Bình Thuận: Đã có kết quả xét nghiệm hàng tấn cá lăng đuôi đỏ nuôi ở sông La Ngà bị chết
Bình Thuận: Đã có kết quả xét nghiệm hàng tấn cá lăng đuôi đỏ nuôi ở sông La Ngà bị chết
Bùi Phụ
Thứ năm, ngày 08/08/2024 05:31 AM (GMT+7)
Ngày 7/8, trao đổi với Dân Việt, ông Mai Trí Mân, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh (tỉnh Bình Thuận) cho biết, đã có kết quả xét nghiệm vụ cá của người dân đang nuôi trong lồng bè trên sông La Ngà bị chết.
Cá bị chết là do bị nhiễm ký sinh trùng, nước nhiễm khuẩn
Theo ông Mai Trí Mân, kết quả xét nghiệm cho thấy cá chết do bị nhiễm ký sinh trùng, nước nhiễm khuẩn. Kết quả xét nghiệm này do Chi cục Chăn nuôi và thú y, Chi cục Thủy sản tỉnh Bình Thuận công bố và thông báo.
Theo kết quả xét nghiệm, mẫu xét nghiệm có chỉ tiêu tổng chất rắn lơ lửng và Coliform trong cá vượt ngưỡng cho phép (Coliform là loại vi khuẩn có thể sinh sống trong nhiều môi trường khác nhau, là thủ phạm gây nhiều bệnh nguy hiểm trên hệ tiêu hóa).
Ngoài ra, kết quả xét nghiệm mẫu nước nuôi cá lồng bè tại xã La Ngâu cũng xác định không phát hiện tác nhân gây bệnh truyền nhiễm trên cá lăng dẫn đến cá chết hàng loạt nhưng cá bị nhiễm ký sinh trùng sán lá đơn chủ.
Từ kết quả trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh đã đề nghị UBND xã La Ngâu có khuyến cáo và lưu ý cho người nuôi lồng bè tại địa phương phải thường xuyên theo dõi các thông số môi trường khu vực nuôi định kỳ để có biện pháp xử lý, điều chỉnh môi trường nuôi kịp thời.
Bên cạnh đó là theo dõi, kiểm soát chặt chẽ nguy cơ ô nhiễm nước từ chất thải, rác thải của các khu vực sản xuất lân cận xuống khu vực nuôi.
Người nuôi cần có chế độ cho cá ăn hợp lý, tránh dư thừa gây ô nhiễm, tăng cường bổ sung vitamin, khoáng chất vào khẩu phần ăn hàng ngày để tăng cường sức đề kháng và giúp cá tăng trưởng.
Người nuôi phải thường xuyên vệ sinh lồng bè nuôi để đảm bảo nước lưu thông tốt, đảm bảo khoảng cách giữa các bè nuôi theo đúng quy định.
Đối với cá đang bị nhiễm ký sinh trùng sán lá đơn chủ có thể xử lý bằng cách treo các túi vôi ở lồng hoặc trộn oxytetracyline vào thức ăn cho cá và sử dụng các loại thuốc hóa chất được phép sử dụng khác.
Chia sẻ với bà con nông dân
Theo ông Mai Trí Mân - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tánh Linh, qua vụ này các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương rất chia sẻ những khó khăn, thiệt hại của bà con nuôi cá bị thiệt hại này.
Cũng theo ông Mai Trí Mân, đơn vị đã rà soát rất kỹ các quy định của pháp luật để bà con được hỗ trợ, nhưng rất tiếc khi đối chiếu quy định hiện hành thì những trường hợp cá chết vừa qua không nằm trong danh mục được Nhà nước hỗ trợ, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế.
Vì vậy, để tránh xảy ra trường hợp cá chết tương tự, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đề nghị bà con tuân thủ khuyến cáo của ngành chức năng trong quá trình nuôi cá.
Như Dân Việt đưa tin, thời điểm tháng 7 vừa qua, gần 20 lồng bè cá nuôi của ông Trần Cư tại La Ngâu liên tục bị chết với số lượng khoảng 1,2 tấn cá lăng đuôi đỏ và 150 kg cá rô phi.
Không riêng gì ông Trần Cư mà những hộ nuôi cá tại đây cũng rơi vào cảnh tương tự. Theo thống kê, gần 3,7 tấn cá lăng đuôi đỏ và 330 kg cá rô phi của 5 hộ nuôi cá lồng bè trên sông La Ngà bị chết, gây thiệt hại hàng trăm triệu đồng.
Theo phản ánh của các hộ nuôi cá, tình trạng cá trong bè chết diễn ra từ cuối tháng 6 qua đầu tháng 7/2024. Loại cá chết chủ yếu là cá lăng đuôi đỏ với trọng lượng từ 7 lạng/con, số còn lại là cá rô phi mới được thả nuôi khoảng 10 ngày. Sau khi xảy ra hiện tượng trên, ngành chức năng đã tiến hành lấy mẫu nước, mẫu cá tiến hành xét nghiệm để xác định nguyên nhân, đề ra hướng khắc phục…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.