêm nhưng qua thời gian bảo vệ của vắc xin đi tiêm ngừa để đảo bảo an toàn cho chính con người và vật nuôi.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.